Sách Giáo Khoa 247

Chuyên đề học tập Sinh học 10 - Bài 3: Công Nghệ Tế Bào Động Vật Và Thành Tựu | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Bài 3: Công Nghệ Tế Bào Động Vật Và Thành Tựu và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Chuyên đề học tập Sinh học 10 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 15)

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

  • Trình bày được các giai đoạn chung của công nghệ tế bào động vật.
  • Trình bày được các thành tựu của công nghệ tế bào động vật.
  • Phân tích được triển vọng của công nghệ tế bào động vật trong tương lai.
Việc thay thế các bộ phận bị bệnh, bị tổn thương trên cơ thể người đang gặp phải những khó khăn là thiếu nguồn tạng hiện và xảy ra hiện tượng đào thải sau ghép. Đó là những vấn đề lớn cần các nhà khoa học nghiên cứu giải quyết. Một trong các hướng nghiên cứu là sử dụng các tạng ở động vật biết môi gene có chung lại hiện tượng đào thải ở người bệnh hoặc nuôi cấy mô tế bào tạo ra các tạng để ghép cho người bệnh. Công nghệ nuôi cấy tế bào động vật còn đem lại những triển vọng nào khác trong tương lai?

I – CÁC GIAI ĐOẠN CHUNG CỦA CÔNG NGHỆ TẾ BÀO ĐỘNG VẬT

Công nghệ tế bào động vật là quy trình nuôi cấy tế bào trong điều kiện nhân tạo để chúng phân chia, phục vụ cho các mục đích nghiên cứu cũng như ứng dụng trong thực tiễn. Công nghệ nuôi cấy tế bào động vật bao gồm các giai đoạn chung:

- Chuẩn bị môi trường nuôi cấy với đầy đủ chất dinh dưỡng và các yếu tố sinh trưởng thích hợp, khử trùng môi trường và dụng cụ chứa môi trường nuôi cấy (bình thuỷ tinh,...).

- Tách tế bào từ cơ thể động vật.

- Chuyển tế bào động vật vào môi trường nuôi cấy trong các bình thuỷ tinh rồi đặt vào trong tủ nuôi cấy với chế độ nhiệt độ thích hợp để các tế bào phân chia và có thể biệt hoá thành các loại tế bào khác nhau.

Nhiều loại tế bào trong cơ thể động vật và người thường không hoặc rất ít phân chia trong điều kiện nuôi cấy nhân tạo. Nhưng tế bào bình thường nếu có phân chia cũng chỉ phân chia một số lần nhất định rồi dừng lại và chết.

Đối với một số loại tế bào ung thư, việc nuôi cấy chúng dễ dàng hơn vì tế bào phân chia liên tục không ngừng. Các tế bào (được gọi là Hela) lấy từ một khối u của một bệnh nhân người Mỹ gốc Phi là Henrietta Lacks (1920-1951) được nuôi cấy và duy trì cho tới tận ngày nay. Đây có thể xem là những tế bào bất tử vì chúng mất khả năng tự chết theo chương trình. Các dòng tế bào Hela hiện nay đã được nuôi cấy ở các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới với mục đích nghiên cứu.

Các loại tế bào dễ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm thường là những tế bào phôi sớm. Những tế bào được nuôi cấy không chỉ với mục đích gia tăng số lượng mà còn được sử dụng để biệt hoá thành nhiều loại tế bào chuyên hoá khác nhau dùng cho nghiên cứu cũng như ứng dụng trong thực tiễn. Bí quyết của quy trình công nghệ tế bào động vật là tìm được các chất kích hoạt tế bào phân chia và biệt hoá thành những loại tế bào mà người nghiên cứu cần. Nuôi cấy các tế bào chuyên hoá cho chúng phân chia và đưa chúng trở lại thành dạng tế bào gốc (giải biệt hoá) cũng là mục tiêu nghiên cứu của công nghệ tế bào động vật. 

(Trang 16)

II – MỘT SỐ THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG CỦA CÔNG NGHỆ TẾ BÀO ĐỘNG VẬT

Những thành tựu của công nghệ tế bào động vật thể hiện ở ba lĩnh vực: nhân bản vô tính động vật, liệu pháp tế bào gốc và liệu pháp gene. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết quy trình công nghệ và thành tựu của công nghệ tế bào động vật ở ba lĩnh vực này.

