Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai - Rừng Xà Nu | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Rừng Xà Nu và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Giáo Dục Việt Nam

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

• Thấy được ý chí bất khuất, tinh thần chiến đấu của người dân Tây Nguyên và con đường giải phóng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

• Hiểu được bút pháp nghệ thuật đậm tính sử thi và lũng mạn của truyền qua cách trần thuật, miêu tả thiên nhiên, nhân vật ; qua ngôn ngữ và giọng điệu.

TIỂU DẪN

Nguyễn Trung Thành (bút danh dùng trong thời kì chống Mĩ cứu nước của nhà văn Nguyên Ngọc) tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu. Ông sinh năm 1932, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1950, đang học trung học chuyên khoa trong vùng kháng chiến, Nguyên Ngọc gia nhập bộ đội, vào trường Lục quân. Từ năm 1951 đến năm 1954, ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu Năm, chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên và bắt đầu viết văn. Sau năm 1954, Nguyên Ngọc tập kết ra miền Bắc, công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vốn sống ở vùng đất Tây Nguyên đã giúp ông thành công ở tiểu thuyết đầu tay : Đất nước đứng lên (viết năm 1955), được tặng Giải Nhất Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955. Năm 1962, Nguyên Ngọc trở về chiến trường miền Nam, hoạt động ở Khu Năm, là Chủ tịch Chi hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung Bộ, phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ. Sau năm 1975, Nguyên Ngọc ra Hà Nội, là Phó Tổng thư kí Hội Nhà văn đến năm 1983, rồi Tổng biên tập báo Văn nghệ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khoá III và IV. Ông đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học.

Tác phẩm chính : Đất nước đứng lên (tiểu thuyết, 1956), Rẻo cao (tập truyện ngắn, 1962), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (tập truyện và kí, 1969), Đất Quảng (tiểu thuyết, 1971), Có một con đường mòn trên biển Đông (kí sự, 2000), Tản mạn nhớ và quên (tập truyện và kí, 2005).

Sáng tác của Nguyên Ngọc mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn, tập trung viết về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, đề cập những vấn đề trọng đại của vận mệnh dân tộc và nhân dân, xây dựng những tính cách anh hùng.

Truyện ngắn Rừng xà nu viết năm 1965, khi đế quốc Mĩ ồ ạt đổ quân vào miền Nam nước ta. Truyện đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ (số 2, 1965), được đưa vào tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Văn bản dưới đây có lược một số đoạn.

⁎ ⁎ ⁎

Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu(1) cạnh con nước lớn(2). Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.

Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sẽ như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh,

(1) Xà nu : cây thuộc họ thông, có nhiều ở Tây Nguyên.

(2) Con nước lớn : chỗ suối nước rộng, sâu.

thay thế những cây đã ngã... Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng.

Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.

⁎ ⁎ ⁎

Ba năm đi lực lượng(1) bữa nay Tnú mới có dịp ghé về thăm làng. Thằng bé Heng gặp ở con nước lớn dẫn anh về. Ngày anh ra đi nó mới đứng đến ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chỉ mới đeo cái xà lét(2) nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy. Bây giờ nó mang một khẩu súng trường Mát(3), dẫn anh đi. Vẫn là con đường cũ, qua cái nà bắp(4) đã trồng sắn và cây pom chu(5) vắt lên hai cái dốc đứng sững đã được cắt ra từng bực, chui qua một rừng lách rậm ngày mưa thì vô số vắt lá, rồi đến cái làng nhỏ của anh. Nhưng nếu không có người dẫn, chắc chắn Tnú không dám đi một mình. Đường cũ nay chằng chịt hầm chông, hố chông, cứ mười phút lại gặp một giàn thò(6) chuẩn bị sẵn, cần thò căng như dậy ná, đánh một phát chắc chắn gẫy đôi ống quyển(7), lưỡi thò từng đôi, từng đôi gác lên giàn, sắc lạnh. Thằng bé Heng lớn lên cũng ít nói như những người dân làng Xô Man này. Nó đội một cái mũ sụp xin được của anh Giải phóng quân nào đó, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự.

