(Trang 71)
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước
Mỗi cá nhân bao giờ cũng có mối quan hệ với cộng đồng, đất nước. Qua những vấn đề cụ thể của đời sống xã hội, mối quan hệ này càng được thể hiện rõ ràng. Thế nhưng, trước một vấn đề, nhận thức của mọi người thường có những điểm khác nhau. Vì thế, bàn luận một cách thấu đáo về một vấn đề nào đó, giúp người đọc thấy được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, đất nước là điều rất cần thiết.
Yêu cầu:
• Nêu được vấn đề nghị luận và giải thích để người đọc hiểu vì sao vấn đề này đáng được bàn đến.
• Trình bày rõ ý kiến về vấn đề được bàn; đưa ra được những lí lẽ thuyết phục, bằng chứng đa dạng để chứng minh ý kiến của người viết.
• Đối thoại với những ý kiến khác (giả định) nhằm khẳng định quan điểm của người viết.
• Nêu được ý nghĩa của vấn đề nghị luận và phương hướng hành động.
Phân tích bài viết tham khảo
Hiểu biết về lịch sử
Nói đến hiểu biết về lịch sử, ta nghĩ ngay đến vai trò của môn Lịch sử ở nhà trường với những cuốn sách giáo khoa, những tiết học trên lớp, những giờ dã ngoại đến các di tích nổi tiếng,... Trước hết là như vậy. Lịch sử là một môn học trong nhà trường nước ta, cũng như ở bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới. Có quốc gia nào không dạy lịch sử nước mình và lịch sử nhân loại cho các thế hệ học sinh?
Tìm hiểu lịch sử nước nhà, ta như lật mở từng lớp trầm tích lặng lẽ, để quá khứ cất lên tiếng nói, đưa ta về với cội nguồn xa xôi, nơi tổ tiên người Việt đã sống và vượt qua bao gian nan, thử thách, đặt những viên đá đầu tiên xây toà nhà Tổ quốc. Với những bài học lịch sử, ta được biết từ buổi bình minh của dân tộc, nhà nước Văn Lang, Âu Lạc đã ra đời như thế nào. Bài học lịch sử giúp ta hình dung không khí oai hùng ngày xưa, thuở Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, |
(Trang 72)
Lê Lợi, Quang Trung,... đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng và khẳng định chủ quyền của đất nước. Bài học lịch sử đã làm sống dậy trước mắt ta những sự kiện lớn lao giữa thế kỉ XX chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu và chiến dịch Hồ Chí Minh oanh liệt thu non sông về một mối. Và, cũng nhờ kiến thức lịch sử, ta mới biết dân tộc minh từng có thời điểm trải qua những giai đoạn tăm tối, đau thương.
Con người thời đại nào, quốc gia nào cũng cần biết yêu đất nước mình, biết thể hiện tình cảm với quê hương, xứ sở. Lòng yêu nước chỉ thực sự sâu sắc, khi con người có ý thức sâu xa về cội nguồn, hiểu biết quá khứ, tự hào về truyền thống của ông cha, soi mình trước những gương sáng của tiền nhân để biết cách hành động. Vì thế, học lịch sử không chỉ cần nắm những tri thức đã được đúc kết trong sách vở, mà còn phải biết rút ra từ đó bài học cho cuộc sống hôm nay. Với ý nghĩa này, bài học lịch sử là bài học kinh nghiệm, bởi vì, lịch sử không ngủ yên trong sách vở, mà luôn hiện diện, đối thoại, nhắc nhở chúng ta phát huy truyền thống oanh liệt của cha ông và biết tránh những sai lầm không đáng có.
Hiện nay có một thực tế: Nhiều người trẻ cho rằng lịch sử là những gì thuộc về thời xa xưa, không liên quan gì đến cuộc sống sôi động hằng ngày. Dường như họ không có nhu cầu hiểu biết về quá khứ của đất nước. Họ nhầm lẫn các thời kị, các sự kiện, các nhân vật lịch sử. Không ít bạn học sinh lúng túng khi được hỏi về các nhân vật và sự kiện lịch sử nổi bật được dùng đặt tên đường, tên phố nơi mình sinh sống... Việc thiếu hiểu biết về lịch sử ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đến nhân cách của các bạn đó. Bởi vì, một khi con người không có ý niệm gì về lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, thì sự mơ hồ, nhạt phai lòng yêu nước, sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia là điều khó tránh khỏi. Đến đây, ta đã biết kiến thức lịch sử có vai trò như thế nào đối với sự trưởng thành của con người. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đối diện với bài toán nan giải. Làm sao để môn Lịch sử trở thành một môn học được học sinh yêu thích? Làm sao để hiểu biết về lịch sử dân tộc và nhân loại trở thành một nhu cầu của các bạn trẻ? Những câu hỏi đó từng được đặt ra, song vẫn chưa có lời đáp thoả đáng từ nhiều phía.
Ở một số nước trên thế giới, Lịch sử là một môn học yêu thích của giới trẻ. Các bạn học sinh thường tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu trong thư viện, trên in-tơ-nét, đến viện bảo tàng, và nếu có điều kiện thì gặp gỡ các nhân chứng để được nghe kể lại một cách sống động những chuyện đã xảy ra... Nhờ vậy, họ có thể viết về sự kiện hay nhân vật lịch sử bằng tất cả niềm hứng thú, say mê. Vậy, có gì mỗi học sinh không thể làm điều đó với lịch sử nước mình? Câu trả lời thuộc về tất cả chúng ta. (Nhóm biên soạn) |
(Trang 73)
Thực hành viết theo các bước
Mục đích viết Làm rõ quan hệ giữa con người với cộng đồng, đất nước, từ đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với công việc chung. Người đọc Những người quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, đất nước. |
1 TRƯỚC KHI VIẾT
a. Lựa chọn đề tài
Với yêu cầu nghị luận về vấn đề con người trong quan hệ với cộng đồng, đất nước, em cần huy động vốn hiểu biết qua học môn Ngữ văn và các môn học khác, qua sách báo và các phương tiện truyền thông, nêu ra một số vấn đề để suy nghĩ, lựa chọn. Có thể tham khảo các đề tài sau:
- Học sinh với vấn đề xây dựng trường học thân thiện.
