Cuối năm 1940, quân Nhật kéo vào xâm lược nước ta, dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Tháng 3 - 1945, Nhật đảo chính Pháp, giành quyền đô hộ nước ta. Giữa tháng 8 - 1945, được tin Nhật đầu hàng đồng minh, chớp thời cơ ngàn năm có một, Đảng và Bác Hồ ra lệnh toàn dân khởi nghĩa. Trong sự vùng lên mãnh liệt của cả nước, Cách mạng tháng Tám đã giành được thắng lợi quyết định với cuộc khởi nghĩa ở những thành phố lớn : Huế, Sài Gòn, nhất là ở Hà Nội.
Ngày 18 -8 -1945, cả Hà Nội xuất hiện cờ đỏ sao vàng, tràn ngập khí thế cách mạng.
Sáng 19 -8 -1945, hàng chục vạn nhân dân nội thành, ngoại thành và các tỉnh lân cận xuống đường biểu dương lực lượng. Họ mang trong tay những vũ khí thô sơ như giáo, mác, mã tấu,... tiến về quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Đến trưa, đại diện Uỷ ban khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay sau đó, cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình vũ trang cướp chính quyền. Quần chúng cách mạng, có sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, xông vào chiếm các cơ quan đầu não của kẻ thù như : Phủ Khâm sai, Sở Mật thám, Sở Cảnh sát, Trại Bảo an binh,…
Biểu tình chiếm Phủ Khâm sai
Khi đoàn biểu tình kéo đến Phủ Khâm sai, lính Bảo an ở đây đã được lệnh sẵn sàng nổ súng. Quần chúng nhất tề hô vang khẩu hiệu, đập cửa, đồng thời thuyết phục lính Bảo an đừng bắn, nhiều người vượt hàng rào sắt nhảy vào Phủ.
Trước sức mạnh của đông đảo quần chúng, lính Bảo an đã phải hạ vũ khí đầu hàng cách mạng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên nóc Phủ Khâm sai.
Chiều 19 - 8 - 1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội toàn thắng.
Tiếp sau Hà Nội, đến lượt Huế (23 - 8), rồi Sài Gòn (25 - 8) và đến ngày 28 - 8 - 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước.
Mùa thu năm 1945, nhân dân cả nước vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ. Ngày 19 - 8 là ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Tám của nước ta.
Chú thích
-Phủ Khâm sai : trụ sở chính quyền tay sai của Nhật ở Bắc Kì, nay là Nhà khách Chính phủ ở phố Ngô Quyền, Hà Nội.
-Lính Bảo an : lính người Việt, phục vụ cho chính phủ thân Nhật.