Sách Giáo Khoa 247

Ngữ văn 10 - Tập 2 - Đọc | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Đọc và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ văn 10 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 37)

Yêu cầu cần đạt

• Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện như: người kể chuyện ngôi thứ ba và người kể chuyện ngôi thứ nhất, điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật.

• Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo mà người viết thể hiện qua văn bản; phát hiện được các giá trị đạo đức, văn hoá từ văn bản.

• Hiểu tác dụng của biện pháp chêm xen, biện pháp liệt kê; biết cách vận dụng các biện pháp này vào việc tạo câu.

• Viết được một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của một tác phẩm văn học.

• Biết thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau; đưa ra được những căn cứ thuyết phục; tôn trọng người đối thoại.

• Yêu thương và có trách nhiệm đối với con người, cuộc sống.

TRI THỨC NGỮ VĂN

Người kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Người kể chuyện ngôi thứ nhất là người kể xưng “tôi” hoặc một hình thức tự xưng tương đương. Tuỳ theo mức độ tham gia vào mạch vận động cốt truyện, người kể chuyện ngôi thứ nhất có thể là nhân vật chính, nhân vật phụ, người chứng kiến, người kể lại câu chuyện được nghe từ người khác hay xuất hiện với vai trò tác giả “lộ diện”. Người kể chuyện ngôi thứ nhất thường là người kể chuyện hạn tri (không biết hết mọi chuyện), trừ trường hợp ở vai trò tác giả “lộ diện" vận dụng quyền năng “biết hết" của mình.

(Trang 38)

Người kể chuyện ngôi thứ ba là người kể chuyện ẩn danh, không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm như một nhân vật, không tham gia vào mạch vận động của cốt truyện và chỉ được nhận biết qua lời kể. Người kể chuyện ngôi thứ ba có khả năng nắm bắt tất cả những gì diễn ra trong câu chuyện, kể cả những biểu hiện sâu kín trong nội tâm nhân vật, do vậy có khả năng trở thành người kể chuyện toàn tri (biết hết mọi chuyện), song người kể chuyện ngôi thứ ba có sử dụng quyền năng toàn tri hay không còn tuỳ thuộc vào nguyên tắc tổ chức truyện kể của từng tác phẩm.

Người kể chuyện, dù ở ngôi thứ nhất hay thứ ba, đều kể chuyện từ điểm nhìn nhất định, qua hệ thống lời kể. Lời người kể chuyện là lời kể, tả, bình luận của người kể chuyện, có chức năng khắc hoạ bối cảnh, thời gian, không gian, miêu tả sự việc, nhân vật, thể hiện cách nhìn nhận, thái độ đánh giá đối với sự việc, nhân vật. Lời của người kể chuyện phân biệt với lời nhân vật – thuật ngữ chỉ lời nói gắn với ý thức và cách thể hiện của nhân vật bằng hình thức lời nói trực tiếp hay gián tiếp.

Từ điểm nhìn và hệ thống lời người kể chuyện, lời nhân vật, các phương diện của bức tranh đời sống và nhân vật được hiển hiện để người đọc tri nhận. Quyền năng của người kể chuyện thể hiện ở phạm vi miêu tả, phân tích, lí giải và mức độ định hướng đọc trong việc cắt nghĩa, đánh giá sự kiện, nhân vật được khắc hoạ trong tác phẩm văn học.

Cảm hứng chủ đạo

Cảm hứng chủ đạo của một tác phẩm văn học là tình cảm, thái độ được thể hiện xuyên suốt tác phẩm đối với những vấn đề cuộc sống được nêu ra. Cảm hứng chủ đạo chi phối hình thức thể hiện, toát lên từ toàn bộ tác phẩm và có khả năng tác động mạnh vào cảm xúc của người tiếp nhận.

Biện pháp chêm xen và biện pháp liệt kê

Chêm xen là xen một từ, một cụm từ vào câu nhằm giải thích, thêm ý cho câu hoặc hướng tới mục đích tu từ.

Liệt kê là nêu một chuỗi yếu tố cùng loại nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn về đối tượng cần nhấn mạnh trong câu, trong đoạn của văn bản hoặc hướng tới mục đích tu từ.

(Trang 39)

VĂN BẢN 1

Người cầm quyền khôi phục uy quyền

(Trích Những người khốn khổ)

---------------------------------

Vích-to Huy-gô (Victor Hugo)

---------------------------------

• Bạn hình dung như thế nào về một con người có uy quyền?

• Bạn đã từng đọc cuốn sách hay xem bộ phim nào mà trong đó có nhân vật thực sự là một người uy quyền? Bạn hãy chia sẻ ấn tượng của mình về nhân vật ấy.

Ma-đơ-len (Madeleine) là thị trưởng thị trấn Mông-tơ-rơi (Montreuil) và là ông chủ của một nhà máy đặt tại đây. Để cứu một người vô tội bị cảnh sát nhận nhầm là Giăng Van-giăng (Jean Valjean ) – kẻ đang bị pháp luật truy nã, ông đã đến toà thú nhận chính mình mới là người toà cần tìm. Vì điều này, ông phải đối diện với tình huống đầy kịch tính: bị thanh tra Gia-ve (Javert) lập tức đem người đến bắt trong khi ông chưa kịp thực hiện lời hứa hệ trọng với Phăng-tin (Fantine), một nữ công nhân bất hạnh đang nằm trên giường bệnh. Cuộc chạm trán giữa ông với Gia-ve diễn ra tại bệnh xá, nơi Phăng-tin đang nóng lòng chờ gặp đứa con gái thân yêu mà chị ngỡ đã được ông thị trưởng giúp đưa về...

Từ ngày ông Ma-đơ-len gỡ cho Phăng-tin thoát khỏi bàn tay Gia-ve, chị không gặp lại hắn lần nào nữa. Lần này đầu óc ốm yếu của chị không hiểu được một cái gì cả, nhưng chị đinh ninh rằng hắn lại đến để bắt chị. Chị không thể chịu đựng bộ mặt gớm ghiếc ấy. Chị thấy như tắt thở. Chị lấy tay che mặt và kêu lên, giọng kinh hoàng:

Hoàn cảnh và tình trạng của Phăng-tin được miêu tả như thế nào?

– Ông Ma-đơ-len, cứu tôi với!
Giăng Van-giăng – từ giờ chúng ta cứ cái tên này mà gọi – đứng dậy. Ông vẫn nhẹ nhàng, điềm tĩnh bảo Phăng-tin:

– Cứ yên tâm. Không phải nó đến bắt chị đâu.

Rồi ông quay lại nói với Gia-ve:

– Tôi biết là anh muốn gì rồi.

Gia-ve đáp:

–  Mau lên!

Vì sao người kể chuyện lại lưu ý “từ giờ chúng ta cứ cái tên này mà gọi”?

(Trang 40)

Trong điệu hắn nói lên hai tiếng ấy có cái gì man rợ, điên cuồng. Gia-ve không nói: “Mau lên!”, hắn nói: “Mau-u lêênh!”. Không có vần nào ghi nổi giọng nói của hắn. Không phải là tiếng người nói mà là tiếng ác thú gầm.

Chú ý cách miêu tả  giọng nói của Gia-ve.

Hắn không làm như thường lệ. Hắn không mào đầu gì cả. Hắn không chìa tờ trát truy nã ra. Hắn coi Giăng Van-giăng như một kẻ đấu thủ bí hiểm và có tài lẩn tránh, một đồ vật lạ lùng hắn đã ôm ghì được từ năm năm nay mà không đánh ngã nổi. Lần này bắt được không phải là bắt đầu mà là kết thúc vậy.

Hắn chỉ cần bảo: Mau lên!

Nói xong, hắn cứ đứng lì một chỗ. Cặp mắt hắn gắn chặt vào Giăng Van-giăng. Cái nhìn cứ như có móc, móc vào người Giăng Van-giăng. Chính với cái nhìn ấy hắn đã quen lôi vào tròng của hắn bao nhiêu kẻ khốn khổ!

Chính cái nhìn ấy hai tháng trước đây Phăng-tin đã thấy đi thấu vào đến tận xương tuỷ của chị.

Nghe thấy tiếng Gia-ve, Phăng-tin lại mở mắt ra. Nhưng ông thị trưởng vẫn đứng đó. Chị còn sợ gì nữa?

Gia-ve tiến vào giữa phòng và hét lên:

– Thế nào! Mày có đi không?

Người đàn bà khốn khổ nhìn chung quanh. Chỉ có bà xơ với ông thị trưởng thôi, ngoài ra không còn ai nữa. Thế thì nó mày tao thô bỉ với ai vậy? Tất cả là với chị thôi. Chị rùng mình.

Rồi chị còn trông thấy một sự vô lí, vô lí đến nỗi ngay trong những cơn sốt mê sảng hãi hùng nhất chị cũng không hề thấy có điều như vậy.

