Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19 - 5 - 1890, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
-Em biết gì thêm về quê hương và thời niên thiếu của Nguyễn Tất Thành ?
Trong bối cảnh nước mất, phải sống trong tủi nhục, các thế hệ người dân Việt Nam thời ấy đều mong muốn đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập dân tộc.
Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh đất nước và nỗi thống khổ của nhân dân, nên đã sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Nguyễn Tất Thành khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nhưng không tán thành cách làm của các cụ. Anh nghĩ rằng : Cụ Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật để đánh đuổi giặc Pháp, điều đó là nguy hiểm. Cụ Phan Châu Trinh yêu cầu người Pháp làm cho nước ta giàu có, văn minh, đó là điều không thể thực hiện được.
Nguyễn Tất Thành quyết định phải tìm con đường mới để có thể cứu nước, cứu dân.
-Vì sao Nguyễn Tất Thành muốn tìm con đường cứu nước mới ?
Đầu thế kỉ XX, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) là trung tâm kinh tế, chính trị của chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Nguyễn Tất Thành từ Trung Kì vào đó và ở nhà một người bạn.
Anh gặp Tư Lê, một người cùng lứa tuổi và trở thành đôi bạn thân. Một hôm, anh hỏi Tư Lê : Anh Lê, anh có yêu nước không ?
Anh Lê ngạc nhiên đáp : Tất nhiên là có chứ !
-Anh có thể giữ bí mật được không ?
-Có !
Hình 1. Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỉ XX
-Tôi muốn ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, nhất là những khi đau ốm. Anh muốn đi với tôi không ?
-Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi ?
-Đây, tiền đây - anh Thành vừa giơ hai bàn tay ra vừa nói - chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ ?
Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh Thành, anh Lê đồng ý. Nhưng sau đó, anh Lê không đủ can đảm để giữ lời hứa.
Vài ngày sau, tại cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), một chàng thanh niên dáng mảnh khảnh đến xin việc trên một chiếc tàu buôn Pháp sắp trở về châu Âu. Chàng trai ấy xưng tên là Văn Ba, sẵn sàng nhận làm bất cứ việc gì. Người ta giao cho Anh làm phụ bếp trên tàu, một công việc nặng nhọc và nguy hiểm.
Hình 2. Tàu Đô đốc La-tu-sơ Tờ-rê-vin, Văn Ba đã làm phụ bếp trên tàu này
Ngày 5 - 6 - 1911, Văn Ba rời Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước. Và mãi tới 30 năm sau, Người mới được trở về Tổ quốc thân yêu.
Năm 1911, với lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Tất Thành đã từ cảng Nhà Rồng quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.
Chú thích
-Nguyễn Tất Thành : lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.