(Trang 56)
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau: • Đề tài và các yếu tố thi luật của bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. • Các yếu tố thời gian, không gian, âm thanh, sự vật được tác giả sử dụng để miêu tả bức tranh thiên nhiên. • Cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ. • Tác dụng của các từ tượng hình, từ tượng thanh và biện pháp tu từ đảo ngữ. |
Qua Đèo Ngang (1)
-----------------------------
BÀ HUYỆN THANH QUAN(2)
-----------------------------
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiểu vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc(3),
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia(4)
Dừng chân đúng lại : trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
(Hoàng Hữ Yên (Chủ biên), Tình tuyển văn học Việt Nam, tập 6, Sdd, tr. 119-120)
--------------------
(1) Đèo Ngang thuộc dãy núi Hoành Sơn, nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Địa danh Đèo Ngang đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều thi nhân (Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền,...).
(2) Bà Huyện Thanh Quan (không rõ năm sinh, năm mất) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XIX; quê ở phường Nghi Tàm, nay thuộc Hà Nội. Chồng bà từng làm Trị huyện Thanh Quan. Bà là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng nhất thời trung đại. Thơ Bà Huyện Thanh Quan hầu hết được viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật với niêm, luật chặt chẽ, bút pháp điêu luyện, ngôn từ trau chuốt. Các tác phẩm tiêu biểu của bà như Qua Đèo Ngang, Thăng Long thành hoài cổ, Chiều hôm nhớ nhà, Chùa Trấn Bắc,.. đều ẩn chứa niềm nhớ tiếc quá
khứ và nỗi buồn man mác trước hiện tại.
(3) Quốc quốc: từ tượng thanh, tả tiếng kêu của con chim cuốc; đồng thời từ còn được dùng theo lối chơi chữ dựa trên hiện tượng đồng âm (quốc: nước).
(4) Gia gia: từ tượng thanh, tả tiếng kêu của con chim gia gia; đồng thời từ còn được dùng theo lối chơi chữ dựa trên hiện tượng đồng âm (gia: nhà, gia đình).