1. Nhân bản vô tính động vật

Nhân bản vô tính động vật là công nghệ tạo ra các con vật giống hệt nhau về kiểu gene mà không thông qua quá trình sinh sản hữu tính.

Năm 1997, Ian Wilmut và Keith Campbell cùng các cộng sự ở Viện nghiên cứu Roslin của Scotland đã nhân bản thành công một con cừu có tên là Dolly. Họ đã tiến hành chuyển nhân từ tế bào tuyến vú của một con cừu vào tế bào trứng đã loại bỏ nhân từ một con cừu khác. Tế bào trứng chuyển nhân sau đó cho phân chia và phát triển thành phôi sớm rồi cấy vào tử cung của cừu cái cho mang thai sinh ra cừu Dolly (H 3.1). Cừu con sinh ra mang đặc điểm di truyền của cừu cho tế bào tuyến vú. Cừu Dolly là động vật có vú được nhân bản đầu tiên trên thế giới. Bí quyết thành công của các nhà khoa học là họ đã đưa được nhân tế bào tuyến vú đang ở giai đoạn S hoặc G2 của chu kỳ tế bào vào giai đoạn G0 do tế bào bị bỏ đói vài ngày trong quá trình nuôi cấy. Nhờ vậy, nhân tế bào tuyến vú được đồng bộ hoá với nhân của tế bào trứng vốn đang ở giai đoạn kì giữa của giảm phân II, qua đó trứng được chuyển nhân tái khởi động quá trình phân cắt và phát triển thành cơ thể hoàn chỉnh. 

Quy trình nhân bản các loài động vật về cơ bản giống như quy trình nhân bản cừu Dolly.

Hình 3.1. Quy trình nhân bản cừu Dolly

Cừu cho nhân

Cừu cho tế bào trứng

Tế bào tuyến vú

Lấy nhân của tế bào tuyến vú

Chuyển nhân tế bào tuyến vú vào tế bào trứng đã loại nhân

Tế bào trứng đã loại nhân

Loại nhân của tế bào trứng

Cừu con giống cừu cho nhân 

Phân bào

Phôi được chuyển vào tử cung của cừu cái mang thai

(Trang 17)

Ngày nay, với quy trình công nghệ nhân bản được cải tiến không ngừng, các nhà khoa học đã nhân bản thành công nhiều loại động vật như bò, lợn, cừu, ngựa, lừa, mèo, chó, khỉ và nhiều loại động vật có vú khác. Năm 2021, các nhà khoa học ở Viện Chăn nuôi Quốc gia Việt Nam lần đầu tiên nhân bản thành công được một con lợn ỉ, một giống lợn quý của nước ta.

Nhân bản vật nuôi không chỉ nhằm mục đích sản sinh ra nhiều cá thể có cùng kiểu gene ưu việt mà chúng còn được dùng như những “nhà máy” sản xuất thuốc chữa bệnh cho người. Ví dụ: Động vật nhân bản có thêm gene của người sản sinh ra các protein dùng để chữa một số bệnh di truyền ở người, như để chuyển gene sản sinh ra protein của người và tiết vào sữa, protein này dễ dàng được tách chiết và tinh chế để dùng làm thuốc chữa bệnh di truyền rối loạn đông máu.

Năm 2003, các nhà khoa học đã nhân bản thành công một con bò bằng cách lấy nhân từ tế bào da của một con bò đông lạnh đã chết từ năm 1980 cấy vào tế bào trứng đã bị loại bỏ nhân. Thành công này mở ra một hướng ứng dụng mới của nhân bản vô tính ở động vật, giúp gia tăng số lượng cá thể động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Mặc dù nhân bản vô tính đã thành công ở nhiều loài động vật, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Tỉ lệ nhân bản thành công ở nhiều loài động vật là rất thấp, các con vật nhân bản không sống được lâu (cừu Dolly chỉ sống được 6 năm),  nhiều con mắc bệnh. Điều này chứng tỏ việc tái lập trình hệ gene từ tế bào cho nhân vẫn không được diễn ra một cách hoàn hảo trong tế bào trứng. Một số gene có thể đã không được đóng/mở đúng thời điểm trong quá trình phát triển cá thể.

