(Trang 53)
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện tại)
Đất nước ta có một nền văn hoá phong phú và lâu đời. Bên cạnh những di sản chung, mỗi miền đất đều có những di sản văn hoá riêng biệt, cần được giữ gìn, phát triển. Trong bài học này, em sẽ có cơ hội trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện tại.
1 TRƯỚC KHI NÓI
Mục đích nói Trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện tại nhằm giúp người nghe có quan niệm, ứng xử đúng đắn đối với di sản văn hoá của dân tộc. Người nghe Những người có nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hoá truyền thống. |
– Lựa chọn một sản phẩm văn hoá mà em yêu thích: có thể chọn một sản phẩm văn hoá riêng của vùng, miền nơi em sống (danh lam thắng cảnh, trang phục dân tộc, lễ hội, món ăn truyền thống,..) hoặc một sản phẩm văn hoá chung của đất nước (bánh chưng ngày Tết, múa rối nước, áo dài Việt Nam, phở,...)
– Để nêu được ý kiến xác đáng, em cần tìm hiểu về nguồn gốc, đặc điểm, giá trị của sản phẩm văn hoá truyền thống được lựa chọn trong cuộc sống hiện tại.
– Em có thể tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi như: Em sẽ trình bày ý kiến về phương diện nào của sản phẩm văn hoá truyền thống? Ý kiến của em là gì? Vì sao em có ý kiến như vậy?
- Sắp xếp các ý thành một dàn ý với các phần Mở đầu, Triển khai, Kết luận.
- Lựa chọn một số từ ngữ them chốt phù hợp với vấn đề trình bày.
(Trang 54)
2 TRÌNH BÀY BÀI NÓI
- Mở đầu: Giới thiệu tên sản phẩm văn hoá truyền thống và nêu khái quát ý kiến của em về sản phẩm văn hoá đó trong cuộc sống hiện tại.
- Triển khai:
+ Nêu ngắn gọn một số thông tin cơ bản về sản phẩm văn hoá truyền thống: nơi ra đời của sản phẩm, vị trí của sản phẩm, ý nghĩa của sản phẩm,...
+ Trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về sản phẩm văn hoá truyền thống (của quê hương, đất nước). Tuỳ theo đề tài và thời gian, có thể chọn trình bày ý kiến về một vài khía cạnh: hiện trạng, giá trị, hướng bảo tồn, phát triển,... sản phẩm văn hoá đó trong cuộc sống hiện tại. Chú ý đưa ra các lí lẽ, bằng chứng làm cơ sở cho ý kiến của em.
+ Sử dụng ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,...) và điều chỉnh ngữ điệu nói cho phù hợp.
- Kết luận: Khẳng định ý nghĩa của sản phẩm văn hoá truyền thống đối với cuộc sống hiện tại.
3 SAU KHI NÓI
Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:
Người nghe | Người nói |
Trao đổi về bài nói với thái độ tôn trọng và tinh thần xây dựng: • Nêu câu hỏi về những điểm còn băn khoăn xung quanh các ý kiến được trình bày trong bài nói. • Bày tỏ sự đồng tình hoặc phản biện ý kiến của người nói về sản phẩm văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện tại. | Lắng nghe ý kiến của người nghe; tiếp thu và phản hồi với thái độ lịch sự, tinh thần cầu thị: • Giải thích những vấn đề người nghe chưa hiểu rõ hoặc còn băn khoăn. • Trao đổi về những nhận xét, đánh giá em cho là chưa thoả đáng. • Tự rút kinh nghiệm để hoàn thiện kĩ năng chuẩn bị và trình bày bài nói.
|