CHIA SẺ
1. Theo em, mỗi hình ảnh dưới đây gắn với đất nước nào?
Nga
Nhật Bản
Hoa anh đào, áo ki-mô-nô
Búp bê ma-tri-ô-xca
Cu-ba
Pháp
Đất nước hình dải lụa
Tháp Ép-phen
Nam Phi
Ô-xtrây-li-a
Sếu vương miện
Chuột túi
2. Kể thêm tên một số nước mà em biết.
BÀI ĐỌC 1
Cu-ba tươi đẹp
Nửa vòng Trái Đất, rẽ tầng mây
Anh đến Cu-ba một sáng ngày
Nắng rực trời tơ và biển ngọc
Đảo tươi một dải lụa đào bay.
Em ạ, Cu-ba ngọt lịm đường
Mía xanh đồng bãi, biếc đồi nương
Cam ngon, xoài ngọt vàng nông trại
Ong lạc đường hoa, rộn bốn phương...
Ở đây với bạn, mỗi ngày qua
Anh nhớ vô cùng đất nước ta!
Mai mốt, em ơi, rời xứ bạn
Anh về, e lại nhớ Cu-ba.
TỐ HỮU
- Cu-ba: một nước châu Mỹ, thủ đô là La Ha-ba-na; cách Việt Nam một nửa vòng Trái Đất.
- Mai mốt: mai kia.
- E: không yên lòng, nghĩ rằng có thể có, có thể xảy ra một điều gì đó.
ĐỌC HIỂU
1. Tìm những từ ngữ, hình ảnh nói lên vẻ đẹp của đất nước Cu-ba.
2. Kể tên những sản vật nổi tiếng của Cu-ba.
3. Khổ thơ cuối thể hiện tình cảm gì của tác giả với nước bạn và với Tổ quốc Việt Nam?
• Học thuộc lòng 2 khổ thơ đầu.
LUYỆN TẬP
1. Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp:
hợp tác
bạn bè
anh em
thân thiết
hữu nghị
láng giềng
giúp đỡ
viện trợ
thân thiện
Từ ngữ chỉ sự vật
Từ ngữ chỉ đặc điểm
Từ ngữ chỉ hoạt động
2. Sử dụng một từ ngữ ở bài tập trên, đặt câu nói về tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.
TỦ ĐỌC SÁCH BÁO
1. Tìm đọc thêm ở nhà:
- 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, - 1 câu chuyện) về một nước bạn hoặc về tình hữu nghị.
- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về một nước bạn hoặc về tình hữu nghị.
2. Viết vào phiếu đọc sách:
- Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn, câu thơ em thích).
- Cảm nghĩ của em.
BÀI VIẾT 1
Ôn các chữ viết hoa
Chép lại bài thơ sau. Viết đúng các chữ hoa.
Sao Hôm, Sao Mai
Trời vừa chạng vạng
Sao Hôm hiện lên
Sao làm đèn ngủ
Đón em vào đêm.
Tinh mơ em dậy
Lại ngời Sao Mai
Sao làm ngọn đuốc
Tiễn em sang ngày.
Hai sao chỉ một
Làm việc bằng hai
Đêm ngày thầm lặng
Chẳng cần khoe ai.
PHẠM ĐÌNH ÂN
- Sao Hôm: tên gọi Sao Kim khi nhìn thấy sao lúc chiều tối.
- Sao Mai: tên gọi Sao Kim khi nhìn thấy sao lúc sáng sớm.
KẾ CHUYỆN
Sự tích cây lúa
Truyện dân gian Phi-líp-pin
1. Nghe và kể lại câu chuyện:
Ngày xưa, người Phi-líp-pin sinh sống bằng cách nào?
Tốp thợ săn vào rừng làm gì? Buổi trưa, họ nghỉ lại ở đâu?
Tốp thợ săn gặp ai trong rừng?
Tốp thợ săn thấy gì bên bếp lửa?
Vì sao lúc đầu, tốp thợ săn không dám ăn? Các vị thần nói gì?
Trước khi chia tay, các vị thần tặng tốp thợ săn vật gì và dặn họ thế nào?
2. Trao đổi:
a) Tên câu chuyện giúp em hiểu câu chuyện nói về điều gì?
b) Theo câu chuyện, ai đã giúp người Phi-líp-pin biết cách trồng lúa?
c) Câu chuyện thể hiện sự trân trọng đối với cây lúa như thế nào?
