Sau khi đánh chiếm các thành phố lớn, thực dân Pháp âm mưu mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Căn cứ địa Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta để mau chóng kết thúc chiến tranh.
Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã họp và quyết định : phải phá tan cuộc tấn công của giặc.
Hình 1. Nhân dân Phú Thọ cắm chông chống quân Pháp nhảy dù trong chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947
Tháng 10 - 1947, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn, chia làm 3 mũi tấn công lên Việt Bắc.
Hình 2. Lược đồ chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947
Tại thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, khi quân Pháp vừa nhảy dù xuống đã rơi vào trận địa phục kích của bộ đội ta. Trên đường bộ, quân ta chặn đánh địch và giành thắng lợi ở đèo Bông Lau. Tại Đoan Hùng, tàu chiến và ca nô Pháp bị đốt cháy trên dòng sông Lô. Sau hơn một tháng bị sa lầy ở Việt Bắc, địch buộc phải rút lui. Nhưng đường rút lui của địch cũng bị quân ta chặn đánh dữ dội. Tại Bình Ca, Đoan Hùng, giặc rơi vào trận địa mai phục. Quân Pháp bỏ lại nhiều vũ khí, đạn dược để chạy thoát thân.
Địch chết hơn 3000 tên, bị bắt hàng trăm tên ; 16 máy bay bị bắn rơi, hàng trăm xe cơ giới bị phá huỷ, nhiều tàu chiến và ca nô bị bắn chìm.
Thu - đông năm 1947, sau nhiều ngày đêm chiến đấu, ta đã đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của quân Pháp lên Việt Bắc, bảo vệ được cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.
-Cuộc tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp có kết cục ra sao ?
Thu - đông năm 1947, thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Nhưng Việt Bắc đã trở thành “mồ chôn giặc Pháp”.
Chú thích
-Căn cứ địa : vùng an toàn cho ban lãnh đạo kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta để duy trì cuộc kháng chiến lâu dài.
-Đầu não kháng chiến : ban lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc.