[trang 9]
BÀI 2
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
* Lí thuyết âm nhạc: Nêu được khái niệm về quãng; biết cách xác định và gọi tên quãng theo độ lớn số lượng; so sánh được độ lớn số lượng của các quãng.
* Thường thức âm nhạc: Nêu được đôi nét về cuộc đời và thành tựu âm nhạc của nhạc sĩ Huy Du; cảm nhận được tính chất âm nhạc, nội dung của bài hát Đường chúng ta đi.
LÍ THUYẾT ÂM NHẠC
SƠ LƯỢC VỀ QUÃNG, CÁCH XÁC ĐỊNH VÀ GỌI TÊN QUÃNG
Nghe, phân biệt âm thanh cao - thấp
- Khái niệm
Quãng là khoảng cách về cao độ giữa 2 âm thanh. Hai âm thanh vang lên lần lượt tạo thành quãng giai điệu; vang lên cùng một lúc tạo thành quãng hòa thanh; âm dưới của quãng gọi là âm gốc, âm trên là âm ngọn.
Quãng giai điệu đi lên và quãng hòa thanh đọc từ dưới lên; quãng giai điệu đi xuống đọc từ trên xuống.
- Cách xác định và gọi tên quãng
Quãng được xác định bởi độ lớn số lượng và độ lớn chất lượng:
- Độ lớn số lượng thể hiện bằng số lượng các bậc âm có trong quãng.
• Độ lớn chất lượng thể hiện bằng số lượng cung và nửa cung có trong quãng.
[trang 10]
Quãng được gọi tên theo độ lớn số lượng và độ lớn chất lượng; tùy theo số lượng cung, nửa cung chứa trong quãng mà xác định tên gọi và tính chất các quãng là trưởng, thứ, đúng, tăng, giảm.
Đô - Mi: quãng 3 trưởng, có độ lớn số lượng là 3 (gồm 3 bậc âm), độ lớn chất lượng là 2 cung.
Mi - Son: quãng 3 thứ, có độ lớn số lượng là 3 (gồm 3 bậc âm), độ lớn chất lượng là 1,5 cung.
Xác định độ lớn số lượng và độ lớn chất lượng các quãng sau
THƯỜNG THỨC ÂM NHẠC
Nhạc sĩ Huy Du và bài hát Đường chúng ta đi
- Tìm hiểu về nhạc sĩ Huy Du
Nhạc sĩ Huy Du (1926 - 2007) quê ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ông sáng tác các bài hát như: Ba Vì năm xưa, Sẽ về Thủ đô,... Trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, các sáng tác của ông tràn đầy khí thế hào hùng, giàu tính chiến đấu nhưng vẫn đậm chất trữ tình như: Anh vẫn hành quân (Lời: phỏng thơ Trần Hữu Thung), Tình em (Lời: thơ Ngọc Sơn), Trên đỉnh Trường Sơn ta hát,... Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ tiếp tục có những sáng tác ấn tượng như: Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi!, Chợ Chờ em vẫn chờ ai (Lời: thơ Phạm Tiến Duật),...
Nhạc sĩ Huy Du
[trang 11]
Ngoài ra, ông còn viết một số tác phẩm nhạc không lời có chiều sâu về tư tưởng và nét đẹp về giai điệu như: Miền Nam quê hương ta ơi!, Kể chuyện sông Hồng,...
Ông là một trong các nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Năm 2000, nhạc sĩ Huy Du được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Tên của ông đã được đặt cho một đường phố ở Thủ đô Hà Nội.
- Bài hát Đường chúng ta đi
Nhạc sĩ Huy Du sáng tác bài hát Đường chúng ta đi vào năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt.
Bài hát có hình thức 3 đoạn. Đoạn 1 với giai điệu dàn trải, âm nhạc và lời ca gợi lên hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến còn nhiều gian khổ nhưng vững tin vào ngày mai tươi sáng. Đoạn 2 có tiết tấu sôi động, dồn dập như thúc giục quân và dân ta trên con đường đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Âm nhạc và lời ca của đoạn 3 như lời kêu gọi toàn dân tiến nhanh đến ngày toàn thắng.
Đường chúng ta đi là một trong những ca khúc nổi tiếng viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Hơn nửa thế kỉ đã đi qua nhưng bài hát vẫn tiếp tục đi cùng năm tháng.
- Nêu những hình ảnh nổi bật trong bài hát Đường chúng ta đi. Bài hát gửi gắm thông điệp gì đến người nghe?
- Viết cảm nghĩ của em sau khi nghe bài hát Đường chúng ta đi.
[trang 12]
VẬN DỤNG SÁNG TẠO
- Biểu diễn bài hát Nối vòng tay lớn theo hình thức tự chọn kết hợp vận động cơ thể hoặc vận động phụ họa
- Ghép lời ca cho Bài đọc nhạc số 1
3. Nghe đàn, tập phân biệt quãng giai điệu, quãng hòa âm