(Lược một đoạn : Heng dẫn Tnú về làng, trên đường cậu kể lại những đổi thay sau khi Tnú đi vắng : Dít đã làm Bí thư chi bộ. Tnú chợt nhớ đến những kỉ niệm về Mai, người vợ đã bị giặc giết hại. Về đến làng, Tnú được dân làng tiếp đón nồng nhiệt).

Một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy vai anh như một kìm sắt. Anh quay lại : Cụ Mết ! Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng. Ông ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn. Ông cụ đẩy Tnú ra một bước, nhìn anh từ đầu đến chân, rồi phá lên cười :

(1) Lực lượng (nói tắt) : lực lượng vũ trang cách mạng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cũng thường gọi là Quân giải phóng.

(2) Xà lét : cái gùi đeo sau lưng.

(3) Súng trường Mát : một loại súng trường (loại súng cá nhân, báng và nòng dài, bắn từng phát một). (4) Nà bắp : rẫy trồng bắp (ngô).

(5) Pom chu : một loại cây củ có nhiều bột, ăn được, có nơi gọi là cây chuối nước.

(6) Giàn thò : một loại bẫy đặt phía trên mặt đất, gồm nhiều ống tre nhọn hoặc mũi lao. Khi người hoặc con vật vướng dây bẫy, các mũi lao và tre nhọn sẽ bật ra đâm vào đối tượng.

(7) Ống quyển : ống chân, xương cẳng chân.

− Hà hà !... Đeo cả tôm xông(1) về à... anh "lực lượng"... Được !

Tnú hiểu ý ông cụ. Ông không bao giờ khen "Tốt ! Giỏi !". Những khi vừa ý nhất, ông chỉ nói "Được !".

Lúc ông cụ Mết nói, mọi người đều im bặt. Ông nói như ra lệnh, sáu mươi tuổi rồi mà tiếng nói vẫn ồ ồ, dội vang trong lồng ngực :

– Cấp chỉ huy cho về mấy đêm ?... Một đêm à, được ! Cho một đêm, về một đêm, cho hai đêm, về hai đêm, phải chấp hành cho đúng. Đêm nay mày ở nhà tau.

(Lược một đoạn : Cụ Mết dẫn Tnú ra máng nước đầu làng. Dù vừa rửa mặt ở suối rồi nhưng Tnú vẫn muốn để cho vòi nước của làng mình giội lên khắp người như ngày trước...).

⁎ ⁎ ⁎

Bữa cơm tối ở nhà cụ Mết, ngoài món canh tàu môn bạc hà(2) nấu lạt trong ống nứa, còn có thêm mấy con cá chua. Đó là món đặc biệt cụ Mết đãi người đi xa về. Tnú mở ống lương khô, xúc cho ông cụ một muỗng(3) muối. Ông cụ bảo :

− Tau cũng còn nửa lon muối của huyện thưởng con Dít ngày nó đi đại hội chiến sĩ thi đua, nó về chia đều cho mỗi bếp một phần. Nhưng cái đó để dành cho người đau. Còn cái này mày cho thì tau ăn.

Ông cụ không nêm muối vào canh. Ông chia cho mỗi người mấy hạt, họ ăn sống từng hạt, ngậm rất lâu trong miệng để nghe chất mặn đậm đà tan dần. Cơm gạo trắng ghế rất nhiều củ pom chu. Ông cụ bưng chén cơm nói như thanh minh :

– Năm nay làng không đói. Gạo đủ ăn tới mùa suốt(4). Nhưng phải để dành, dự trữ mỗi bếp cho được ba năm. Mày đi cách mạng, người chỉ huy cũng dạy mày rồi, đánh thằng Mĩ phải đánh dài.

Rồi đột ngột, ông cụ hỏi :

– Mười ngón tay mày vẫn cụt thế à ? Không mọc ra được nữa à ?... Ừ...