? DỪNG LẠI VÀ SUY NGẪM

1. Trình bày khái quát quy trình nhân bản vô tính động vật.

2. Nêu nguyên nhân khiến việc nhân bản vô tính động vật vẫn chưa thực sự thành công.

2. Liệu pháp tế bào gốc

Liệu pháp tế bào gốc là phương pháp chữa bệnh bằng cách truyền tế bào gốc được nuôi cấy ngoài cơ thể vào người bệnh. Khi vào trong cơ thể, các tế bào này sẽ biệt hoá thành các tế bào bị bệnh hoặc tổn thương, thay thế các tế bào bị bệnh.

Tế bào gốc sử dụng có thể là tế bào phôi, tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc cảm ứng. Các tế bào gốc có thể được lấy từ những phôi thụ tinh trong ống nghiệm giai đoạn 6 ngày tuổi. Tế bào gốc phôi được lấy ra rồi nuôi trong môi trường nhân tạo (H 3.2). 

(Trang 18)

Hình 3.2. Quy trình cấy ghép tế bào gốc và biệt hoá thành các loại tế bào để thay thế các tế bào bị bệnh ở người.

Trứng thụ tinh với tinh trùng

Hợp tử

Phôi

Nuôi cấy tế bào gốc

Tế bào thần kinh 

Tế bào tim

Tế bào biểu bì

Tế bào niêm mạc ruột

Tế bào sụn

Tế bào gốc cũng có thể được lấy từ các thai bị sảy hoặc được tạo ra bằng nhiều cách khác. Tuy vậy, truyền tế bào gốc phôi từ một cơ thể vào một cơ thể khác cũng có thể gặp phản ứng đào thải các tế bào lạ của hệ miễn dịch.

Những năm gần đây, các nhà khoa học đã thành công nuôi cấy nhiều loại tế bào gốc trưởng thành từ mô và cơ quan của người rồi đem nuôi cấy trong môi trường nhân tạo. Ví dụ: tế bào gốc lấy từ mẫu cuống rốn trẻ sơ sinh được bảo quản lâu dài ở điều kiện lạnh sâu là một nguồn tế bào gốc hứa hẹn dùng để chữa bệnh. Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng tế bào gốc tự thân (của chính bệnh nhân) là không kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại tế bào của cơ thể.

Liệu pháp tế bào gốc đang được ứng dụng trong việc hỗ trợ chữa trị một số bệnh ung thư ở người. Trong điều trị ung thư, người ta hay sử dụng tia phóng xạ hoặc hoá chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, tia phóng xạ và hoá chất không chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà còn tiêu diệt các tế bào bình thường phân chia mạnh (ví dụ: tế bào máu). Do đó, cách điều trị này gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Để giúp người bệnh có thể phục hồi các tế bào lành bị tổn thương như các loại tế bào máu, trong đó có các loại tế bào của hệ miễn dịch, người ta thường tách chiết các tế bào gốc trưởng thành từ người bệnh, đem nhân nuôi trong điều kiện nhân tạo rồi tiêm trở lại cho bệnh nhân.

Liệu pháp tế bào gốc cũng đã được thử nghiệm để chữa bệnh tiểu đường type 1. Tế bào tuyến tuỵ của người bệnh không còn khả năng tổng hợp hormone insulin, vì vậy việc dùng tế bào gốc khoẻ mạnh đưa vào tuyến tuỵ để thay thế tế bào bệnh là một hướng đi đầy hứa hẹn.

(Trang 19)

Một hướng nghiên cứu khác là nuôi cấy các tế bào chuyển hoá khoẻ mạnh từ người bệnh, sau đó giải biệt hoá cho chúng trở lại thành các tế bào gốc đa tiềm năng. Các tế bào gốc đa tiềm năng này sẽ được biệt hoá thành tế bào chuyển hoá khác nhau, thay thế cho các tế bào bị bệnh. Bằng công nghệ này, các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng dùng tế bào gốc để chữa bệnh mù do thoái hoá điểm vàng ở người cao tuổi. Kết quả cho thấy tình trạng bệnh đã được cải thiện.

