CHIA SẺ
1. Ô chữ dưới đây có 8 từ, gồm 7 từ đọc theo hàng ngang và 1 từ đọc theo hàng dọc. Em hãy tìm các từ đó.
2. Chọn một từ em vừa tìm được ở ô chữ. Cho biết từ đó được thể hiện ở hình ảnh nào xung quanh ô chữ.
BÀI ĐỌC 1
Một mái nhà chung
(Trích)
Mái nhà của chim
Lợp nghìn lá biếc
Mái nhà của cá
Sóng xanh rập rình.
Mái nhà của dím
Sâu trong lòng đất
Mái nhà của ốc
Tròn vo bên mình.
Mái nhà của em
Nghiêng giàn gấc đỏ
Mái nhà của bạn
Hoa giấy lợp hồng.
Mọi mái nhà riêng
Có mái nhà chung
Là bầu trời xanh
Xanh đến vô cùng.
Mọi mái nhà riêng
Có mái nhà chung
Rực rỡ vòm cao
Bảy sắc cầu vồng.
Bạn ơi, ngước mắt
Ngước mắt lên trông
Bạn ơi, hãy hát
Hát câu cuối cùng:
Một mái nhà chung
Một mái nhà chung...
ĐỊNH HẢI
- Dím: nhím.
- Gấc: cây leo, quả có nhiều gai mềm; lúc chín, ruột đỏ, thường dùng để trộn với gạo nếp thổi xôi.
ĐỌC HIỂU
1. Bài thơ nói đến “những mái nhà riêng” nào?
2. Mái nhà chung của muôn loài là gì?
3. Em hiểu ngôi nhà chung của muôn loài dưới mái nhà ấy là gì?
4. Em thích những hình ảnh nào trong bài thơ? Vì sao?
• Học thuộc lòng 4 khổ thơ đầu.
LUYỆN TẬP
1. Xếp các từ ngữ sau vào nhóm thích hợp:
bầu trời
không khí
bảo vệ môi trường
người
cây
đất
nước
giữ gìn nguồn nước
chim
cá
giảm khí thải
tiết kiệm nước
tiết kiệm điện
a) Các loài trên Trái Đất
b) Môi trường sống
c) Những việc cần làm vì môi trường
2. Đặt câu với một từ ngữ ở nhóm c trong bài tập trên.
TỰ ĐỌC SÁCH BÁO
1. Tìm đọc thêm ở nhà:
- 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về Trái Đất hoặc về con người với thiên nhiên.
- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về Trái Đất hoặc về con người với thiên nhiên.
2. Viết vào phiếu đọc sách:
- Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn, câu thơ em thích).
- Cảm nghĩ của em.
BÀI VIẾT 1
Ôn chữ viết hoa: X, Y
1. Viết tên riêng: Ý Yên
2. Viết câu:
Xuân tươi sắc hoa đào
Hè về, sen toả ngát.
NGUYỄN BAO
TRAO ĐỔI
Tiết kiệm nước
Theo sách Hãy bảo vệ nguồn nước
1. Nghe và nói lại thông tin
a) Ghép đúng:
1 ki-lô-gam cần
a) 55 lít nước
b) 1 300 lít nước
1 ki-lô-gam cần
c) 4 800 lít nước
d) 15 000 lít nước
b) Trung bình, một người cần bao nhiêu lít nước mỗi ngày?
c) Sau bao nhiêu năm nữa, nhân loại sẽ thiếu nước nghiêm trọng?
2. Trao đổi
a) Theo em, vì sao phải tiết kiệm nước?
b) Em đã tiết kiệm nước như thế nào?
BÀI ĐỌC 2
Chuyện của ông Biển
Ông Biển không nhớ mình đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng từ lúc khai thiên lập địa đã có ông rồi. Già như vậy nhưng suốt đêm ngày ông vẫn rì rầm kể chuyện không biết mệt. Ông thổi gió mát vào đất liền, đưa hơi nước lên trời làm mưa và mang đến cho con người bao nhiêu là sản vật.