- Học sinh với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
- Giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc thông qua việc tổ chức một lễ hội ở quê em.
- Trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống.
b. Tìm ý
Ghi nhanh ra giấy những ý nghĩ bất chợt nảy sinh trong quá trình tìm hiểu các khía cạnh của đề tài, kết hợp với việc tự trả lời các câu hỏi xoay quanh đề tài.
Chẳng hạn:
- Vấn đề có tầm quan trọng như thế nào?
Phải nêu được vấn đề và xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đó đối với cộng đồng, đất nước. Ví dụ: Vai trò của hiểu biết về lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của học sinh đối với cộng đồng (Bài viết tham khảo).
- Vấn đề có những khía cạnh cơ bản nào? Cần dùng lí lẽ và bằng chứng nào để làm rõ từng khía cạnh?
Mỗi khía cạnh của vấn đề được nêu ra tương ứng với một luận điểm (ý) cần triển khai. Tìm hiểu bài viết tham khảo để nắm được cách xác định ý:
+ Ý 1: Môn Lịch sử giúp ta biết được những gì? (Những sự kiện và nhân vật lịch sử cụ thể ở các thời kì khác nhau).
+ Ý 2: Hiểu biết về lịch sử có ý nghĩa gì? (Dùng lí lẽ để làm rõ: Hiểu biết về lịch sử giúp ta rút ra bài học của lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, là kinh nghiệm được rút ra từ quá khứ để hành động đúng trong cuộc sống hôm nay.)
(Trang 74)
+ Ý 3: Thực tế hiện nay, có những bạn trẻ không quan tâm đến lịch sử dân tộc (nêu lí lẽ và bằng chứng làm rõ thực trạng học sinh ít hiểu biết về lịch sử và những hệ quả tiêu cực của điều đó).
+ Ý 4: Xác định nhiệm vụ của thế hệ trẻ (bồi đắp lòng yêu nước, trước hết bằng sự hiểu biết và niềm tự hào về lịch sử dân tộc).
- Cần có hành động như thế nào sau khi nhận thức về vấn đề?
Văn bản nghị luận hướng người đọc đi từ nhận thức đến hành động. Chẳng hạn, sau khi làm rõ giá trị tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Hồ Chí Minh yêu cầu: “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.
Trả lời các câu hỏi trên, em sẽ tìm được các ý. Phải suy nghĩ, tìm tòi để không bỏ sót những ý quan trọng của bài. Em cần ghi lại ngay, mặc dù có thể còn lộn xộn. Việc sắp xếp các ý sao cho mạch lạc sẽ được thực hiện ở bước tiếp theo.
c. Lập dàn ý
Kết quả của việc tìm ý là cơ sở để lập dàn ý. Lập dàn ý là tổ chức, sắp xếp các ý đã tìm được ở trên thành một hệ thống chặt chẽ, hợp lí, gồm các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.
Dàn ý – Mở bài: Nêu vấn đề đời sống và ý kiến riêng của người viết về vấn đề đó. – Thân bài: Lập luận làm sáng rõ ý kiến và thuyết phục người đọc. + Vì sao lại có ý kiến như vậy? (Lí lẽ, bằng chứng) + Ý kiến đó đúng đắn như thế nào? (Lí lẽ, bằng chứng) + Liên hệ, mở rộng vấn đề. (Lí lẽ, bằng chứng) – Kết bài: Những nhận thức và hành động người đọc cần hướng tới. |
2 VIẾT BÀI
Khi viết, luôn luôn chú ý nhiệm vụ của từng phần trong bài viết:
– Mở bài: Viết thành một đoạn văn, giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp vấn đề nghị luận. Tìm hiểu cách mở bài của các văn bản đọc và của bài viết tham khảo để vận dụng.
– Thân bài: Triển khai các ý đã nêu ở dàn ý. Mỗi ý lớn viết thành một đoạn văn. Cần luôn quan tâm vị trí của câu chủ đề (đầu đoạn, cuối đoạn,...), sự phù hợp của câu chủ đề với nội dung cần trình bày và mục đích nghị luận. Tham khảo các kiểu đoạn văn đã phân tích ở các văn bản đọc và ở phần Thực hành tiếng Việt để học tập cách viết. Chú ý dùng phương tiện liên kết giữa các câu trong đoạn và các đoạn trong bài.
(Trang 75)
- Kết bài: Nêu ý nghĩa của vấn đề và phương hướng hành động (viết trong một đoạn văn).
3 CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Đọc kĩ bài viết, căn cứ vào yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập, rà soát các phần, các ý đã triển khai để có cách chỉnh sửa:
- Nếu thấy vấn đề đời sống liên quan đến con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước nêu chưa rõ ràng, cụ thể thì cần bổ sung.
- Nếu thấy luận điểm ở từng đoạn văn chưa rõ ràng, lí lẽ chưa xác đáng, bằng chứng chưa đầy đủ thì cần bổ sung, chỉnh sửa.