Ông cụ đặt chén cơm xuống, giận dữ :

– Nhưng làng biết rồi chớ ?... Được ! Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được. Mày có đi qua chỗ rừng xà nu gần con nước lớn không ? Nó vẫn sống đấy. Không có cây gì

(1) Tôm xông (tiếng Anh : Thompson) : loại súng máy nhỏ (tiểu liên).

(2) Môn bạc hà : dọc mùng (theo cách gọi ở miền Bắc).

(3) Muỗng : thìa.

(4) Mùa suốt : mùa thu hoạch lúa. Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên thu hoạch lúa bằng cách suốt (tuốt) lúa ngay tại rẫy.

mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này !... Kìa, ăn đi chớ ! Gạo người Strá(1), mình làm ra ngon nhất rừng núi này đấy, con ạ...

... Cơm nước xong, từ phía nhà ưng(2) có ai đấy đánh lên một hồi mõ dài lại ba tiếng. Dân làng lũ lượt kéo tới nhà cụ Mết. Các cô gái dụi tắt đuốc ở cầu thang trước khi bước vào nhà. Cũng có người, các bà cụ, cầm cả cây đuốc còn cháy rực đi thẳng vào, soi lên mặt Tnú, nhìn đi nhìn lại thật kĩ rồi ném bó đuốc vào bếp, lửa bốc lên, cháy giần giật. Các ông cụ thì chưa bước lên cầu thang đã nói oang oang:

– Thằng Tnú đâu rồi ? Cho nó ăn no rồi chớ, ông Mết ?

Có tiếng một bà già :

– Bọn đàn ông này, xê ra một chút cho con Dít nó ngồi với chớ. Dít ơi, ngồi đây con !

Tnú ngửng nhìn lên. Dít đã ngồi sụp xuống trước mặt anh, hai chân xếp về một bên, đưa tay kéo tấm váy che kín cả gót chân. Tnú bất chợt nghe một luồng lạnh rân rân ở mặt và ở ngực. Mai ! Trước mắt anh là Mai đấy ! Anh không ngờ Dít lớn lên lại giống Mai đến thế. Cái mũi hơi tròn của Dít ngày nay đã thẳng và nhỏ lại, hai hàng lông mày đậm đến che tối cả đôi mắt mở to, bình thản, trong suốt. Dít nhìn Tnú bằng đôi mắt ấy rất lâu, trong khi bốn, năm đứa bé, đứa nào cũng tranh chỗ ngồi gần chị Dít. Rồi chị hỏi Tnú, giọng hơi lạnh lùng :

– Đồng chí về có giấy không ?

Tnú không hiểu :

– Giấy gì ?

– Giấy cấp trên cho nghỉ phép đó. Không có giấy, trốn về thì không được. Uỷ ban phải bắt thôi.

Tnú cười ồ. Anh định đùa, bảo nhớ làng quá trốn về thăm làng một bữa, nhưng nhìn đôi mắt nghiêm khắc của Dít và nghe cái im lặng chờ đợi chung quanh, anh mở túi áo, lấy một mảnh giấy nhỏ đưa cho chị.

– Báo cáo đồng chí chính trị viên xã đội...

Dít cầm tờ giấy, soi lên ánh lửa. Hàng chục cái đầu chụm lại, mấy đứa bé lắp bắp đánh vần. Dít đọc rất lâu, đọc đi đọc lại đến ba lần. Cụ Mết hỏi :

Nhà rông (Ảnh : Lưu Hùng)

(1) Strá : một nhóm của dân tộc Xơ-đăng, cư trú ở sườn núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum.

(2) Nhà ưng : nhà hội họp sinh hoạt chung của buôn, làng (như nhà rông của dân tộc Ba-na).

– Đúng chớ ? Nó có phép chớ?

Dít đưa trả lại cho Tnú. Bây giờ chị mới cười :

– Đúng rồi, có chữ kí người chỉ huy. Sao anh về có một đêm thôi ?

Rồi chị trả lời :

– Thôi cũng được. Về một đêm cho làng thấy mặt là được rồi. Bọn em miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi.

Tiếng cười nói im đi một lúc bấy giờ lại rộn lên chật cả căn nhà nhỏ.