Nhưng mấy chục năm nay, ông thấy yếu đi nhiều. Bởi vì mỗi năm con người thải xuống biển hơn sáu triệu tấn rác. Tôm cá cứ chết dần. Ông Biển đành lên đường tìm người giúp đỡ.
Đi mãi, đi mãi, gặp một hòn đảo nhỏ, ông nói:
- Cháu nhận giúp ông một ít rác nhé!
Đảo nhỏ lắc đầu:
- Nhận rác của ông thì cháu biết để đâu!
Hướng về đất liền, ông thấy một bãi cát. Gió đang lùa rác từ bãi cát xuống biển, rồi sóng biển lại đưa rác lên bờ. “Không thể loanh quanh mãi thế này!” – Ông Biển thở dài.
Đang tuyệt vọng, ông Biển bỗng thấy trên bãi cát mấy cô bé, cậu bé mang theo những chiếc bao to nhặt rác. “Cứu tinh đây rồi!" - Ông reo lên và tặng các cô cậu những làn gió mát nhất.
Ông thầm mơ: Con người sẽ không xả rác xuống biển nữa. Chẳng bao lâu, nước biển sẽ lại trong xanh, các loài sinh vật sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở, biển sẽ lại vui như xưa.
Phỏng theo QUÁCH THIẾU VINH
- Khai thiên lập địa: bắt đầu có trời đất.
- Sản vật: những vật được làm ra hoặc khai thác từ thiên nhiên.
- Tấn: 1 000 ki-lô-gam.
- Cứu tinh: người giúp cho thoát khỏi hoàn cảnh nguy nan, khốn khổ.
ĐỌC HIỂU
1. Ông Biển đem lại những gì cho con người?
2. Điều gì xảy ra khiến ông Biển phải đi tìm người giúp đỡ?
3. Em hiểu lời của ông Biển “Không thể loanh quanh mãi thế này!" như thế nào?
4. Điều gì đã khiến ông Biển vui trở lại?
LUYỆN TẬP
1. Tìm 2 câu cảm trong bài đọc. Xếp mỗi câu vào ô thích hợp trong bảng dưới đây:
Câu cảm | Bộc lộ cảm xúc, thái độ |
Bộc lộ cảm xúc vui mừng | |
Bộc lộ thái độ lo lắng |
2. Đặt câu:
a) Nói lời của ông Biển cảm ơn các bạn nhỏ nhặt rác.
b) Nói lời của ông Biển khuyên mọi người không xả rác bừa bãi.
BÀI VIẾT 2
Nước sạch
Chọn 1 trong 2 đề:
1. Dựa theo gợi ý từ bài đọc Chuyện của ông Biển, viết một đoạn văn nêu suy nghĩ của em về việc giữ sạch nguồn nước (ao hoặc hồ, sông, suối, biển,...).
Gợi ý
- Hằng ngày, em dùng nước làm gì?
- Vì sao phải giữ sạch nguồn nước?
- Em cần làm gì để giữ sạch nguồn nước?
- Gắn ảnh hoặc tranh vẽ minh hoạ cho đoạn văn của em.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta
2. Dựa theo gợi ý từ bài Tiết kiệm nước, viết một đoạn văn nêu suy nghĩ của em về việc tiết kiệm nước sạch.
Gợi ý
- Hằng ngày, em dùng nước làm gì?
- Trung bình, mỗi người cần bao nhiêu nước một ngày?
- Vì sao phải tiết kiệm nước?
- Em cần làm gì để tiết kiệm nước?
- Gắn ảnh hoặc tranh vẽ minh hoạ cho đoạn văn của em.
BÀI ĐỌC 3
Em nghĩ về Trái Đất
(Trích)
Quàng khăn xanh biển cả
Khoác áo thơm hương rừng
Trái Đất mang trên lưng
Những đứa con của đất.
Tuy màu da có khác
Nhưng vẫn chung nụ cười
Như biển cả không vơi
Một màu xanh thăm thẳm.
