ĐỌC
Dựa vào nhan đề và tranh minh hoạ, hãy dự đoán nội dung của bài đọc.
NHỮNG CON HẠC GIẤY
Ngày 16 tháng 7 năm 1945, nước Mỹ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mỹ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản.
Hai quả bom lần lượt ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki đã cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người. Tính đến cuối năm 1945, tổng số người chết vì hai quả bom và bị nhiễm phóng xạ nguyên tử đã lên đến nửa triệu.
Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-ki Xa-đa-cô mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, từ một cô bé khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, sức khoẻ của em bị giảm sút nhanh chóng, phải nằm viện để chữa trị.
Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con hạc bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ nén đau, miệt mài gấp hạc. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật đã tới tấp gửi hàng nghìn con hạc giấy đến cho Xa-đa-cô. Nhưng Xa-đa-cô vẫn không qua khỏi, mặc dù em đã gấp được hơn một nghìn con hạc giấy.
Xúc động trước cái chết của Xa-đa-cô, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây một đài tưởng niệm những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Năm 1958, tượng đài Hoà bình cho trẻ em, còn gọi là tháp Xên-ba-dư-rư (Ngàn cánh hạc) được dựng lên ở công viên Hoà bình của thành phố. Trên đỉnh đài tưởng niệm cao 9 mét là tượng một bé gái - mô phỏng hình ảnh Xa-đa-cô – giơ cao hai tay nâng một con hạc lớn đang dang cánh bay. Dưới tượng đài khắc những lời tha thiết:
Chúng em kêu gọi
Chúng em nguyện cầu:
Hoà bình cho thế giới!
(Theo Những mẩu chuyện lịch sử thế giới)
Từ ngữ
- Bom nguyên tử: bom có sức sát thương và công phá mạnh gấp nhiều lần bom thường.
- Phóng xạ nguyên tử: chất sinh ra khi bom nguyên tử nổ, rất có hại cho sức khoẻ và môi trường.
1. Những chi tiết nào trong bài đọc cho thấy hậu quả của việc chính phủ Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản?
2. Chuyện gì đã xảy ra với cô bé Xa-đa-cô khi Hi-rô-si-ma bị ném bom?
3. Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách nào?
4. Nêu những việc các bạn nhỏ đã làm:
Để giúp cho ước nguyện của Xa-đa-cô trở thành hiện thực | Để bày tỏ ước vọng hoà bình |
5. Câu chuyện Những con hạc giấy có ý nghĩa gì?
1. Chọn nghĩa phù hợp với từ hoà bình trong đoạn dưới đây:
Chúng em kêu gọi
Chúng em nguyện cầu:
Hoà bình cho thế giới!
A. Trạng thái yên ả
B. Trạng thái không có chiến tranh
C. Trạng thái bình thản
2. Những từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ hoà bình?
hiền hoà
thái bình
yên bình
thanh bình
thanh thản
yên tĩnh
3. Chọn từ thích hợp nhất trong các từ đồng nghĩa (in nghiêng) thay cho bông hoa.
a. Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được tặng danh hiệu “Thành phố vì 🌸" (bình yên/ hoà bình).
b. Đến thăm nơi đây, tâm hồn mỗi người như lắng lại, tìm thấy sự 🌸 (bình yên/ thái bình).
c. Dưới thung lũng, phong cảnh làng quê hiện ra thật 🌸 (thanh bình/ hoà bình).
VIẾT
LUYỆN VIẾT BÀI VĂN TẢ NGƯỜI
Đề bài: Viết bài văn tả thầy giáo (cô giáo) mà em yêu quý.
1. Dựa vào dàn ý đã lập trong hoạt động Viết ở Bài 25, viết bài văn theo yêu cầu.
Lưu ý:
- Tả việc làm, cử chỉ, lời nói,... của thầy (cô) trong những tình huống mà em nhớ nhất. Ví dụ:
Hồi đó, chúng em là học sinh lớp Một, trong giờ tập viết chữ M hoa, em tập mãi mà chữ vẫn không đẹp. Cô đến bên, hướng dẫn em chia đều khoảng cách giữa các nét, rồi cô cầm tay em uốn từng nét như mẹ em ngày nào dạy em cách cầm đũa và cơm. Em ngước nhìn cô, bắt gặp ánh mắt cô vô cùng hiền dịu và bao dung.
(Theo Văn miêu tả trong nhà trường phổ thông)
- Trong bài, nên có những câu văn bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của em đối với thầy (cô). Ví dụ:
Thầy Đuy-sen đã dạy chúng tôi tất cả những gì thầy biết và trong khi dạy bảo chúng tôi, thầy tỏ ra kiên nhẫn lạ thường. Cúi xuống từng học sinh một, thầy hướng dẫn cách cầm bút, rồi về sau thầy lại say sưa giảng cho chúng tôi hiểu những chữ khó... Thầy dạy chúng tôi tất cả những gì thầy cho là thiết thực. Tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng lòng nhiệt tình, chân thành của thầy trong việc dạy dỗ chúng tôi chẳng phí hoài.
(Theo Ai-tơ-ma-tốp)
2. Đọc soát và chỉnh sửa bài viết.
a. Tự nhận xét bài làm của em theo yêu cầu dưới đây:
- Có đủ mở bài, thân bài, kết bài.
- Miêu tả được đặc điểm nổi bật của thầy (cô).
- Bộc lộ được suy nghĩ, tình cảm đối với thầy (cô).
- 🌸
b. Chỉnh sửa bài viết (nếu cần).
ĐỌC MỞ RỘNG
1. Đọc sách báo viết về quyền và bổn phận của trẻ em hoặc những hoạt động của thiếu nhi quốc tế.
G:
Hiểu về Quyền trẻ em là bộ sách gồm 10 tập được phát hành năm 2019. Có thể coi bộ sách là bản Tuyên ngôn về Quyền trẻ em với 10 nguyên tắc. Mỗi một tập sách sẽ chuyển tải một nguyên tắc thông qua một câu chuyện thú vị cùng những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu. Thông điệp gửi đi từ bộ sách là: Loài người phải dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất.
Bài báo Trại Thiếu nhi Quốc tế A-tếch niềm ước mơ của thiếu nhi thế giới viết về một trại hè quốc tế có lịch sử hàng trăm năm, được tổ chức hằng năm bên bờ Biển Đen. Trại hè A-tếch là nơi giao lưu, chia sẻ của những trẻ em có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiều lĩnh vực: học tập văn hoá, thể thao và các ngành nghệ thuật. Đã có nhiều trẻ em Việt Nam được tham gia trại hè này.
VOV.VN 4.8.2017
Thế giới
Trại Thiếu nhi Quốc tế A-tếch – niềm ước mơ của thiếu nhi thế giới
(Điệp Anh)
2. Viết phiếu đọc sách theo mẫu.
PHIẾU ĐỌC SÁCH
Tên sách báo: 🌸 | Tác giả:🌸 | Ngày đọc:🌸 |
Nội dung chính hoặc những thông tin chính của sách báo:🌸 | ||
Chi tiết ấn tượng trong sách báo giúp em mở rộng hiểu biết:🌸 | ||
Suy nghĩ, cảm xúc của em về vấn đề được nêu trong sách báo:🌸 | ||
Mức độ yêu thích: ✩✩✩✩✩ |
3. Trao đổi với bạn về những thông tin mới trong sách báo em đã đọc.
Chia sẻ với người thân về quyền và bổn phận của trẻ em hoặc những hoạt động của thiếu nhi quốc tế.