BÀI ĐỌC 2
Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua
Hôm ấy, chúng tôi đến thăm một trường tiểu học. Cô Hiệu trưởng mời đoàn vào thăm một lớp. Điều bất ngờ là tất cả học sinh đều lần lượt tự giới thiệu bằng tiếng Việt: "Em là Mô-ni-ca.", "Em là Giét-xi-ca.",... Mở đầu cuộc gặp, các em hát tặng đoàn bài Kìa con bướm vàng bằng tiếng Việt. Rồi các em giới thiệu những vật sưu tầm được như đàn tơ rưng, cái nón, tranh cây dừa, ảnh xích lô,... Các em còn vẽ Quốc kì Việt Nam và nói được bằng tiếng Việt: “Việt Nam, Hồ Chí Minh.".
Hoá ra cô giáo của các em đã từng ở Việt Nam hai năm. Cô thích Việt Nam nên đã dạy các em tiếng Việt và kể cho các em nghe nhiều điều tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Các em còn tìm hiểu về Việt Nam trên In-tơ-nét. Các em đặt cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi về thiếu nhi Việt Nam: “Học sinh Việt Nam học những môn gì?”, “Trẻ em Việt Nam thích những bài hát nào?", "Ở Việt Nam, trẻ em chơi những trò chơi gì?".
Đã đến lúc chia tay. Dưới làn tuyết bay mù mịt, các em vẫn đứng vẫy tay chào lưu luyến, cho đến khi xe của chúng tôi khuất hẳn trong dòng người và xe cộ tấp nập của thành phố châu Âu hoa lệ, mến khách.
Theo QUỲNH PHƯƠNG
- Lúc-xăm-bua: một nước châu Âu, thủ đô là thành phố Lúc-xăm-bua.
- Hoa lệ: (nhà cửa, phố xá) đẹp lộng lẫy và sang trọng.
ĐỌC HIỂU
1. Đoàn cán bộ Việt Nam gặp gỡ học sinh nước nào?
2. Những điều gì khiến cán bộ trong đoàn bất ngờ và thích thú?
3. Hình ảnh ở đoạn cuối bài nói lên điều gì? Chọn ý em thích:
a) Các bạn học sinh rất hiếu khách.
b) Các bạn học sinh rất yêu mến Việt Nam.
c) Đoàn cán bộ Việt Nam nhớ mãi tình cảm của học sinh nước bạn.
4. Em có nhận xét gì về các bạn học sinh trong bài đọc này?
LUYỆN TẬP
1. Tên riêng Lúc-xăm-bua được viết như thế nào? Chọn ý đúng:
a) Viết hoa chữ cái đầu tiên và đặt dấu gạch nối giữa các tiếng.
b) Viết hoa chữ cái đầu tiên, không đặt gạch nối giữa các tiếng.
c) Viết hoa chữ cái đầu tiên của tất cả các tiếng trong tên.
2. Viết lại tên riêng của các bạn học sinh Lúc-xăm-bua trong bài đọc.
BÀI VIẾT 2
Chính tả
1. Nhớ – viết: Cu-ba tươi đẹp (2 khổ thơ đầu)
(2). Chọn vẫn phù hợp với ô trống:
a) Vần ay hay ây?
Những chùm hoa bối rối
Một mùi hương thơm nồng
Đàn chào mào tr... hội
Rạng ng... đã sang sông.
Ai cũng bảo ng... dài
Mà vẫn lo d... sớm
Chỉ có ông Mặt Trời
Cứ đủng đà đủng đỉnh.
NGUYỄN THANH TOÀN
b) Vần ay hay ai?
Ng... cháu còn thấp bé
Cánh cửa có h... then
Cháu chỉ c... then dưới
Nhờ bà cài then trên.
Mỗi năm cháu lớn lên
Bà lưng còng cắm cúi
Cháu cài được then trên
Bà chỉ cài then dưới.
Nay cháu về nhà mới
Bao cánh cửa – ô trời
Mỗi lần t... đẩy cửa
L... nhớ bà khôn nguôi.
ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN
(3). Em chọn vần nào?
a) Vần ay hay ây?
nước ch...
tr... cau
b... lên
thứ b...
b) Vần ay hay ai?
ngày m...
m... áo
hôm n...
con n...
TRAO ĐỔI
Thực hành giao lưu
1. Hoạt động nhóm:
- Mỗi nhóm (6 - 7 học sinh) chia làm 2 đội: đội Lúc-xăm-bua và đội Việt Nam.
- Các đội tự giới thiệu, hát, múa và đặt câu hỏi cho đội bạn.