Như ban mai nắng ấm
Lung linh bờ thảo nguyên
Hãy giữ được bình yên
Cho hoa thơm thơm mãi.
Cho năm châu hội ngộ
Trong tình thương loài người
Và cho khắp mọi nơi
Là nhà bồ câu trắng.
NGUYỄN LÃM THẮNG
- Lung linh: từ gợi tả vẻ lay động, rung rinh của vật có ánh sáng hoặc phản chiếu ánh sáng.
- Thảo nguyên: vùng đất bằng rộng lớn, chỉ có cỏ mọc.
ĐỌC HIỂU
1. Hình ảnh Trái Đất ở khổ thơ đầu gợi cho em nghĩ đến những ai?
2. "Những đứa con của đất” có điểm gì riêng và điểm gì chung?
3. Những câu thơ nào thể hiện mong muốn chung của mọi người trên Trái Đất?
4. Em hiểu 2 dòng thơ cuối như thế nào?
LUYỆN TẬP
1. Các từ hãy, mong, đừng thể hiện điều gì?
2. Hãy đặt câu với mỗi từ trên để thể hiện mong muốn của em về những điều cần làm cho cuộc sống trên Trái Đất tốt đẹp hơn.
BÀI VIẾT 3
Chính tả
1. Nhớ – viết: Một mái nhà chung (4 khổ thơ đầu)
(2). Chọn vẫn phù hợp với ô trống:
a) Vần au hay âu?
Ông ơi, cháu vẽ con t...
T... sơn m... trắng, biển màu xanh trong
Trời cao, cháu vẽ mây bông
Vẽ thêm một chiếc c... vồng bắc ngang.
NGUYỄN THƠ
b) Vần au hay ao?
Ông làm việc trên nhà
Ch... lên: Ch... ông ạ
Lời ch... thân thương quá
Làm mát ruột cả nhà
Đẹp hơn mọi bông hoa
Ch... kính yêu trữ tặng.
PHẠM CÚC
(3). Chọn tiếng trong ngoặc đơn phù hợp với ô trống:
a) (làu, lầu): nhà ... thuộc ...
(màu, mầu): ... nhiệm ... sắc
b) (cau, cao): chiều ... trái ...
(máu, máo): mếu ... mạch ...
TRAO ĐỔI
Em đọc sách báo
1. Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) em đã đọc về Trái Đất hoặc về con người với thiên nhiên.
M
Chú sẻ và bông hoa bằng lăng
Ở gần tổ của một chú sẻ non đang tập bay có một cây bằng lăng. Mùa hoa này, bằng lăng nở hoa mà không vui vì bé Thơ, bạn của cây, phải nằm viện. Sẻ non biết bằng lăng đã giữ lại một bông hoa cuối cùng để đợi bé Thơ.
Sáng hôm ấy, bé Thơ về, bông bằng lăng cuối cùng đã nở. Nhưng bông hoa lại nở cao hơn cửa sổ nên bé không nhìn thấy nó. Bé cứ ngỡ là mùa hoa đã qua.
Sẻ non rất yêu bằng lăng và bé Thơ. Nó muốn giúp bông hoa. Nó chắp cánh, bay vù về phía cành bằng lăng mảnh mai. Nó nhìn kĩ cành hoa rồi đáp xuống. Cành hoa chao qua, chao lại. Sẻ non cố đứng vững. Thế là bông hoa chúc hẳn xuống, lọt vào khuôn cửa sổ.
Lập tức, sẻ nghe thấy tiếng reo từ trong gian phòng tràn ngập ánh nắng:
- Ôi, đẹp quá! Sao lại có bông bằng lăng nở muộn thế kia?
Theo PHẠM HỒ
2. Trao đổi với các bạn về nội dung câu chuyện (bài thơ, bài văn).
Gợi ý
- Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn) đã đọc? Vì sao?
- Câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó nói lên điều gì?