– Có chữ kí của người chỉ huy đó nghe !

− Tốt lắm rồi !

– Một đêm thôi, mai lại đi rồi, ít quá, tiếc quá !

Tiếng ông cụ Mết ồ ồ át tất cả :

− Hà hà... được !

Ông cụ đẩy hai, ba đứa bé ra, bước tới ngồi xuống trước bếp lửa, cạnh Tnú. Ông cụ gõ ống điếu lên đầu ông táo, bẻ một que nứa nhỏ ở sạp, cẩn thận xoi cho hết tàn thuốc trong ống điếu, rồi ngửng lên, nhìn quanh một lượt. Mọi người đã ngồi đâu vào đấy và lắng chờ. Ông cụ bắt đầu nói.

Bên ngoài lấm tấm một trận mưa đêm, rì rào như gió nhẹ. Ông cụ không cất cao giọng, tiếng nói rất trầm :

– Ông già bà già thì biết rồi. Thanh niên có đứa biết, có đứa chưa biết rõ. Còn lũ con nít thì chưa biết. – Ông cụ trừng mắt nhìn lũ trẻ, chúng nó cảm thấy cái nghiêm trang trong lời ông già, đứa nào đứa nấy ngồi im lặng thin thít, dán mắt vào miệng ông cụ – Tnú, anh Tnú của chúng mày về rồi đó. – . Ông cụ đặt bàn tay chắc nịch lên vai Tnú. – Anh Tnú mà tau đã kể cho chúng mày nghe bao nhiêu lần rồi đó. Đấy, nó đấy, nó đi Giải phóng quân đánh giặc, nay nó về thăm làng một đêm, cấp trên cho về một đêm, có chữ kí người chỉ huy, chị bí thư coi rồi. Nó đấy ! Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta. Đêm nay tau kể chuyện nó cho cả làng nghe, để mừng nó về thăm làng. Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe...

(Lược một đoạn : Tất cả im lặng nghe cụ Mết kể. Tnú hình dung lại cảnh ngày ấy, khi anh và Mai đi vào rừng tiếp tế cho cán bộ).

⁎ ⁎ ⁎

Anh cán bộ ở trong rừng lúc bấy giờ là anh Quyết. Từ ngày thằng Mĩ – Diệm tới rừng núi này, không bữa nào nó không đi lùng, không đêm nào chó của nó và súng của nó không sủa vang cả rừng. Nhưng dân làng Xô Man vẫn tự hào : năm năm, chưa hề có một cán bộ bị giặc bắt hay giết trong rừng làng này. Lúc đầu thanh niên đi nuôi và gác cho cán bộ. Thằng Mĩ – Diệm biết được, nó bắt thanh niên. Nó treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng.

– Ai nuôi cộng sản thì coi đó !

Rồi nó cấm thanh niên đi rừng. Bà già ông già thay thanh niên đi nuôi cán bộ. Nó lại biết được. Nó giết bà Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng.

Sau cùng đến lũ trẻ thay ông già, bà già. Trong đám đó, hãng nhất có Tnú và Mai. Hễ Tnú đi rẫy thì Mai đi với cán bộ. Hễ Mai ở nhà giữ con Dít cho mẹ thì Tnú đi. Cũng có bữa cả hai đứa cùng đi. Chúng ở lại luôn ngoài rừng ban đêm. Để cán bộ ngủ một mình ngoài rừng một đêm, bụng dạ không yên được. Lỡ giặc lùng, ai dẫn cán bộ chạy. Anh Quyết hỏi :

– Các em không sợ giặc bắt à ? Nó giết như anh Xút, như bà Nhan đó.

Tnú đang nằm trong lòng anh Quyết, ngồi dậy, tung cái dồ(1) ra:

– Cụ Mết nói : Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn.