- Kết thúc giao lưu, hai đội chào tạm biệt.
2. Các nhóm thi giao lưu trước lớp.
Một số hình ảnh Việt Nam
Múa rối nước
Hát quan họ
Cây đa, cổng làng
Truyện cổ Việt Nam
BÀI ĐỌC 3
Một kì quan
Nằm cách thủ đô Phnôm Pênh 317 ki-lô-mét, Ăng-co là một quần thể đền đài nguy nga, hoàn toàn làm bằng đá.
Khu đền chính Ăng-co Vát nổi bật với năm toà tháp khổng lồ. Bên dưới các toà tháp là những hành lang dài hun hút với những bức tranh điêu khắc tinh xảo. Đây là tác phẩm điêu khắc bằng tay trên đá lớn nhất thế giới. Chỉ riêng việc điêu khắc hình 1 700 vũ nữ duyên dáng, từ khuôn mặt đến cử chỉ không ai giống ai, cũng đủ nói lên sự tinh xảo của những bức tranh đá này.
Cách Ăng-co Vát không xa là khu đền Ăng-co Thom. Ấn tượng nhất ở đây là đền Bay-on với hàng trăm pho tượng đá có bốn mặt, nhìn ra bốn hướng.
Kinh ngạc trước vẻ đẹp của Ăng-co, một giáo sĩ phương Tây đến thăm khu đền vào năm 1586 đã viết: "Đó là một kiến trúc phi thường mà không giấy bút nào tả xiết.".
Khu di tích Ăng-co là niềm tự hào của đất nước Cam-pu-chia.
Theo NGỌC LINH
- Kì quan: công trình kiến trúc hoặc cảnh vật đẹp kì lạ, hiếm thấy.
- Quần thể: tổ hợp các công trình kiến trúc được xây dựng với một ý tưởng chung.
- Nguy nga: (công trình kiến trúc) to lớn, đẹp đẽ.
- Điêu khắc: tác phẩm mĩ thuật thể hiện hoặc gợi tả sự vật bằng cách sử dụng đất, đá, gỗ, kim loại,... để tạo thành những hình khối nhất định.
- Di tích: công trình xây dựng hoặc các dấu vết thời xưa còn để lại trên mặt đất hoặc trong lòng đất, có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá.
- Cam-pu-chia: nước láng giềng ở phía tây nam nước ta, có thủ đô là Phnôm Pênh.
ĐỌC HIỂU
1. Bài đọc miêu tả kì quan nào?
2. Những chi tiết nào thể hiện vẻ đẹp đặc sắc của Ăng-co Vát?
3. Điều gì gây ấn tượng nổi bật ở Ăng-co Thom?
4. Vì sao khu di tích Ăng-co là niềm tự hào của người dân Cam-pu-chia?
LUYỆN TẬP
1. Tìm đoạn văn mở đầu, đoạn văn kết thúc bài đọc trên.
2. Các đoạn còn lại miêu tả kì quan Ăng-co theo trình tự nào?
BÀI VIẾT 3
Viết thư làm quen
1. Dựa vào bài đọc Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua, em hãy viết thư cho một học sinh nước bạn.
Gợi ý
a) Về hình thức:
Bức thư cần có địa chỉ, ngày, tháng, năm; lời đầu thư, lời cuối thư, kí tên.
b) Về nội dung:
- Em tự giới thiệu về mình.
- Nói lí do viết thư.
- Trả lời một số câu hỏi các bạn đã đặt ra.
- Bày tỏ tình cảm của em với bạn.
2. Giới thiệu và bình chọn những bức thư hay.
BÀI ĐỌC 4
Nhập gia tuỳ tục
Nếu bạn đến thăm Vương quốc Bru-nây, bạn nên nhớ những điều sau:
- Người Bru-nây cho rằng tay trái bẩn. Vì vậy, bạn hãy dùng tay phải hoặc để tay trái dưới cổ tay phải khi đưa hoặc nhận các vật.
- Khi ăn, bạn hãy dùng hai tay hoặc dùng tay phải. Nếu bạn muốn từ chối một món ăn, hãy chạm nhẹ vào đĩa ăn bằng tay phải.
- Không xoa đầu bất cứ ai, kể cả trẻ em. Người Bru-nây coi xoa đầu là hành vi thiếu tôn trọng người khác.
- Không chỉ vào ai bằng ngón trỏ. Điều đó ở Bru-nây bị coi là thô lỗ. Nếu muốn, bạn hãy dùng ngón cái của bàn tay phải để làm việc này.
