Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 12 - Tập Một - Quá Trình Văn Học Và Phong Cách Văn Học | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Quá Trình Văn Học Và Phong Cách Văn Học và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 12 - Tập Một | Giáo Dục Việt Nam

I – QUÁ TRÌNH VĂN HỌC

1. Khái niệm quá trình văn học

Văn học là một loại hình nghệ thuật, một hình thái ý thức xã hội đặc thù luôn vận động, biến chuyển. Diễn tiến của văn học như một hệ thống chỉnh thể với sự hình thành, tồn tại, thay đổi, phát triển qua các thời kì lịch sử được gọi là quá trình văn học. Các thời kì gồm có : cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại, đương đại ; trong từng thời kì lại có các giai đoạn cụ thể nối tiếp nhau. Từng thời kì và các giai đoạn gắn với văn học nhân loại nói chung và văn học mỗi dân tộc nói riêng. Ví dụ, văn học trung đại Việt Nam có các giai đoạn : từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV, từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII, từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, nửa cuối thế kỉ XIX; văn học Việt Nam thế kỉ XX gồm các giai đoạn : từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX.

Quá trình văn học là sự vận động của văn học trong tổng thể. Nó bao gồm tất cả các tác phẩm văn học với chất lượng khác nhau, tất cả các hình thức tồn tại của văn học từ truyền miệng đến chép tay, in ấn. Nó cũng bao gồm các thành tố của đời sống văn học như tác giả và người đọc, các hình thức tổ chức hội đoàn, các hoạt động nghiên cứu, phê bình, dịch thuật, xuất bản, ảnh hưởng qua lại giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác, các hình thái ý thức xã hội khác,...

Quá trình văn học luôn tuân theo những quy luật chung. Trước hết, văn học gắn bó với đời sống, thời đại nào văn học ấy, những biến động lịch sử của xã hội thường tạo nên những chuyển biến trong lịch sử phát triển của văn học. Thứ hai, văn học phát triển trong sự kế thừa và cách tân : văn học dân gian là cội nguồn của văn học viết, người sau thâu nhận giá trị văn học của người trước và tạo nên những giá trị mới. Thứ ba, văn học một dân tộc tồn tại, vận động trong sự bảo lưu và tiếp biến : giữ gìn, phát huy những tinh hoa của truyền thống ; tiếp thu có chọn lọc và cải biến cho phù hợp những tinh hoa của văn học thế giới.

2. Trào lưu văn học

Hoạt động nổi bật trong quá trình văn học là trào lưu văn học, một hiện tượng có tính chất lịch sử, ra đời và mất đi trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là một phong trào sáng tác tập hợp những tác giả, tác phẩm gần gũi nhau về cảm hứng, tư tưởng, nguyên tắc miêu tả hiện thực, tạo thành một dòng rộng lớn, có bề thế trong đời sống văn học của một dân tộc hoặc của một thời đại. Một trào lưu văn học có thể có nhiều khuynh hướng hoặc trường phái văn học ; cũng có khi nền văn học của một dân tộc không có trào lưu văn học, nhưng lại có các khuynh hướng, các trường phái văn học khác nhau.

Trong lịch sử văn học thế giới có một số trào lưu văn học lớn. Văn học thời Phục hưng ở châu  u thế kỉ XV, XVI đề cao con người, giải phóng cá tính, chống lại tư tưởng khắc nghiệt thời Trung cổ (Đôn Ki-hô-tê của Xéc-van-tét, Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia,...). Chủ nghĩa cổ điển ở Pháp thế kỉ XVII coi văn học cổ đại là hình mẫu lí tưởng, luôn đề cao lí trí, sáng tác theo các quy phạm chặt chẽ (Lơ Xít của Coóc-nây(1), Lão hà tiện của Mô-li-e,...). Chủ nghĩa lãng mạn hình thành ở các nước Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, đề cao những nguyên tắc chủ quan, thường lấy đề tài trong thế giới tưởng tượng của nhà văn, cố gắng xây dựng hình tượng nghệ thuật sao cho phù hợp với lí tưởng và ước mơ của nhà văn (Những người khốn khổ của V. Huy-gô, Những tên cướp của Si-le(2) ,...). Chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ XIX thiên về những nguyên tắc khách quan, chú ý chọn đề tài trong cuộc sống hiện thực, chủ trương “nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại”, quan sát thực tế để sáng tạo các điển hình (sáng tác của Ban-dắc(3), Lép Tôn-xtôi,...). Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thế kỉ XX miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng, đề cao vai trò lịch sử của nhân dân (sáng tác của Mác-xim Go-rơ-ki, Gioóc-giơ A-ma-đô(4),...). Thế kỉ XX còn chứng kiến sự xuất hiện của các trào lưu hiện đại chủ nghĩa : chủ nghĩa siêu thực ra đời năm 1922 ở Pháp với quan niệm thế giới trên hiện thực mới là mảnh đất sáng tạo của nghệ sĩ (Na-đi-a của An-đrê Brơ-tông(1)) ; chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học Mĩ La-tinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai với quan niệm thực tại còn bao gồm cả đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo, các huyền thoại, truyền thuyết (Trăm năm cô đơn của Gác-xi-a Mác-két) ; chủ nghĩa hiện sinh ra đời ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai tập trung miêu tả cuộc sống con người như một sự tồn tại huyền bí, xa lạ và phi lí (Người xa lạ của An-be Ca-muy(2)) v.v...

