ĐỌC
Giới thiệu về trang phục truyền thống của một dân tộc trên đất nước ta.
G: – Em muốn giới thiệu về trang phục truyền thống của dân tộc nào?
– Trang phục đó có điểm gì đặc sắc (chất liệu, màu sắc,...)?
VŨ ĐIỆU TRÊN NỀN THỔ CẨM
Dân tộc Cơ-tu cư trú ở núi rừng Trường Sơn còn bảo lưu nhiều di sản văn hoá độc đáo. Một trong những di sản đó là nghề dệt thổ cẩm. Bộ trang phục cổ truyền của dân tộc Cơ-tu được làm từ thổ cẩm luôn rực rỡ bởi những hoa văn dệt bằng hạt cườm. Trong đó, nổi bật nhất là hoa văn da dá, mô phỏng điệu múa Da dá.
Điệu múa Da dá là một trong những điệu múa cổ xưa nhất của phụ nữ Cơ-tu. Đây là điệu múa cầu mùa, thường được thực hiện trong các lễ hội cộng đồng của người Cơ-tu. Khi múa, đôi tay của người phụ nữ xoè lên trời như để cầu xin và đón nhận hạt lúa từ thần linh.
Điệu múa Da dá đã được thợ dệt Cơ-tu khắc hoạ một cách sống động thành hoa văn trên nền thổ cẩm truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo, người thợ dệt đã đính những hạt cườm trắng vào nền vải thô rám, tạo thành hoa văn da dá, trang trí trên váy, áo của phụ nữ.
Với vẻ đẹp mang đậm sắc thái tộc người, hoa văn da dá thực sự góp phần làm cho di sản trang phục của đồng bào Cơ-tu thêm giá trị.
(Theo Trần Tấn Vịnh)
Từ ngữ
- Thổ cẩm: loại vải của một số dân tộc thiểu số, dệt bằng sợi có nhiều màu sặc sỡ.
- Hoa văn: hình vẽ trang trí trên các đồ vật.
- Di sản: sản phẩm vật chất và tinh thần của thời trước để lại.
1. Hoa văn trên bộ trang phục cổ truyền của người Cơ-tu có những điểm gì độc đáo?
2. Phụ nữ Cơ-tu múa điệu Da dá như thế nào và để làm gì?
3. Hoa văn da dá trên váy, áo đã được những người thợ dệt Cơ-tu thực hiện như thế nào?
4. Vì sao nói hoa văn da dá mang đậm sắc thái tộc người Cơ-tu? Chọn những đáp án đúng.
A. Vì nó mô phỏng điệu múa cầu mưa của phụ nữ Cơ-tu.
B. Vì nó khắc hoạ điệu múa cầu mùa của phụ nữ Cơ-tu.
C. Vì nó được trang trí trên trang phục truyền thống của người Cơ-tu.
D. Vì nó là sản phẩm của những người thợ dệt Cơ-tu.
5. Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua bài đọc?
1. Tra từ điển để tìm nghĩa của mỗi từ dưới đây:
cổ truyền cổ vật
2. Tìm thêm 3 từ có tiếng cổ với nghĩa “thuộc về thời xa xưa".
3. Tìm từ có tiếng cổ thay cho bông hoa trong mỗi câu dưới đây:
(1) Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam toạ lạc trên phố Tràng Tiền (Hà Nội), giữa một vườn cây 🌸 đã hàng trăm năm tuổi. (2) Đó là một toà nhà 🌸, có kiến trúc kết hợp Đông – Tây tuyệt đẹp. (3) Tại đây trưng bày rất nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử của Việt Nam từ thời 🌸 đến hiện đại, trong đó có những 🌸 rất có giá trị như: rìu đá Phùng Nguyên, trống đồng Đông Sơn, cọc gỗ Bạch Đằng,...
(Theo Hoàng Anh)
VIẾT
ĐÁNH GIÁ, CHỈNH SỬA ĐOẠN VĂN THỂ HIỆN TÌNH CẢM, CẢM XÚC VỀ MỘT SỰ VIỆC
1. Đánh giá bài viết.
a. Nghe thầy cô giáo nhận xét về bài làm.
b. Đọc lại bài làm của em để phát hiện lỗi và sửa lỗi. Ví dụ:
- Bài viết bị lạc ý hoặc lặp ý.
- Chưa nêu được ấn tượng chung về sự việc.
- Chưa thể hiện được tình cảm, cảm xúc về các chi tiết nổi bật của sự việc (khung cảnh, hoạt động,...).
- Sử dụng từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc chưa phù hợp.
- 🌸
2. Viết lại một số câu trong đoạn văn của em theo gợi ý dưới đây:
- Nêu tình cảm, cảm xúc về khung cảnh diễn ra sự việc. Ví dụ:
Chiều Ba mươi, bên suối đã thấy bóng các bà, các mẹ rửa rau ngải để làm bánh. Mùi thơm của rau ngải như ướp hương vào dòng suối. Tiếng cười lanh lảnh của đám trẻ con theo chân người lớn ra suối nghịch nước làm đám chim chào mào giật mình bay vụt lên từ bụi cây lúp xúp. Đất trời như được gột rửa và trở nên tinh khiết lạ thường. Tôi bỗng thấy lòng mình như mở ra, trong sáng với hương rau ngải phảng phất xa gần.
(Nguyễn Luân)
- Nêu tình cảm, cảm xúc về hoạt động. Ví dụ:
Chiều mùng 2 tết Thanh minh, cả nhà tôi tất bật làm bánh ngải. Bố vung cao tay chày giã bột. Mẹ khéo léo lật giở từng thở bột đang chuyển dần sang màu xanh mướt. Còn bà thì tỉ mẩn chuẩn bị vừng đen và mật mía để làm nhân bánh. Tôi chạy lăng xăng từ chỗ nọ sang chỗ kia, lâu lâu lại hít hà căng bụng mùi thơm của mật mía, của bột bánh. Tôi cảm nhận rõ sự rộn ràng, hối hả nhưng ấm áp từ những việc làm của mọi người trong nhà. Vì thế tôi càng háo hức khi nghĩ đến những chiếc bánh ngải đang dần hình thành từ đôi bàn tay của bà, của mẹ, của cha.
(Nguyễn Luân)
NÓI VÀ NGHE
ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN, DU LỊCH
Yêu cầu: Giới thiệu về một địa điểm tham quan, du lịch mà em biết.
1. Chuẩn bị.
G:
Có thể giới thiệu về một địa điểm tham quan, du lịch em đã đến hoặc được biết qua sách báo, ti vi,... theo các nội dung sau:
Tên gọi | Địa chỉ | Đặc điểm (cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc,...) | 🌸 |
- Khi giới thiệu về địa điểm tham quan, du lịch, có thể sử dụng thêm tranh ảnh, bản đồ để chỉ dẫn về khoảng cách địa lí, phương tiện đi lại,...
2. Trình bày.
- Giới thiệu về địa điểm tham quan, du lịch theo những nội dung đã chuẩn bị. Nhấn mạnh vào những đặc điểm gây ấn tượng của địa điểm tham quan, du lịch.
- Nghe lời giới thiệu của bạn và ghi chép những thông tin mới.
Thác Bản Giốc (Cao Bằng)
Cầu Thê Húc – đền Ngọc Sơn - (Hà Nội)
Sông Hương (Huế)
3. Trao đổi, góp ý.
Nội dung giới thiệu | Cách giới thiệu | Các phương tiện hỗ trợ | 🌸 |
Chia sẻ với người thân những điều em đã ghi chép khi nghe bạn giới thiệu về địa điểm tham quan, du lịch.