KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Biết đề xuất nhận xét, đánh giá về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.
• Có kĩ năng vận dụng các thao tác lập luận để viết bài nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.
Đọc các đề văn sau và thực hành tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, xác định các thao tác lập luận.
1. Nội dung và nghệ thuật châm biếm, đả kích trong truyện ngắn "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc.
2. Phát biểu suy nghĩ của anh (chị) khi đọc đoạn văn miêu tả thác nước và "thạch trận" mà ông lái đò sông Đà phải vượt qua trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân.
3. Bình luận về nhân vật Mị (hoặc A Phủ) trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
Gợi ý :
Đề 1
a) Tìm hiểu đề, tìm ý
– Đề văn nghị luận này chỉ nêu đề tài mà không nêu mệnh lệnh "phân tích", "bình luận", "suy nghĩ" như các đề khác thì nên hiểu như thế nào ? Nêu đề tài là một cách nêu đề nghị luận. Người làm bài phải trình bày ý kiến của mình về vấn đề được nêu trong đề tài.
– Chúng ta đã biết "Vi hành" là một truyện ngắn châm biếm, đả kích tên vua bù nhìn Khải Định, nhưng ngoài hắn ra, tác giả còn đả kích, châm biếm những đối tượng nào ? Trong một truyện ngắn, người ta thường chỉ tập trung đả kích một số đối tượng. Với mỗi đối tượng lại chỉ có thể châm biếm, đả kích một số phương diện nào đó. Hiểu đề như vậy, thì truyện ngắn "Vi hành" có những nội dung đã kích, châm biếm nào ?
– Tác giả đã châm biếm, đả kích như thế nào, bằng cách nào, giọng văn và từ ngữ được sử dụng ra sao ?
b) Lập dàn ý
– Mở bài : Giới thiệu tác phẩm "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc.
– Thân bài : Nêu nội dung và nghệ thuật châm biếm, đả kích trong truyện ngắn. Mỗi ý cần viết thành một đoạn văn.
– Kết bài : Nhận định chung về sức mạnh châm biếm, đả kích của tác phẩm.
c) Xác định các thao tác lập luận : Khi tìm hiểu đề và tìm ý như trên, cần sử dụng những thao tác lập luận nào ?
Làm văn nghị luận thường không thể thiếu được các thao tác giới thiệu, thuyết minh, phân tích, bình luận,... Muốn phân tích, bình luận vấn đề gì thì trước hết cần phải giới thiệu vấn đề ấy cho người đọc biết, tức là nêu vấn đề. Trước khi nêu vấn đề, cần giới thiệu đoạn văn, tác phẩm và nhà văn. Thuyết minh có các biện pháp mô tả, liệt kê cho người ta thấy vấn đề hay hiện trạng,... Phân tích có các biện pháp chia tách đối tượng thành từng phần nhỏ, tìm cách so sánh để nêu bật đặc điểm, ý nghĩa. Quy nạp là cách từ các trường hợp riêng lẻ, cụ thể quy thành các vấn đề chung. Bình luận là nêu nhận định đánh giá, khái quát về đoạn văn.
Đề 2
a) Tìm hiểu đề, tìm ý
– Đây là đề văn có giới hạn tư liệu và yêu cầu cụ thể. Người làm bài cần đọc kĩ đoạn văn và phát biểu suy nghĩ của mình về cảnh thác nước và "thạch trận" mà ông lái đò sông Đà phải vượt qua.
– Đoạn văn có thể gợi ra những suy nghĩ về thiên nhiên hung bạo trong cảm quan của nhà văn, về tinh thần dũng cảm và tài nghệ khéo léo của người lái đò trên sông Đà, về cách miêu tả độc đáo của nhà văn, bút pháp nhân cách hoá, sự vận dụng kiến thức về binh pháp cổ xưa làm cho cảnh thác nước hung dữ trở nên sống động, hấp dẫn. Đoạn văn là một cuộc biểu diễn ngoạn mục về trí tưởng tượng độc đáo, cách miêu tả thiên nhiên sinh động và vốn từ vựng phong phú của nhà văn. Người viết cũng có thể nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong đoạn văn.
b) Lập dàn ý
Học sinh tự lập dàn ý trên cơ sở các ý đã tìm ở trên.
c) Xác định các thao tác lập luận : Tìm những thao tác lập luận phù hợp.
Đề 3
Dựa vào cách làm trên của Đề 1 và Đề 2 để tìm hiểu đề, tìm ý và lập dàn ý cho đề này.