(1) Coóc-nây (1606 – 1684) : nhà bi kịch cổ điển Pháp.

(2) Si-le (1759 – 1805) : nhà văn Đức, chuyên viết bi kịch.

(3) Ban-dắc (1799 – 1850) : nhà văn hiện thực lớn của Pháp.

(4) Gioóc-giơ A-ma-đô (1912 – 2001): nhà văn, nhà hoạt động chính trị – xã hội Bra-xin.

Ở Việt Nam, các trào lưu văn học lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng những năm 30 của thế kỉ XX. Trong giai đoạn 1930 – 1945, hai trào lưu công khai nổi bật nhất là trào lưu lãng mạn và trào lưu hiện thực phê phán. Văn học lãng mạn phát triển rực rỡ trong phong trào Thơ mới với các tác giả tiêu biểu như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính,... và trong sáng tác của nhóm Tự lực văn đoàn với Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam,... Văn học hiện thực phê phán thành công trước hết trong lĩnh vực tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự với các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng,... Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bộ phận văn học cách mạng (vốn tồn tại một cách không công khai trước đó) có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Cùng với quá trình xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, ở Việt Nam đã hình thành trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tiêu biểu cho trào lưu này là các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng,... Từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX, văn học Việt Nam có sự đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ, mở ra nhiều hướng phát triển, hiện đang được nghiên cứu để tổng kết, khái quát về các khuynh hướng.

II – PHONG CÁCH VĂN HỌC

1. Khái niệm phong cách văn học

“Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập” (Mác-xen Prút(3). Chính cái độc đáo ấy đã tạo nên phong cách văn học, dấu hiệu trưởng thành về bản lĩnh nghệ thuật của một cá nhân nhà văn, đồng thời sự xuất hiện của nhiều phong cách khác nhau còn chứng tỏ trình độ phát triển của một trào lưu văn học nào đó.

(1) An-đrê Brơ-tông (1896 – 1966) : nhà lí luận, nhà thơ Pháp.

(2) An-be Ca-muy (1913 – 1960) : nhà văn, nhà lí luận của chủ nghĩa hiện sinh ở Pháp.

(3) Mác-xen Prút (1871 – 1922) : nhà văn Pháp.

Phong cách văn học (hay phong cách nghệ thuật) nảy sinh do chính những nhu cầu của cuộc sống, bởi vì cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện những nhân tố mới mẻ, những cái không lặp lại bao giờ ; và nó cũng nảy sinh từ nhu cầu của quá trình sáng tạo văn học, vì đó là một yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn, sức sống của tác phẩm. Phong cách là những nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể. Nói cách khác, phong cách là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo, vì thế Buy-phông viết : “Phong cách chính là người”. Trong tác phẩm của Sếch-xpia “mỗi một ưu điểm nhỏ nhất cũng in dấu riêng, dấu ấn đó có thể lập tức nói với toàn thế giới rằng : Tôi là Sếch-xpia” (Lét-xinh)(1).

Quá trình văn học được đánh dấu bằng những nhà văn kiệt xuất với phong cách độc đáo của họ. Quá trình văn học mang tính lịch sử cho nên phong cách cũng in đậm dấu ấn dân tộc và thời đại. Văn hào Vôn-te(2) nói : “Cũng giống như từ gương mặt, ngôn ngữ, hành động cụ thể có thể nhận ra quốc tịch của con người, thì cũng có thể từ phong cách sáng tác nhận ra một số là người Ý, người Pháp, người Anh hay người Tây Ban Nha một cách dễ dàng”. Trong mỗi thời đại nhất định, do cùng có những điều kiện và trình độ phát triển chung của lịch sử, trong sáng tác của nhiều khuynh hướng văn học khác nhau có thể có những nét chung nào đó về tư duy nghệ thuật và kĩ thuật biểu hiện. Dù mỗi người có một “gương mặt” riêng, nhưng các nhà văn của Tự lực văn đoàn và các nhà thơ của phong trào Thơ mới đều góp phần tạo nên diện mạo chung của văn học lãng mạn Việt Nam 1932 – 1945. Nhà văn Tô Hoài nói về cái diện mạo chung ấy trong sáng tác của từng tác giả : “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.

(1) Lét-xinh (1729 – 1781) : nhà văn Đức.

(2) Vôn-te (1694 – 1778) : bút danh của Phrăng-xoa Ma-ri A-ru-ê, nhà văn Pháp.