Chị trông thấy tên chó săn Gia-ve tóm cổ ông thị trưởng và chị thấy ông thị trưởng cúi đầu. Chị tưởng như cả thế giới đang tan biến. Quả vậy, Gia-ve đã túm cổ áo Giăng Van-giăng.

Chị kêu:

– Ông thị trưởng ơi!

Gia-ve phá lên cười, cái cười làm hắn nhe cả hai hàm răng:

– Ở đây làm gì còn có ông thị trưởng nữa!

Giăng Van-giăng không giằng tay hắn ra, chỉ nói:

– Gia-ve...

Tại sao Phăng-tin cảm thấy “cả thế giới đang tan biến"?

(Trang 41)

Gia-ve ngắt lời ngay:

– Gọi ta là ông thanh tra.

– Thưa ông, tôi muốn nói riêng với ông câu này.

– Nói to, nói to lên! Ai nói gì với ta thì phải nói to!

Giăng Van-giăng vẫn thì thầm:

– Tôi cầu xin ông có một điều...

– Ta bảo mày nói to lên cơ mà.

– Ta không cần, ta không nghe!

Giăng Van-giăng ghé gần hắn và hạ giọng nói thật nhanh:

Chú ý ngôn ngữ ra lệnh của Gia-ve và ngôn ngữ của Giăng Van-giăng qua lời đối thoại.

– Xin ông thư cho ba ngày! Ba ngày để đi tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương này! Phải hết bao nhiêu tiền tôi cũng trả. Nếu cần thì ông cứ đi kèm tôi cũng được.

Gia-ve quát:

– Mày đùa ư? Ồ thằng này, tao không ngờ mày lại ngu ngốc thế! Mày xin tao ba ngày để chuồn hả! Mày bảo mày đi tìm đứa con cho con này hử! Á à! Tốt, tốt! Tốt thật!

Phăng-tin run lên bần bật:

– Con tôi! Đi tìm con tôi! Thế ra nó chưa đến đây sao(1)! Bà xơ ơi! Cho tôi biết con Cô-dét (Cosette) đâu? Tôi cần gặp con tôi! Ông Ma-đơ-len ơi! Ông thị trưởng ơi!

Phăng-tin có phản ứng và cảm xúc như thế nào khi nghe nhắc đến đứa con gái của mình?

Gia-ve giậm chân:

– Giờ lại đến lượt con này nữa! Con khỉ, có câm họng không! Cái xứ chó đểu gì mà những thằng tù đi đày thì làm ông nọ ông kia, còn lũ gái điếm thì được chạy chữa như những bà hoàng! Nhưng mà rồi phải thay đổi lại hết: đã đến lúc rồi.

Chú ý thái độ của Gia-ve khi nói về Giăng Van-giǎng.

Hắn nhìn Phăng-tin trừng trừng túm lấy cổ áo và ca-vát của Giăng Van-giăng và thêm:

– Tao đã bảo không có ông Ma-đơ-len, ông thị trưởng nào cả. Chỉ có một thằng ăn cắp, một thằng kẻ cướp, một thằng tù khổ sai tên là Giăng Van-giăng! Tao bắt được thằng ấy đây này! Chỉ có thế thôi!

Phăng-tin chống hai cánh tay gầy guộc vùng nhổm dậy. Chị nhìn Giăng Van-giăng, chị nhìn Gia-ve rồi lại nhìn bà xơ. Chị há miệng như muốn nói gì. Cổ họng có tiếng nấc lên, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Chị hoảng hốt giơ tay lên, hai bàn tay cố sức mở ra tìm lấy chỗ bám như người ngã xuống nước đương chới với. Bỗng chị ngã vật

---------------------------
(1) Trước đó, để Phăng-tin yên tâm, Giăng Van-giăng đã nói dối chị rằng ông đã cho đón Cô-dét về.

(Trang 42)

xuống gối. Đầu chị đập vào thành giường và gục xuống, miệng há hốc, hai mắt trợn ngược và hết thần.

Phăng-tin đã tắt thở.

Giăng Van-giăng để tay lên bàn tay Gia-ve đương nắm cổ áo ông ta, gỡ tay hắn ra như gỡ bàn tay trẻ con và bảo hắn:

– Anh đã giết chết người đàn bà này rồi đó.