Trong rừng, anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ. Anh chẻ nứa, đập giập ra, ghép lại thành mấy tấm bảng to bằng ba bàn tay. Ba anh em đốt khói xà nu xông bảng nứa đen kịt rồi lấy nhựa cây luông tờ ngheo(2) phết lên một lớp dày, rửa nước cũng không phai được. Tnú đi ba ngày đường tới núi Ngọc Linh mang về một xà lét đầy đá trắng làm phấn. Mai học giỏi hơn Tnú, ba tháng đọc được chữ, viết được cái ý trong bụng mình muốn, sáu tháng làm được toán hai con số. Tnú học chậm hơn, mà lại hay nổi nóng. Học tới chữ i dài, nó quên mất chữ o thêm cái móc thì đọc là chữ a. Có lần thua Mai, nó đập bể cả cái bảng nứa trước mặt Mai và anh Quyết, bỏ ra suối ngồi một mình suốt ngày. Anh Quyết ra dỗ, nó không nói. Mai ra dỗ, nó đòi đánh Mai. Mai cũng ngồi lì đó với nó.

– Tnú không về, tui cũng không về. Về đi, anh Tnú. Mai làm cái bảng khác cho anh rồi.

(1) Cái dồ : tấm vải, đàn ông các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên dùng khoác trên người.

(2) Luông tờ ngheo : một loại cây có nhựa rất độc.

Nó cầm một hòn đá, tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng. Anh Quyết phải băng lại cho nó. Đêm đó, anh ôm nó trong hốc đá. Anh rủ rỉ :

– Sau này, nếu Mĩ – Diệm giết anh, Tnú phải làm cán bộ thay anh. Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi.

Tnú giả ngủ không nghe. Nó lén chùi nước mắt giàn giụa. Sáng hôm sau, nó gọi Mai ra sau hốc đá :

– Mai nói cho tôi chữ o có móc là chữ chi đi. Còn chữ chi đứng sau chữ đó nữa, chữ chỉ có cái bụng to đó.

Mai quay mặt đi, không dám cười. Nó viết một chữ có cái bụng to lên tấm bảng nó mới làm cho Tnú. Nó cố nói nhỏ nhưng giọng vẫn lanh lảnh :

– Anh nhớ giỏi lắm, chữ đó.

– Ừ, ... ... đầu tôi ngu quá !

Tnú hay quên chữ, nhưng đi đường núi thì đầu nó sáng lạ lùng. Nó liên lạc cho anh Quyết từ xã về huyện. Không bao giờ nó đi đường mòn. Giặc vây các ngả đường, nó leo lên một cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi, lọt tất cả các vòng vây. Qua sông nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình. Nó nói :

– Qua chỗ nước êm thằng Mĩ – Diệm hay phục(1), chỗ nước mạnh nó không ngờ.

Nhưng lần đó, Tnú tới một thác sông Đắc Năng, vừa cuốn cái thư của anh Quyết gửi về huyện trong một ngọn lá dong, ngậm vào miệng định vượt thác, thì họng súng của thằng giặc phục kích chĩa vào tai lạnh ngắt, Tnú chỉ kịp nuốt luôn cái thư.

(Lược một đoạn : Giặc giải Tnú về làng, trước mặt dân làng và Mai, tra hỏi Tnú cộng sản ở đâu. Tnú đặt tay lên bụng mình, nói : "Ở đây này !". Lưng Tnú ngang dọc vết dao chém của bọn lính. Rồi ba năm sau, Tnú vượt ngục trở về, nhiều người đã hi sinh nhưng làng Xô Man càng quyết tâm đánh Mĩ. Tnú lên núi Ngọc Linh gùi đá mài về cho dân làng mài vũ khí).

(1) Phục (nói tắt) : phục kích.

Tin làng Xô Man mài giáo đến tại bọn giặc ở đồn Đắc Hà. Giữa mùa suốt lúa, chúng kéo về một tiểu đội vừa đúng lúc đứa con trai đầu lòng của Mai và Tnú ra đời. Cũng thằng chỉ huy năm trước, thằng Dục. Nó đội mũ đỏ màu máu. Nó gầm lên :

– Lại thằng Tnú chứ không ai hết. Con cọp đó mà không giết sớm, nay nó làm loạn rừng núi này rồi.