- Không ăn uống ở nơi công cộng, trừ trường hợp bạn đi hội chợ ẩm thực hoặc đi dã ngoại.
Theo sách Tiếng Anh 3 (Celebrate 3)
- Nhập gia tuỳ tục: đến nhà nào, nơi nào thì phải theo tục lệ, tập quán của nhà đó, nơi đó.
- Vương quốc: nước có vua đứng đầu.
- Bru-nây: một nước châu Á, có thủ đô là Ban-đa Xê-ri Bi-ga-oan.
- Hội chợ ẩm thực: nơi trưng bày, giới thiệu thực phẩm (mặt hàng ăn uống) của một địa phương, một nước hoặc nhiều nước trong thời gian nhất định.
ĐỌC HIỂU
1. Theo phong tục của Bru-nây, bạn phải dùng tay nào để đưa hoặc nhận các vật? Vì sao?
2. Vì sao bạn không được xoa đầu người khác?
3. Nếu muốn chỉ vào ai thì bạn phải dùng ngón tay nào?
4. Nếu đến một nơi mà không tôn trọng tục lệ, tập quán của nơi đó thì có thể xảy ra điều gì?
LUYỆN TẬP
1. Tìm 3 câu thể hiện lời khuyên trong bài đọc:
a) Một câu có từ hãy.
b) Một câu có từ nên.
c) Một câu có từ không.
2. Hãy sử dụng một trong các từ trên để nói lời khuyên hoặc lời đề nghị với bạn.
(M) Không hái hoa trong công viên.
BÀI VIẾT 4
Chính tả
1. Nghe – viết
Hạt mưa
Mây mang đầy mình nước
Gió thổi thành hạt mưa
Rồi chia đều cho đất
Cho cỏ cây, sông hồ.
Hạt mưa ủ trong vườn
Thành mỡ màu của đất
Hạt mưa trang mặt nước
Làm gương cho trăng soi.
Hạt mưa đến là nghịch
Có hôm chẳng cần mây
Bất chợt ào ào xuống
Rồi ào ào đi ngay.
NGUYỄN KHẮC HÀO
Trang: san đều, làm phẳng.
(2). Chọn chữ phù hợp với ô trống:
a) l hay n?
Mưa ...ắng bắc cầu vồng
Ai đi đâu, về đâu?
Không thấy sóng dưới cầu
Chỉ mênh mông đồng ...úa
Cầu vồng như dải ...ụa
Cầu chờ mãi hồi ...âu
Không ai qua, biến mất...
PHẠM HỒ
b) v hay d?
Cá gì ...ốn rất hiền lành
Xưa được chị Tấm ...ỗ ...ành nuôi cơm?
(3). Em chọn chữ nào cho phù hợp với ô trống?
a) l hay n?
Mặt Trời toả ánh ...ắng sáng ...ấp ...ánh trên những tàu ...á còn ướt đẫm sương đêm.
b) v hay d?
Chúng tôi ...ạo chơi một ...òng khắp công viên rồi ...ui ...ẻ ra về.
TRAO ĐỔI
Em đọc sách báo
1. Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) về một nước bạn (hoặc về tình hữu nghị) mà em đã đọc ở nhà.
M
Xin-ga-po-con rồng châu Á
Xin-ga-po là một quốc đảo ở Đông Nam Á, diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam.
Quốc đảo này vốn được gọi là một làng chài nghèo, tài nguyên thiên nhiên không có, lương thực, thực phẩm và nước sạch đều phải nhập khẩu.
Vậy mà ngày nay, Xin-ga-po đã trở thành một nước phát triển, có thu nhập bình quân đứng thứ 2 trên thế giới (năm 2019).
Xin-ga-po cũng được bình chọn là thành phố xanh nhất châu Á và đứng thứ 5 trong số 10 thành phố sạch nhất thế giới.
Theo LÊ THẢO
2. Trao đổi về nội dung câu chuyện (bài thơ, bài văn).
Gợi ý
- Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn) đã đọc? Vì sao?
- Câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó nói lên điều gì?
BÀI ĐỌC 5
Bác sĩ Y-éc-xanh
Bà khách ước ao được gặp bác sĩ Y-éc-xanh, phần vì ngưỡng mộ người đã tìm ra vi trùng dịch hạch, phần vì tò mò. Bà muốn biết điều gì khiến ông chọn cuộc sống nơi góc biển chân trời này để nghiên cứu những bệnh nhiệt đới.