Bằng liệu pháp tế bào gốc, người ta cũng giải quyết nhiều bệnh về hệ thần kinh như bệnh Parkinson, người có cơ tim bị tổn thương do đột quỵ hay bị tổn thương các tế bào thần kinh.

Liệu pháp tế bào gốc giúp chữa được nhiều bệnh nhưng việc dùng tế bào gốc phôi người để chữa bệnh vẫn còn một số quan ngại về vấn đề đạo đức. Một số nước cho rằng phá thai phôi là vi phạm đạo đức. Việc này cũng gây tranh cãi về mặt pháp lý và xã hội. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu tạo ra tế bào gốc trưởng thành để sử dụng trong việc chữa bệnh bằng liệu pháp tế bào gốc.

? DỪNG LẠI VÀ SUY NGẪM

1. Người ta có thể tạo ra các tế bào gốc để chữa bệnh bằng cách nào?

2. Nêu một số thành tựu sử dụng tế bào gốc để chữa bệnh ở người.

3. Liệu pháp gene

Liệu pháp gene là phương pháp chữa bệnh di truyền bằng việc thay thế gene bệnh bằng gene lành. Để làm được điều này, các nhà khoa học phải giải quyết một số vấn đề cơ bản:

- Nhân và nuôi tế bào trong ống nghiệm, chỉnh sửa gene hoặc thay thế gene bệnh của tế bào bằng gene lành.

- Sàng lọc các tế bào đã được chỉnh sửa gene và nhân bản trong ống nghiệm.

- Truyền các tế bào đã chỉnh sửa gene vào cơ thể bệnh nhân.

Liệu pháp gene chỉ sử dụng được cho người bị bệnh di truyền do hỏng một gene nhất định và tế bào bị bệnh phải thuộc loại tế bào liên tục phân chia trong suốt cuộc đời của bệnh nhân.

Các bước cơ bản trong liệu pháp gene được trình bày trong hình 3.3.

Hình 3.3. Các bước cơ bản trong liệu pháp gene.

Bước 1: Nuôi cấy tế bào gốc (tế bào gốc lấy từ người bệnh hoặc người phù hợp)

Bước 2: Tế bào gốc được thay thế gene lành, chỉnh sửa gene hoặc chuyển gene bệnh thành nhiều tế bào

Bước 3: Tiêm trở lại cơ thể người bệnh.

Liệu pháp gene được thử nghiệm trên động vật gồm hai loại: liệu pháp tế bào mầm và liệu pháp tế bào cơ thể (soma).

Trong liệu pháp tế bào mầm, người ta tiến hành đưa gene lành vào để thay thế gene bệnh trong tế bào gốc phôi, sau đó đưa các tế bào này vào trong phôi rồi cấy phôi vào tử cung của con vật cho mang thai. Con vật sinh ra sẽ là dạng khảm vì có vùng chứa các tế bào đã được chỉnh sửa gene, có vùng không chứa các tế bào đã chỉnh sửa gene. Tuyến sinh dục của con vật có thể chứa các tế bào đã được chỉnh sửa gene, vì thế gene chỉnh sửa có thể được truyền cho thế hệ sau (H 3.4a).

Liệu pháp tế bào soma cũng với cách làm tương tự nhưng người ta tiêm trực tiếp các tế bào đã chuyển gene vào cơ thể con vật (H 3.4b).

Hình 3.4. Liệu pháp tế bào mầm (a) và liệu pháp tế bào cơ thể (soma) (b).

Gene cần chuyển -> Tế bào chuyển gene -> Giai đoạn phôi nang -> Tuyến sinh dục khảm.

Gene cần chuyển -> Tế bào soma khảm -> Dòng tế bào chuyển gene.

Năm 2000, tại Pháp, các nhà khoa học đã dùng liệu pháp gene (liệu pháp tế bào soma) để chữa bệnh di truyền cho ba bệnh nhân mắc bệnh suy giảm miễn dịch do hỏng một gene trong tế bào tuỷ xương. Các tế bào tuỷ xương của bệnh nhân được lấy ra, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và được thay thế gene bệnh bằng gene lành nhỏ một loại gene truyền là retrovirus. Loại virus dùng làm gene truyền là loại đã được cắt bỏ những gene quan trọng khiến virus không thể tự nhân lên trong tế bào nhưng không thể gây bệnh.

