Sau ngày 30 - 4 - 1975, nước ta đã hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải có Nhà nước chung để lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn vậy, phải có Quốc hội chung do nhân dân hai miền Nam - Bắc bầu ra.
Ngày 25 - 4 - 1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước.
Thành phố Hà Nội tràn ngập cờ và hoa. Nhân dân phấn khởi thực hiện quyền công dân của mình.
Tại khu phố Ba Đình, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất của Đảng bỏ lá phiếu đầu tiên. Ra khỏi phòng bỏ phiếu, đồng chí dừng lại, niềm nở thăm hỏi các cử tri, vui vẻ nói với mọi người : “Hôm nay là ngày vui nhất của nhân dân ta, ngày vui nhất của nước Việt Nam độc lập, cũng là ngày vui của các nước anh em bầu bạn trên thế giới”.
-Tại sao ngày 25 -4 - 1976 là ngày vui nhất của nhân dân ta ?
Thành phố Sài Gòn tràn ngập không khí ngày hội non sông. Khắp nơi đầy cờ, hoa, biểu ngữ . Các cụ già tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cùng con cháu đến tận trụ sở bầu cử. Các cụ muốn tự tay bỏ lá phiếu của mình. Vui sướng nhất là lớp thanh niên vừa tròn 18 tuổi, lần đầu tiên đi bỏ phiếu lại được vinh dự cầm lá phiếu bầu Quốc hội thống nhất.
Không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn mà ở tất cả các thành phố và vùng nông thôn trên đất nước Việt Nam đều tràn đầy niềm phấn khởi. Đến chiều 25 - 4, cuộc bầu cử kết thúc tốt đẹp, cả nước có 98,8% tổng số cử tri đi bầu cử.
Hình 1. Nhân dân Tây Nguyên bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (khoá VI)
Hình 2. Quang cảnh khai mạc kì họp thứ I, khoá VI, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất
Cuối tháng 6 - đầu tháng 7 - 1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (khoá VI) họp tại Hà Nội.
Quốc hội quyết định : lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; quyết định Quốc huy ; Quốc kì là lá cờ đỏ sao vàng ; Quốc ca là bài Tiến quân ca ; Thủ đô là Hà Nội ; thành phố Sài Gòn - Gia Định đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 25 - 4 - 1976, nhân dân ta vui mừng, phấn khởi đi bầu cử Quốc hội chung cho cả nước. Kể từ đây, nước ta có Nhà nước thống nhất.