KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
Biết vận dụng hiểu biết về nhân vật giao tiếp vào việc đọc - hiểu và tạo lập văn bản.
1. So sánh ngôn ngữ của ông lí và anh Mịch trong đoạn trích sau đây để làm rõ quan hệ vị thế của hai nhân vật này trong giao tiếp.
Anh Mịch nhăn nhó, nói :
– Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông nghị, kẻo ông ấy đánh chết.
Ông lí cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to bằng ngón chân cái lên trời, dậm doạ :
– Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh, thì lần này đến lượt mày rồi. -Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy, ông mà bắt con đi thì ông nghị ghét con, cả nhà con khổ.
– Thì mày hẹn làm ngày khác với ông ấy, không được à ?
– Đối với ông nghị, con là chỗ đầy tớ, con sợ lắm. Con không dám nói sai lời, vì là chỗ con nhờ vả quanh năm. Nếu không, vợ con con chết đói.
– Chết đói hay chết no, tao đây không biết, nhưng giấy quan đã sức, tao cứ phép tao làm. Đứa nào không tuân, để quan gắt, tạo trình thì rũ tù.
– Lạy ông, ông thương phận nào con nhờ phận ấy.
– Mặc kệ chúng bay, tao thương chúng bay, nhưng ai thương tao. Hôm ấy mày mà không đi, tao sai tuần đến gô cổ lại, đừng kêu.
(Nguyễn Công Hoan – Tinh thần thể dục)
2. Lời lẽ, cử chỉ của Huấn Cao và của viên quản ngục trong đoạn trích sau khác biệt nhau như thế nào ? Nêu ý nghĩa của sự khác biệt đó.
Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo :
– Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những chữ nét vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. [...]
Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
(Nguyễn Tuân – Chữ người tử tù)
3. Phân tích sự thay đổi thái độ của chị Dậu đối với tên cai lệ qua ba câu nói của chị trong đoạn trích sau.
Đùng đùng, cai lệ giật phắt cái thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu.
Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con bé con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn :
– Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho.
– Tha này, tha này !
Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch, rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.
Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại :
– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.
Cai lệ tát vào mặt chị một cái bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu, chị Dậu nghiến hai hàm răng :
– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem !
(Ngô Tất Tố – Tắt đèn)
4. Sau đây là đoạn trích kể chuyện một người đàn bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn, được triệu tập đến toà án.
Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay lại với lia lịa:
– Con lạy quý toà...
− Sao, sao?
– Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó...
[...] Đang ngồi cúi gục xuống, người đàn bà bỗng ngẩng lên nhìn thẳng vào chúng tôi, lần lượt từng người một, với một vẻ ban đầu hơi ngơ ngác.
– Chị cám ơn các chú ! – Người đàn bà đột nhiên thốt lên bằng một giọng khẩn thiết – Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...
Chỉ mấy lời mào đầu ấy, người đàn bà đã mất hết cái vẻ ngoài khúm núm, sợ sệt. Điệu bộ khác, ngôn ngữ khác.
(Nguyễn Minh Châu – Chiếc thuyền ngoài xa)
a) Người đàn bà có "Điệu bộ khác, ngôn ngữ khác" như thế nào ?
b) Tại sao người đàn bà lại thay đổi điệu bộ và ngôn ngữ ?
5. Viết một đoạn đối thoại ngắn, có ba nhân vật : bà, cháu và ông chủ tịch phường (hoặc xã).