Y-éc-xanh quả thật khác xa với nhà bác học trong trí tưởng tượng của bà. Trong bộ quần áo ka ki sờn cũ không là ủi, trông ông như một khách đi tàu ngồi toa hạng ba. Chỉ có đôi mắt đầy bí ẩn của ông làm bà chú ý.
Bà khách thổ lộ nỗi băn khoăn của mình:
- Y-éc-xanh kính mến, ông quên nước Pháp rồi ư? Ông định ở đây suốt đời sao?
- Y-éc-xanh lặng yên nhìn khách, hai bàn tay đan vào nhau, đặt trên đầu gối.
- Tôi là người Pháp. Mãi mãi tôi là dân nước Pháp. Người ta không thể nào sống thiếu Tổ quốc.
Ngừng một chút, ông tiếp:
- Tuy nhiên, tôi với bà đều sống chung trong một ngôi nhà: Trái Đất. Trái Đất đích thực là ngôi nhà của chúng ta. Những đứa con trong nhà phải thương yêu và có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau. Tôi không thể rời khỏi Nha Trang này để sống ở nơi nào khác. Chỉ có ở đây, tâm hồn tôi mới được rộng mở, bình yên.
Hai người cùng im lặng. Họ nghe rõ tiếng biển thở dài, đổ nhẹ những con sóng thuỷ tinh vỡ vụn lên bờ cát.
Theo CAO LINH QUÂN
- Y-éc-xanh (1863 - 1943): nhà khoa học Pháp, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Hà Nội, gắn bó hầu như cả cuộc đời với Việt Nam.
- Ngưỡng mộ: tôn kính và mến phục.
- Dịch hạch: bệnh lây rất nguy hiểm, gây sốt, nổi hạch.
- Nhiệt đới: vùng khí hậu nóng ẩm.
- Toa hạng ba: toa tàu khách hạng rẻ tiền.
- Bí ẩn: có điều kín đáo, khó hiểu ở bên trong.
ĐỌC HIỂU
1. Vì sao bà khách ước ao được gặp bác sĩ Y-éc-xanh?
2. Bà khách có ấn tượng về bác sĩ Y-éc-xanh như thế nào?
3. Lòng yêu nước của bác sĩ Y-éc-xanh thể hiện ở những câu nói nào?
4. Tâm sự của bác sĩ Y-éc-xanh về việc ông ở lại Việt Nam nói lên điều gì?
• Tìm đọc thêm thông tin về bác sĩ Y-éc-xanh.
LUYỆN TẬP
1. Tìm trong bài đọc một dấu hai chấm dùng để báo hiệu phần giải thích.
2. Viết tiếp vào vở các câu sau, sử dụng dấu hai chấm để báo hiệu phần giải thích:
a) Có hai lí do khiến bà khách ao ước được gặp bác sĩ Y-éc-xanh...
b) Nhà bác học thật khác xa với những gì bà đã tưởng tượng...
BÀI VIẾT 5
Em kể chuyện
Chọn 1 trong 2 đề sau:
1. Kể lại câu chuyện Sự tích cây lúa, từ đoạn tốp thợ săn gặp các vị thần núi đến hết.
1. Viết về gì?
- Kể chuyện đã học: Sự tích cây lúa.
- Kể từ đoạn tốp thợ săn gặp các vị thần núi đến hết.
2. Tìm ý
- Tốp thợ săn gặp các vị thần.
- Các vị thần mời ăn cơm.
- Các vị thần tặng hạt lúa.
3. Sắp xếp ý
Sắp xếp ý theo diễn biến của câu chuyện.
4. Viết
- Viết theo ý đã sắp xếp.
- Viết câu đúng, liền mạch.
5. Hoàn chỉnh
- Sửa lỗi.
- Bổ sung ý hay.
2. Kể chuyện em và các bạn đóng vai, thực hành giao lưu với các bạn Lúc-xăm-bua.
1. Viết về gì?
Kể chuyện được chứng kiến, tham gia: đóng vai, thực hành giao lưu.
2. Tìm ý
- Em đóng vai gì?
- Em và các bạn nói những gì? Cảm nghĩ của em về tiết học.
3. Sắp xếp ý
Sắp xếp ý theo diễn biến của tiết học.
4. Viết
- Viết theo ý đã sắp xếp.
- Viết câu đúng, liền mạch.
5. Hoàn chỉnh
- Sửa lỗi.
- Bổ sung ý hay.