Cụ Mết và Tnú dẫn thanh niên lánh vào rừng. Họ không đi đâu xa, chỉ luẩn quẩn ở các gốc cây, hốc đá quanh làng, bám theo giặc. Chúng nó đóng lại trong làng bốn đêm. Ngọn roi của nó không từ một ai. Tiếng kêu khóc dậy cả làng. Thằng Dục lăm lăm khẩu súng lục :

– Đứa nào ra khỏi làng, bắt được, bắn chết ngay tại chỗ.

Không ai lọt ra được. Chỉ có con Dít nhỏ, lanh lẹn, cứ sẩm tối lại bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và thanh niên. Tảng sáng ngày thứ tư thì chúng bắt được con bé khi nó ở ngoài rừng về. Chúng để con bé đứng giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít. Váy nó rách tượt từng mảng. Nó khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng, bình thản như đôi mắt chị bí thư bây giờ vậy.

Không làm gì được con bé, thằng Dục dùng đến ngón đòn cuối cùng. Nó bắt Mai.

– Bắt được con cọp cái và cọp con, tất sẽ dụ được cọp đực trở về.

Tnú nghe rõ câu nói đó của thằng Dục. Anh nấp ở gốc cây cạnh máng nước đầu làng. Từ chỗ ấy nhìn thấy sân làng rõ mồn một. Hai bàn tay anh bíu chặt lấy gốc cây khi bọn lính, mười thằng, dẫn Mai ra giữa sân. Mai địu con trên lưng, thằng bé chưa được một tháng. Ai cũng bảo nó giống Tnú lạ lùng. Không đi Kon Tum mua vải được, Tnú phải xé đôi tấm đồ của mình ra làm tấm choàng cho Mai địu con. Thằng bé nằm trong tấm choàng ấy, ngủ say trên lưng mẹ.

Thằng Dục hỏi :

– Chồng mày ở đâu, con mọi cộng sản kia ?

Mai xốc lại đứa con trên lưng, ngửng đôi mắt rất lớn nhìn thằng Dục.

– Mày câm à, con chó cái ! – Nó quát bọn lính – Đứng ì ra đó à !

Một thằng lính to béo nhất liếc mắt nhìn thằng Dục, cầm một cây sắt dài bước tới cạnh Mai. Nó lè lưỡi liếm quanh môi một lượt, rồi chậm rãi giơ cây sắt lên. Mai thét lên một tiếng. Chị vội tháo tấm địu, vừa kịp lật đứa con ra phía bụng lúc cây sắt giáng xuống trên lưng.

– Thằng Tnú ở đâu, hả ?

Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật thằng bé ra trước ngực. Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập. Không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ còn tiếng cây sắt nện xuống hừ hự.

Tnú bỏ gốc cây của anh. Đó là một cây vả. Anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy. Một bàn tay níu vai anh lại. Tiếng cụ Mết nặng trịch :

– Không được, Tnú ! Để tau !

Tnú gạt tay ông cụ ra. Ông cụ nhắc lại :

− Tnú !

Tnú quay lại. Ông cụ không nhìn ra Tnú nữa. Ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn. Ông cụ buông vai Tnú ra.

Một tiếng hét dữ dội. Tnú đã nhảy xổ vào giữa bọn lính. Anh không biết đã làm gì. Chỉ thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng Dục tháo chạy vào nhà ưng. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Rồi Mai ôm đứa con chui vào ngực anh. Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai.

– Đồ ăn thịt người, tau đây, Tnú đây !...

Tnú không cứu sống được Mai.

– Ừ, Tnú không cứu sống được mẹ con Mai...

Tiếng ông cụ Mết vẫn trầm và nặng. Ông cụ vụng về trở tay lau một giọt nước mắt. Bỗng nhiên ông cụ nói to lên :

– Tnú không cứu được vợ con. Tối đó Mai chết. Còn đứa con thì đã chết rồi. Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống, không kịp che cho nó. Nhớ không, Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó tau đứng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mày bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, tau đi tìm bọn thanh niên. Bọn thanh niên thì cũng đã đi vào rừng, chúng nó đi tìm giáo mác. Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu : Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo !...