Gia-ve phát khùng lên:

– Đừng có lôi thôi! Tao không đến đây để nghe lí sự. Dẹp những cái đó lại. Lính đứng sẵn cả dưới nhà rồi. Đi ngay, không thì ông cùm tay lại bây giờ!

Trong góc phòng có chiếc giường sắt cũ đã hư hỏng nhiều, để các bà xơ ngả lưng những đêm phải thức canh con bệnh. Giăng Van-giăng đến bên giường, trong chớp mắt giật gãy cái gióng chính cầm lăm lăm trong tay. Việc ấy đối với sức ông không khó, cái giường vốn đã long sẵn. Ông trợn mắt nhìn Gia-ve, Gia-ve lùi ra phía cửa. Giăng Van-giăng tay vẫn cầm thanh sắt, từ từ đến chỗ giường Phăng-tin. Đến nơi, ông quay lại nói với Gia-ve giọng rất khẽ, cố ý mới nghe rõ

– Tôi khuyên anh đừng có quấy rầy tôi lúc này.

Sự thật Gia-ve run sợ.

Tại sao Gia-ve lại thấy run sợ?

Hắn định đi gọi bọn lính, nhưng lại lo Giăng Van-giăng thừa cơ trốn mất. Hắn phải đứng yên đó, tay nắm lấy đầu gậy, lưng tựa vào khung cửa, mắt vẫn không rời Giăng Van-giǎng.

Giăng Van-giăng tì khuỷu tay lên trụ đầu giường, bàn tay ôm trán, ngồi ngắm Phăng-tin nằm dài không nhúc nhích. Ông ngồi như thế, mải miết, yên lặng, tâm trí rõ ràng chẳng nghĩ đến một điều gì ở trên đời này nữa. Trong nét mặt và dáng điệu ông chỉ thấy có mỗi một nỗi xót thương vô hạn. Mơ màng một lúc lâu, ông mới ghé lại gần và thì thầm bên tai Phăng-tin.

Chú ý hình thức câu hỏi trong lời của người kể chuyện.

Ông nói gì? Con người khổ sở ấy có thể nói gì với người đã chết? Những lời ấy là lời gì vậy? Người ở dương gian này không một ai được biết. Kẻ đã chết có nghe thấy không? Có những ảo tưởng rất cảm động, đồng thời lại có thể là những sự thực cao cả. Điều không ai nghi ngờ là bà xơ Xem-pơ-lít (Simplice), người độc nhất chứng kiến cảnh ấy, thường kể lại rằng lúc Giăng Van-giăng ghé vào tai Phăng-tin thì thầm như thế, thì bà trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt đờ đẫn, ngac nhiên của chị.

Giăng Van-giăng lấy hai tay nâng đầu Phăng-tin lên, đặt ngay ngắn giữa gối như một người mẹ sửa soạn cho con. Ông thắt lại dây rút cổ áo chị, vén gọn mớ tóc vào trong chiếc mũ vải. Xong, ông vuốt mắt cho chị.

(Trang 43)

Lúc ấy trông mặt Phăng-tin như sáng rỡ lên một cách lạ thường.

Chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại của Chúa.

Tay Phăng-tin vẫn bỏ thõng ra ngoài giường. Giăng Van-giăng quỳ xuống khẽ nâng lên và đặt vào đấy một cái hôn.

Xong ông đứng dậy, quay về phía Gia-ve:

– Giờ anh muốn làm gì thì làm.

Thái độ của Giăng Van-giăng đối với Gia-va thể hiện ở câu nói sau cùng trong đoạn trích.

(Vich-to Huy-gô, Những người khốn khổ, tập một, Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1987, tr. 422 – 427)

Vich-to Huy-gô (1802 – 1885) là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch người Pháp. Ông là nhà văn lãng mạn lớn nhất của văn học Pháp thế kỉ XIX. Các tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Vich-to Huy-gô: Nhà thờ Đức Bà Pa-ri (Paris) (tiểu thuyết, 1831), Những người khốn khổ (tiểu thuyết, 1862), Lao động biển cả (tiểu thuyết, 1866), Thằng cười (tiểu thuyết, 1869), Chín mươi ba (tiểu thuyết, 1874); Lá thu (tập thơ, 1831), Trầm tư (tập thơ, 1856), Truyền kỉ các thế kỉ (tập thơ, 1859); Éc-na-ni (Hernani, kịch, 1830).