2. Những biểu hiện của phong cách văn học

Phong cách văn học biểu hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả. Viết về Đèo Ngang, Phạm Tiến Duật có một cách nhìn mới : “Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang – Mà không biết con đèo chạy dọc” (Đèo Ngang). Cách cảm thụ hài hước của Nguyễn Công Hoan khơi ra mọi điều nghịch lí, nghịch cảnh : “Sự thành công của anh cu Bản đã làm cho vợ anh goá chồng” (Ngậm cười). Trong Lịch triều hiến chương loại chí, khi giới thiệu các tác giả, Phan Huy Chú thường có nhận xét ngắn gọn về giọng điệu của từng người : Trần Quang Khải thì “lời thơ thanh thoát, nhàn nhã”, Trần Nguyên Đán thì “cảm khái thế sự, thân tuy ở ẩn, nhưng lòng không quên việc nước”, Phùng Khắc Khoan thì “lời thơ trong trẻo, dồi dào, khí phách hùng hồn”,...

Sự sáng tạo các yếu tố thuộc nội dung tác phẩm cũng in đậm dấu ấn riêng của tác giả, từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện hình ảnh, nhân vật cho đến xác lập tứ thơ, triển khai cốt truyện,... Thạch Lam hướng ngòi bút tới cuộc sống và tâm hồn những con người “nhỏ bé”, Vũ Trọng Phụng chú ý tới những góc khuất, những nơi tăm tối của xã hội trước Cách mạng. Ở sự vận động của tứ thơ về tình yêu, Sóng của Xuân Quỳnh thật cồn cào, da diết, còn Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn lại dịu dàng, nhẹ thoảng mà đằm sâu, lan toả mênh mang.

Hệ thống phương thức biểu hiện, các thủ pháp kĩ thuật lưu lại đậm đặc cá tính sáng tạo của tác giả, từ việc sử dụng ngôn ngữ, tổ chức kết cấu, định vị thể loại cho đến cách kể chuyện, miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm,... Câu văn Nguyễn Tuân rất linh hoạt, không theo một khuôn mẫu, chuẩn mực nhất định, đó thường là những câu văn dài, xuôi theo dòng chảy dào dạt của cảm xúc, suy tư. Kim Lân có lối khắc hoạ nhân vật giàu chất tạo hình. Nguyễn Khải rất sắc sảo khi để nhân vật độc thoại nội tâm hay đối thoại nội tâm v.v...

Phong cách văn học là cái thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác. Cái độc đáo, vẻ riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tính chất bền vững, nhất quán. Thống nhất từ cốt lõi, nhưng triển khai phải đa dạng, đổi mới. Nguyễn Trãi trong Đại cáo bình Ngô, Quân trung từ mệnh tập rất hào hùng, đanh thép, sắc bén, nhưng trong Quốc âm thi tập lại u hoài, trầm lắng, đại, nhưng thơ chữ Hán lại suy tư. Hồ Chí Minh trong truyện và kí thì hiện giàu sắc thái phương Đông cổ kính, thơ tiếng Việt đậm cốt cách dân gian.

Độc đáo một cách đa dạng, bền vững mà luôn đổi mới, nhưng phong cách còn phải có phẩm chất thẩm mĩ, nghĩa là nó phải đem lại cho người đọc một sự hưởng thụ mĩ cảm dồi dào qua những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, hay, sinh động, hấp dẫn. Chỉ khi đó dấu ấn của phong cách trong quá trình văn học mới được ghi nhớ mãi mãi, không thể phai mờ, nói một cách hình ảnh như nhà thơ Lê Đạt:

            Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
            Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ
            Không trộn lẫn

(Vân chữ)

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Quá trình văn học là gì ? Nêu các quy luật chung của quá trình văn học.

2. Xác định đặc trưng cơ bản của văn học Phục hưng, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nói vắn tắt về các trào lưu văn học hiện đại trên thế giới và các trào lưu văn học ở Việt Nam.

3. Thế nào là phong cách văn học ?

4. Phân tích những biểu hiện của phong cách văn học.

GHI NHỚ

Quá trình văn học là diễn tiến hình thành, tồn tại, thay đổi, phát triển của văn học qua các thời kì lịch sử. Hoạt động nổi bật của quá trình văn học là các trào lưu văn học. Thành tựu chính của quá trình văn học kết tinh ở các phong cách văn học độc đáo.

LUYỆN TẬP

1. Nhận xét vắn tắt sự khác biệt về đặc trưng của văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán qua truyện Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng).

2. Nêu những nét chính của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và Tố Hữu.

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 12 - Tập Một

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

toan-6-tap-2-131

Toán 6 - Tập 2

Sách Cánh Diều Lớp 6

toan-8-tap-2-918

Toán 8 - Tập 2

Sách Lớp 8 Chân Trời Sáng Tạo

tin-hoc-8-quyen-3-830

Tin Học 8 (Quyển 3)

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

lich-su-va-dia-ly-6-124

Lịch Sử Và Địa Lý 6

Sách Cánh Diều Lớp 6

vat-ly-nang-cao-815

Vật Lý Nâng Cao

Sách Vật Lý Nâng Cao. Tổng 8 chương, 60 bài

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.