Chúng nó trói chặt Tnú bằng dây rừng, khiêng ném vào góc nhà ưng rồi kéo đi ăn thịt con heo của anh Brôi.

Tnú nằm trong góc nhà. Bóng tối đã dày đặc. Anh suy nghĩ, ngạc nhiên tự thấy mình rất bình thản :

"Đứa con chết rồi. Mai chắc cũng chết rồi, Tnú cũng sắp chết. Ai sẽ làm cán bộ ? Đến khi có lệnh Đảng cho đánh, ai sẽ làm cán bộ lãnh đạo dân làng Xô Man đánh giặc ? Cụ Mết đã già. Được, còn có bọn thanh niên. Rồi con Dít sẽ lớn lên. Con bé ấy vững hơn cả chị nó. Không sao... Chỉ tiếc cho Tnú, Tnú không sống được tới ngày cầm vũ khí đứng dậy với dân làng...".

Thằng Dục không giết Tnú ngay. Nó đốt một đống lửa lớn ở nhà ưng, lùa tất cả dân làng tới, cởi trói cho Tnú, rồi nói với mọi người :

– Nghe nói chúng mày đã mài rựa, mài giáo cả rồi, phải không ? Được, đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây.

Nó hất hàm ra hiệu cho thằng lính to béo nhất. Chúng nó đã chuẩn bị sẵn cả. Thằng lính mở túi se(1) lấy ra một nhúm giẻ đã tẩm dầu xà nu. Nó quấn giẻ lên mười đầu ngón tay Tnú. Rồi nó cầm lấy một cây lửa. Nhưng thằng Dục bảo :

– Để đó cho tau !

Nó giật lấy cây lửa.

Tnú không kêu lên một tiếng nào. Anh trợn mắt nhìn thằng Dục. Nó cười sằng sặc. Nó gí cây lửa lại sát mặt anh:

– Coi kĩ cái mặt thằng cộng sản muốn cầm vũ khí này xem sao nào ! Số kiếp chúng mày không phải số kiếp cầm giáo mác. Bỏ cái mộng cầm giáo mác đi, nghe không !

(1) Túi se (tiếng Pháp : cartouchière) : bao đựng đạn, thường đeo bên người.

Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.

Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.

Trời ơi ! Cha mẹ ơi ! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói : "Người cộng sản không thèm kêu van...". Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi ! Cháy, cháy cả ruột đây rồi ! Anh Quyết ơi ! Cháy ! Không, Tnú sẽ không kêu ! Không !

Tiếng cười giần giật của thằng Dục. Các cụ già chồm dậy. Bọn lính gạt ra. Tiếng kêu ré của đồng bào. Tiếng chân ai rầm rập quanh nhà ưng. Ai thế ?

Tnú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Tiếng "Giết !". Tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ : "Chém ! Chém hết !". Cụ Mết, đúng rồi, cụ Mết đã đứng đấy, lưỡi mác dài trong tay. Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá Tnú mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về...

Tiếng anh Brôi nói, trầm tĩnh :

− Tnú, Tnú. Tỉnh dậy chưa ? Đây này, chúng tôi giết hết rồi. Cả mười đứa, đây này ! Bằng giáo, bằng mác. Đây này !

Lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay Tnú. Nhưng đống lửa xà nu lớn giữa nhà vẫn đỏ. Xác mười tên lính giặc ngổn ngang quanh đống lửa đỏ.

Cụ Mết chống giáo xuống sàn nhà, tiếng nói vang vang :

– Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên ! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây du, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên !

Tiếng chiêng nổi lên...

(1) Dụ : một loại giáo dài.

Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn, suốt đêm nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng...

(Lược một đoạn : Tiếp theo lời cụ Mết, Tnú kể cho mọi người nghe chiến công của anh giết tên chỉ huy đồn giặc trong hầm ngầm cố thủ, bằng chính đôi bàn tay mỗi ngón cụt một đốt của mình. Với anh, chúng nó đều là thằng Dục).

Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.

Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.

(Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc,
NXB Giải phóng, 1969)                

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Truyện ngắn này có hai mạch truyện lồng ghép vào nhau : chuyện cuộc đời Tnú và chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Hãy phân tích nghệ thuật trần thuật của tác giả. (Chú ý : cách kết hợp hai mạch truyện, sắp xếp các lớp thời gian, tạo dựng tình huống).

2. Truyện được mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh rừng xà nu. Hãy phân tích vẻ đẹp và ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh ấy.

3. Trong truyện, tác giả đã xây dựng các nhân vật thuộc nhiều thế hệ tiếp nối : cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, Heng. Phân tích những nét riêng của mỗi nhân vật và ý nghĩa của việc tác giả xây dựng hệ thống nhân vật như vậy.

4. Cảm nghĩ của anh (chị) về câu chuyện bi tráng của Tnú và Mai. Chi tiết nào gây cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất ? Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh bàn tay Tnú.

5. Câu chuyện về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man đã minh chứng cho một chân lí tất yếu của cuộc chiến đấu giải phóng của nhân dân miền Nam. Chân lí ấy là gì và đã được nói lên qua lời nào của cụ Mét trong truyện ?

6. Phân tích tính sử thi của truyện thể hiện trong chủ đề, các hình tượng nhân vật, bức tranh thiên nhiên và trong ngôn ngữ, giọng điệu.

BÀI TẬP NÂNG CAO

Trong văn học Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước, khuynh hướng sử thi thường gắn với cảm hứng lãng mạn. Hãy làm rõ điều đó qua truyện ngắn Rừng xà nu.

TRI THỨC ĐỌC - HIỂU

Thời gian được trần thuật và thời gian trần thuật

Tác phẩm tự sự nào cũng kể một hay nhiều chuyện, chuyện nào cũng diễn ra trong thời gian, theo trình tự liên tục từ sự kiện trước đến sự kiện sau. Thời gian của truyện bao gồm thời gian được trần thuật (thời gian của chuyện) và thời gian trần thuật (thời gian kể).

Thời gian được trần thuật tương ứng với độ dài của chuyện được kể : một ngày, một năm, một đời, có khi là nhiều đời, hàng mấy trăm năm.

Thời gian trần thuật có khi nhanh, khi chậm, tuỳ theo hoạt động kể : kể tóm lược, kể chi tiết, tỉnh lược, dừng lại miêu tả. Thời gian trần thuật có thể quay ngược : đang kể chuyện hiện tại, bỗng hồi tưởng lại quá khứ. Do đó, thời gian trần thuật không đồng nhất với thời gian được trần thuật. Nhà văn dùng thời gian trần thuật để nối kết các sự kiện xảy ra trong các thời điểm khác nhau làm cho chúng bộc lộ ý nghĩa mà tác giả mong muốn.

Rừng xà nu mở đầu bằng việc Tnú về thăm làng và kết thúc bằng việc anh lại ra đi, trong thời gian gần một ngày đêm. Nhưng trong đêm đó, qua lời kể của cụ Mết, Tnú sống lại quãng thời gian từ tám năm rồi đến ba năm trước. Lời kể của cụ Mết vừa tái hiện quá khứ, vừa hướng tới tương lai. Thời gian trần thuật nối kết các thời : quá khứ – hiện tại – tương lai.

Đọc tác phẩm tự sự cần phân biệt được thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật cùng mối quan hệ giữa chúng để hiểu dụng ý của tác giả.

 

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

toan-6-tap-1-130

Toán 6 - Tập 1

Sách Cánh Diều Lớp 6

tieng-viet-5-tap-mot-2803

Tiếng Việt 5 - Tập Một

Sách Cánh Diều Lớp 5

ngu-van-8-tap-2-920

Ngữ Văn 8 - Tập 2

Sách Lớp 8 Chân Trời Sáng Tạo

lich-su-va-dia-li-7-phan-lich-su-881

Lịch Sử Và Địa Lí 7 (Phần Lịch Sử)

Sách Lớp 7 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.