(Trang 21)

Virus làm gene truyền chỉ có nhiệm vụ cài gene cần chuyển vào hệ gene của tế bào nhận như cách chúng vẫn làm khi xâm nhập vào tế bào người. Tế bào tuỷ xương đã thay thế gene sau đó được tiêm trở lại cho bệnh nhân. Tế bào tuỷ xương của các bệnh nhân đã sản sinh ra được protein mà trước đó bị thiếu, như vậy thử nghiệm đã thành công. Tuy nhiên, một thời gian sau, ba bệnh nhân đều bị bệnh ung thư bạch huyết và một trong số họ đã chết. Nguyên nhân được cho là retrovirus đã cài gene lành vào nhiễm sắc thể người chưa đúng vị trí, dẫn đến kích hoạt gene làm cho tế bào bạch cầu phân chia mất kiểm soát.

Bệnh xơ nang cũng có thể được chữa trị bằng liệu pháp gene (H 3.5). Bệnh nhân mang gene đột biến CFTR tạo ra protein CFTR không bình thường nên tế bào niêm mạc phổi bị bao bọc bởi quá nhiều dịch nhầy cản trở quá trình hô hấp. Gene bình thường được truyền vào tế bào phổi của bệnh nhân thông qua vector là virus.

Hình 3.5. Quy trình liệu pháp gene dùng virus làm vector mang gene lành thay gene bệnh trong tế bào của người bệnh nhân bị bệnh xơ nang.

① Tế bào lấy từ bệnh nhân 

② Virus được biến đổi dùng làm vector 

③ Gene bình thường được đưa vào virus 

④ Nhiễm virus vào tế bào

⑤ Tiêm các tế bào biến đổi gene vào cơ thể bệnh nhân

⑥ Tế bào bị biến đổi gene sản sinh ra protein mong muốn.

(Trang 22)

4. Triển vọng công nghệ tế bào động vật

Hiện nay, các nhà khoa học đang cố gắng hoàn thiện kĩ thuật đưa gene lành vào thay thế gene bệnh trong liệu pháp gene. Một trong những hướng triển vọng trong liệu pháp gene là dùng công cụ chỉnh sửa gene được gọi là CRISPR/Cas9. Đây là một phức hợp enzyme gồm các RNA dẫn đường và DNA thay thế. Khi đưa được vào trong tế bào, chúng có thể tìm kiếm gene đích, cắt bỏ gene bệnh và thay thế gene lành đúng vị trí hoặc chỉnh sửa những sai sót trong gene bệnh. Để các chương trình nghiên cứu sử dụng CRISPR/Cas9 cải tiến để chỉnh sửa gene gây bệnh hồng cầu hình liềm. Bệnh hemoglobin bị đột biến dẫn đến làm biến dạng hồng cầu thành hình liềm và những tế bào này kết dính với nhau gây tắc mạch máu. Hi vọng trong tương lai, những nghiên cứu như vậy giúp chúng ta có thể chữa liệu pháp gene vào chữa trị được một số bệnh di truyền một cách an toàn.

Nuôi cấy tế bào còn được dùng để sản xuất ra các protein chữa bệnh cho người. Hiện nay, các nhà khoa học không chỉ nuôi cấy được các tế bào gốc phôi mà còn nuôi cấy được nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể người và động vật nhằm mục đích nghiên cứu chuyên hoá các loại tế bào, nghiên cứu quá trình biệt hoá các tế bào gốc phôi thành các tế bào chuyên hoá khác nhau cũng như nghiên cứu giải biệt hoá các  tế bào chuyên hoá trở lại thành các tế bào gốc toàn năng.

Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ tế bào kết hợp với công nghệ di truyền sẽ tạo ra các con vật mang gene người, dùng làm mô hình nghiên cứu sự phát sinh bệnh. Nhờ đó, nghiên cứu và chế tạo được thuốc chữa bệnh ở giai đoạn sớm.