BÀI ĐỌC 4
Những bậc đá chạm mây
Ngày xưa, dưới chân núi Hồng Lĩnh có một xóm nhỏ, người dân sống bằng nghề đánh cá. Cuộc sống đang yên lành, bỗng một trận bão khủng khiếp cuốn đi tất cả thuyền bè. Dân xóm chài hết đường sinh sống, đành lên núi kiếm củi đem ra chợ bán. Nhưng sườn núi phía họ ở dựng đứng, bà con phải đi đường vòng rất xa.
Bấy giờ trong xóm có một ông lão nghèo. Người ta gọi ông là cố Đương vì hễ gặp việc gì khó, ông đều đảm đương gánh vác. Thấy lên núi phải đi đường vòng, ông bàn với mọi người ghép đá thành bậc thang vượt dốc để có được con đường ngắn như mong muốn. Ai nấy đều lắc đầu bảo việc ấy khó lắm, không làm được.
Nhưng cố Đương vẫn tìm cách làm đường. Công việc nặng nhọc không khiến ông sờn lòng. Thấy ông đói, những con vượn ở gần đó mang hoa quả đến cho ông. Chim chóc thay nhau ca hát để ông quên mệt. Về sau, nhiều người trong xóm tình nguyện đến làm cùng.
Sau năm lần sim ra quả, con đường lên núi đã hoàn thành, nhờ đó mọi người có thể lên xuống núi dễ dàng. Cả xóm biết ơn cố Đương, tặng thêm cho ông một tên mới là cố Ghép. Ngày nay, con đường vượt núi gọi là Truông Ghép vẫn còn ở phía nam dãy núi Hồng Lĩnh.
Theo NGUYỄN ĐỔNG CHI
- Xóm chài: xóm làm nghề đánh cá.
- Cố: từ dùng để gọi người già một cách kính trọng.
- Đảm đương: nhận lấy công việc khó khăn hoặc quan trọng, làm với ý thức trách nhiệm cao.
- Truông: con đường hiểm trở qua rừng núi (nghĩa trong bài).
- Núi Hồng Lĩnh: một dãy núi thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
ĐỌC HIỂU
1. Người dân xóm chài gặp phải những khó khăn gì?
2. Cố Đương đã làm gì để giúp bà con trong xóm?
3. Những chi tiết nào nói lên quyết tâm và lòng kiên trì của cố Đương?
4. Qua câu chuyện, em thấy cố Đương và người dân xóm chài đã chọn cách ứng xử như thế nào với thiên nhiên?
a) Dựa hoàn toàn vào thiên nhiên.
b) Cải tạo thiên nhiên để phục vụ mình.
c) Vừa dựa vào thiên nhiên, vừa cải tạo thiên nhiên.
LUYỆN TẬP
1. Sử dụng câu hỏi Vì sao?, hỏi đáp với bạn theo nội dung các câu sau:
a) Người ta gọi ông là cố Đương.
b) Dân làng tặng ông thêm một tên mới là cố Ghép.
2. Dựa vào nội dung câu chuyện, hãy nói:
a) Một câu ca ngợi con đường lên núi của cố Đương.
b) Một câu ca ngợi ý chí của cố Đương.
GÓC SÁNG TẠO
Trái Đất thân yêu
1. Viết một đoạn văn theo đề tài được gợi ra từ một trong các bức tranh dưới đây:
2. Giới thiệu và bình chọn các đoạn văn hay.
TỰ ĐÁNH GIÁ
Sau Bài 17, em đã biết thêm những gì, đã làm thêm được những gì? Hãy hoàn chỉnh bảng dưới đây và tự đánh giá theo gợi ý:
Đã biết những gì? | Đã làm được những gì? |
a) Ôn các chữ hoa: X, Y | a) ... |
b) Từ ngữ về đề tài bảo vệ môi trường | b) Sử dụng |
c) Câu khiến | c) Nêu lời khuyên, lời đề nghị, mong muốn bằng câu khiến |
d) Câu cảm | d) Bày tỏ... |
e) Thơ, truyện, thông tin, tranh ảnh về bảo vệ môi trường | e) Nói, viết về bảo vệ môi trường |