BÀI ĐỌC 6
Người hồi sinh di tích
Giữa những ngôi nhà nhỏ, mái ngói nhấp nhô của đô thị cổ Hội An, có một bức tượng được người dân và du khách thường xuyên đến dâng hoa và hương. Đó là tượng kiến trúc sư Ka-dích. Từ đất nước Ba Lan xa xôi, ông đã đến Việt Nam và cống hiến cho việc hồi sinh nhiều di sản văn hoá suốt 17 năm trời, cho đến những ngày cuối đời. Ông là người có công lớn trong việc phát triển đô thị cổ Hội An thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Nhiều người còn nhớ những ngày Ka-dích tham gia trùng tu khu thánh địa Mỹ Sơn. Ông làm việc say mê, bất chấp mùa hè nóng nực, côn trùng rất nhiều, bom mìn còn sót lại trong chiến tranh có thể nổ bất cứ lúc nào. Ông đã cùng mọi người ăn nước suối, tắm nước suối, ngủ trong lán trại, ăn mắm dưa như một nông dân thực thụ.
Ngoài Mỹ Sơn, Hội An, Ka-dích còn có những đóng góp lớn trong việc trùng tu di tích Hoàng thành Huế. Ông cũng là người giới thiệu các di sản văn hoá này với thế giới. Cả Hoàng thành Huế, thánh địa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An đều được công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Theo DUY HIỂN và AN NHI
Hoàng thành Huế
- Hồi sinh: làm sống lại.
- Ka-dích: tên gọi thân mật của ông Ka-di-mia Quy-át-cốp-xki (1944-1997), kiến trúc sư người Ba Lan.
- Di sản: di sản văn hoá (nói tắt), tức là những tài sản về vật chất hoặc tinh thần thời xưa để lại, có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá.
- Trùng tu: sửa lại công trình kiến trúc.
ĐỌC HIỂU
1. Ông Ka-dích là người nước nào?
2. Ông Ka-dích tham gia trùng tu và giới thiệu những di sản nổi tiếng nào của Việt Nam?
3. Tinh thần làm việc của ông Ka-dích khi tham gia trùng tu khu thánh địa Mỹ Sơn nói lên điều gì về ông?
4. Câu chuyện về kiến trúc sư Ka-dích có điểm gì giống câu chuyện về bác sĩ Y-éc-xanh mà em đã học?
• Tìm đọc thêm thông tin về kiến trúc sư Ka-dích.
LUYỆN TẬP
1. Tìm từ ngữ thích hợp với ô trống để tạo hình ảnh so sánh:
a)
Sông Hoài duyên dáng Hội An
Đèn hoa lấp lánh ... ngàn sao sa.
Ca dao
b) Những khóm phong lan đuôi chồn lá dài móc trên cành đa ... bờm ngựa thả xuống những chùm hoa tím khiêm tốn, dịu dàng.
MA VĂN KHÁNG
2. Đặt một câu có hình ảnh so sánh để tả một sự vật (đồ vật, bông hoa hoặc con vật,...) mà em thích.
(M)
Bộ lông thỏ óng mượt như tơ.
GÓC SÁNG TẠO
Viết về một nhân vật trong truyện
1. Chọn 1 trong 2 để sau:
a) Một du khách hỏi vì sao nhiều đô thị Việt Nam có đường phố mang tên Y-éc-xanh. Em hãy viết một đoạn văn về bác sĩ Y-éc-xanh để trả lời vị khách đó.
b) Một du khách hỏi vì sao ở Hội An có bức tượng kiến trúc sư Ka-dích. Em hãy viết một đoạn văn về kiến trúc sư Ka-dích để trả lời vị khách đó.
2. Giới thiệu và bình chọn đoạn văn hay.
TỰ ĐÁNH GIÁ
Sau Bài 18, em đã biết thêm những gì, đã làm thêm được những gì? Hãy hoàn chỉnh bảng dưới đây và tự đánh giá theo gợi ý:
Đã biết những gì? | Đã làm được những gì? |
a) Tổng ôn tập chữ viết hoa | a) ... |
b) Từ ngữ về tình hữu nghị | b) Sử dụng ... |
c) Tên riêng nước ngoài | c) Viết ... |
d) Bố cục của bài văn miêu tả | d) Nhận ra bố cục của bài văn miêu tả |
e) Truyện, thơ, văn miêu tả, tin tức, tranh ảnh về tình hữu nghị | e) Phân vai, thể hiện lại câu chuyện đã học; viết đoạn văn về một nhân vật trong câu chuyện đã học |