Trong tương lai, công nghệ tế bào động vật không chỉ nuôi cấy tạo ra các mô, cơ quan, tạng mà còn giúp tăng sinh khối, cung cấp nguồn tế bào cho công nghệ nghiên cứu, nhân bản vô tính, sản xuất thịt nhân tạo, cung cấp nguồn tế bào cho nghiên cứu bệnh virus.

? DỪNG LẠI VÀ SUY NGẪM

1. Liệu pháp gene là gì? Trình bày các bước tiến hành trong liệu pháp gene.

2. Trình bày sự khác biệt giữa liệu pháp tế bào mầm sinh dục và liệu pháp tế bào cơ thể.

3. Nêu một số thử nghiệm về liệu pháp gene ở người.

(Trang 23)

KIẾN THỨC CỐT LÕI

  • Công nghệ tế bào động vật là quy trình nuôi cấy tế bào trong điều kiện nhân tạo để chúng phân chia, phục vụ cho các mục đích nghiên cứu cũng như ứng dụng trong thực tiễn.
  • Nhân bản vô tính động vật nuôi được thực hiện bằng cách lấy nhân từ tế bào cơ thể của con vật cần nhân bản chuyển vào tế bào trứng đã được loại bỏ nhân. Trứng được chuyển nhân sau đó được nuôi cho phát triển thành phôi và phát triển thành cá thể nhân bản. Các con vật nhân bản có kiểu gene giống nhau và giống với con vật cho nhân tế bào.
  • Liệu pháp tế bào gốc là phương pháp sử dụng tế bào gốc truyền vào cơ thể để thay thế các tế bào bị bệnh của cơ thể.
  • Liệu pháp gene là phương pháp thay thế gene bệnh bằng gene lành trong tế bào, được thực hiện bên ngoài cơ thể. Các tế bào được thay thế gene sau đó được truyền trở lại cho người bệnh.
  • Công nghệ tế bào động vật mở ra triển vọng trong việc tạo ra các mô, cơ quan từ tế bào nhằm phục vụ cho nghiên cứu và chữa bệnh.

LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG

1. Nêu các triển vọng của việc nhân bản vô tính động vật.

2. Liệu pháp gene cần phải khắc phục những trở ngại gì để có thể đưa vào sử dụng trong thực tế?

3. Sử dụng tế bào gốc có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư như thế nào?

4. Sử dụng tế bào gốc gây nên những quan ngại gì về vấn đề đạo đức?

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Chuyên đề học tập Sinh học 10

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 10 - Tập Một

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Cơ Bản Tập 1.

Ngữ Văn 10 - Tập Hai

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Cơ Bản Tập 2. Tổng 35 tuần.

Ngữ Văn 10 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 1. Tổng 18 tuần

Ngữ Văn 10 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 2. Tổng 35 tuần.

Đại Số 10

Sách Toán Đại Số Lớp 10 (Thường/Cơ bản). Tổng 6 chương và 30 bài.

Đại Số 10 (Nâng Cao)

Sách Toán Đại Số Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 6 chương, 34 bài.

Hình Học 10

Sách Toán Hình Học Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 3 chương, 10 bài.

Hình Học 10 (Nâng Cao)

Sách Toán Hình Học Lớp 10 (Nâng Cao). Tổng 3 chươn, 20 bài.

Hoá Học 10

Sách Hoá Học Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 7 chương, 41 bài.

Hoá Học 10 (Nâng Cao)

Sách Hoá Học Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 7 chương, 53 bài.

Vật Lí 10

Sách Vật Lí Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 7 chương, 41 bài

Vật Lí 10 (Nâng Cao)

Sách Vật Lí Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 8 chương, 60 bài.

Gợi ý cho bạn

giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-10-3711

Giáo Dục Quốc Phòng Và An Ninh 10

Kết Nối Tri Thức Giáo Dục Quốc Phòng Và An Ninh 10

giao-duc-the-chat-6-121

Giáo Dục Thể Chất 6

Sách Cánh Diều Lớp 6

tieng-anh-9-explore-english-951

Tiếng Anh 9 (Explore English)

Sách Lớp 9 Cánh Diều

giao-duc-the-chat-7-890

Giáo Dục Thể Chất 7

Sách Lớp 7 Chân Trời Sáng Tạo

dao-duc-1-6

Đạo đức 1

Sách Lớp 1 Cánh Diều

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.