ĐỌC
Quan sát và cho biết bức tranh dưới đây thể hiện điều gì.
GIỜ TRÁI ĐẤT
Giờ Trái Đất là một sự kiện được Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và khuyến khích mọi người hành động để bảo vệ Trái Đất. Sự kiện này được tổ chức vào thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba, khi các thành phố và thị trấn trên toàn cầu tắt đèn trong một giờ, từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút giờ địa phương.
Sự kiện Giờ Trái Đất được khởi xướng lần đầu tiên tại Xít-ni, Ô-xtrây-li-a vào năm 2007. Nhờ các phương tiện truyền thông và sự kêu gọi của các tổ chức quốc tế, sự kiện đã thu hút sự quan tâm của thế giới những năm sau đó. Năm 2022, sự kiện đã ghi nhận sự tham gia của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chính thức tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất từ năm 2009.
Sự kiện Giờ Trái Đất đã khẳng định mỗi hành động nhỏ của từng cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng sẽ lan toả và có thể làm cho môi trường sống tốt hơn. Hành động tắt các thiết bị điện không cần thiết trong 60 phút góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giúp giảm thiểu khí các-bô-níc và chống biến đổi khí hậu.
(Nguyễn Liêm)
Từ ngữ
- Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên: tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo tồn thiên nhiên.
- Các-bô-níc: chất khí dễ hoá lỏng, không màu, có thể gây ngạt thở ở nồng độ cao.
1. Sự kiện Giờ Trái Đất được Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tổ chức hằng năm nhằm mục đích gì?
2. Sự kiện Giờ Trái Đất được tổ chức như thế nào?
3. Những chi tiết nào cho thấy sự kiện Giờ Trái Đất đã thu hút được sự quan tâm của thế giới?
4. Sự kiện Giờ Trái Đất đã mang lại lợi ích gì cho môi trường sống của chúng ta?
5. Hãy chia sẻ những việc em có thể làm để bảo vệ Trái Đất.
1. Nêu nghĩa của mỗi từ dưới đây:
quốc ca | quốc gia |
quốc khánh | quốc kì |
quốc ngữ | quốc tế |
G: Có thể sử dụng từ điển để tìm hiểu nghĩa của từ.
2. Chọn từ ở bài tập 1 thay cho bông hoa trong đoạn văn dưới đây:
(1) Việt Nam là một 🌸 thành viên của Liên hợp quốc. (2) Ngày 2 tháng 9 là ngày 🌸 của Việt Nam. (3) 🌸 của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh và 🌸 của Việt Nam là bài hát Tiến quân ca.
(Ngọc Phương)
VIẾT
TÌM Ý CHO ĐOẠN VĂN NÊU Ý KIẾN PHẢN ĐỐI MỘT SỰ VIỆC, HIỆN TƯỢNG
Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:
Đề 1: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng vứt rác bừa bãi.
Đề 2: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng chen lấn khi xếp hàng.
1. Chuẩn bị.
a. Lựa chọn sự việc, hiện tượng mà em muốn bày tỏ ý kiến phản đối.
b. Tìm trong sách báo in, mạng in-tơ-nét,... những thông tin liên quan đến sự việc, hiện tượng cho đề bài em đã chọn.
c. Ghi chép những thông tin cần thiết. tin thiết.
2. Tìm ý.
Mở đầu
Giới thiệu sự việc, hiện tượng và nêu ý kiến phản đối của em về sự việc, hiện tượng đó.
Triển khai
- Nêu các lí do khiến em không đồng tình với sự việc, hiện tượng đó (ví dụ: những tác động xấu hoặc tác hại do sự việc, hiện tượng đó gây ra,...).
- Đưa ra các dẫn chứng để chứng minh ý kiến của em là đúng.
Kết thúc
Khẳng định lại ý kiến phản đối của em hoặc nêu ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối.
3. Góp ý và chỉnh sửa.
G:
- Ý kiến phản đối có được nêu rõ ràng không?
- Các lí do phản đối có thuyết phục không?
- 🌸
NÓI VÀ NGHE
TRẢI NGHIỆM NGÀY HÈ
Yêu cầu: Thảo luận về những hoạt động của thiếu nhi vào kì nghỉ hè.
1. Chuẩn bị.
a. Nhớ lại các hoạt động em đã tham gia trong các kì nghỉ hè. Tìm đọc thêm những hoạt động trong hè được thiếu nhi yêu thích. Ví dụ:
- Trại hè:
+ Các trại hè phổ biến: trại hè truyền thống, trại hè quân đội, trại hè tiếng Anh, trại hè quốc tế,...
+ Các hoạt động: cắm trại, thi nghi thức Đội, thi văn nghệ, thi thể thao, chơi trò chơi, thực hành tiếng Anh, tham gia hội thi “Tài năng chiến sĩ",...
- Câu lạc bộ hè:
+ Các câu lạc bộ được yêu thích: Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ Nghệ thuật, Câu lạc bộ Thể thao, Câu lạc bộ Kĩ năng sống,...
+ Các hoạt động: thực hành giao tiếp tiếng Anh, vẽ, hát, múa, tham gia thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao,...
- Các hoạt động khác: hoạt động ở địa phương (vệ sinh đường phố, trồng cây xanh, hoạt động thiện nguyện,...); trải nghiệm ở trang trại chăn nuôi; trồng rau, cây ăn quả;...
b. Dự kiến nội dung trình bày.
- Nội dung của hoạt động
- Thời gian tham gia
- Lợi ích của các hoạt động
- Cảm xúc khi tham gia các hoạt động
2. Thảo luận.
a. Mở đầu
Người điều hành giới thiệu và nêu nội dung thảo luận.
b. Triển khai
- Các thành viên phát biểu ý kiến theo nội dung đã chuẩn bị.
- Chia sẻ về những hoạt động mà mình mong muốn được tham gia trong kì nghỉ hè sắp tới.
Lưu ý: Phát biểu ý kiến phù hợp với thời gian cho phép.
c. Kết thúc
Người điều hành tổng hợp ý kiến, khẳng định sự cần thiết của vấn đề đưa ra thảo luận và những việc cần làm sau cuộc thảo luận.
3. Đánh giá.
G:
- Vấn đề đặt ra để thảo luận có cần thiết với mỗi học sinh không?
- Thái độ của các bạn khi tham gia thảo luận thế nào?
Cùng người thân làm một tờ rơi về những hoạt động bảo vệ môi trường mà trẻ em có thể thực hiện.