Vich-to Huy-gô

Những người khốn khổ là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Vich-to Huy-gô. Bối cảnh của tác phẩm là nước Pháp những năm đầu thế kỉ XIX. Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết là Giăng Van-giăng, một người lao động nghèo bị kết án tù khổ sai mười chín năm: năm năm vì tội ăn cắp bánh mì để nuôi đàn cháu đói khổ cộng mười bốn năm do nhiều lần tìm cách vượt ngục. Khi mãn hạn tù, Giăng Van-giăng mang tâm lí thù ghét xã hội bởi không một ai muốn chứa chấp kẻ có quá khứ là tù nhân. Nhờ tình thương vô điều kiện của giám mục Mi-ri-en (Myriel), người không chỉ cho ông một chỗ nghỉ, bỏ qua việc ông đã ăn cắp bộ đồ ăn bằng bạc mà còn tặng cho ông một bộ chân nến, Giăng Van-giăng được cảm hoá. Tuy nhiên, mới vừa ra khỏi tu viện của giám mục Mi-ri-en, Giăng Van-giăng đã lại phạm tội khi cướp bốn mươi xu của bé Giéc-ve (Gervais) trong tâm trạng rối bời. Ngay lúc đó, Giăng Van-giăng đã thấy vô cùng ân hận vì hành vi xuất phát từ thói quen này; ông muốn chuộc lại lỗi lầm nhưng không được vì cậu bé đã sợ hãi bỏ chạy. Do vụ việc đó, Giăng Van-giăng lại phải lần nữa tìm cách lẩn trốn sự truy bắt của cảnh sát.

(Trang 44)

Sáu năm sau, Giăng Van-giăng đổi tên thành Ma-đơ-len và đến sống tại thị trấn Mông-tơ-rơi. Nhờ giỏi tổ chức, quản lí lao động, ông trở thành chủ nhà máy giàu có, luôn giúp đỡ mọi người và được bầu làm thị trưởng của thị trấn. Tuy nhiên, ông thường xuyên bị thanh tra Gia-ve (người luôn ngờ vực về nhân thân của ông) rình mò, theo dõi. Ở nhà máy của Giăng Van-giăng có một nữ công nhân tên là Phăng-tin. Trong quá khứ, chị là một người nhẹ dạ, bị một gã chơi bời lừa gạt, bỏ rơi, sau khi sinh một bé gái với hắn, là Cô-dét. Khi sự thật này bị phát hiện, Phăng-tin bị giám thị của nhà máy sa thải, chị đành phải gửi con cho hai vợ chồng gã chủ quán lưu manh là Tê-nác-đi-ê (Thenardie), chấp nhận làm gái điếm để có tiền nuôi con, rồi lâm bệnh do kiệt sức. Một lần, vì phản ứng lại sự trêu chọc tàn nhẫn của một gã tư sản, chị bị Gia-ve bắt giữ và phạt sáu tháng tù giam. Ma-đơ-len thấy có trách nhiệm trong việc này bởi nhà máy của ông đã sa thải Phăng-tin với lí do không chính đáng nên đã tìm cách can thiệp, buộc Gia-ve phải trả tự do cho chị. Ông đưa Phăng-tin khi đó đang ốm rất nặng vào bệnh xá và hứa sẽ đem Cô-dét về với chị. Gia-ve tìm đến Ma-đơ-len, thú nhận sau khi bị ép phải trả tự do cho Phăng-tin, hắn đã báo cáo với chính quyền về sự nghi ngờ của mình, rằng Ma-đơ-len chính là Giăng Van-giăng. Nhưng khi ấy, toà án lại xác nhận nhầm một người khác là Giăng Van-giăng và chuẩn bị đưa người đó ra xét xử. Ma-đơ-len đã trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng dữ dội và cuối cùng quyết định đến phiên toà, thú nhận gốc tích thực của mình để cứu người vô tội. Sau đó, ông trở về Mông-tơ-rơi để thăm Phăng-tin và giáp mặt Gia-ve – người thực thi việc bắt giữ ông – tại bệnh xá. Mặc dù Giăng Van-giăng đã cầu xin Gia-ve hoãn lệnh bắt ba ngày để ông có thể đem Cô-dét về với Phăng-tin nhưng hắn không chấp thuận, thậm chí còn nói toạc ra cho Phăng-tin biết nhân thân của Giăng Van-giăng. Phăng-tin đã qua đời ngay lúc ấy và Giăng Van-giăng bị bắt đi.

Giăng Van-giăng lại vào tù với án chung thân. Khi đang chịu án tại nhà tù Tu-lông (Toulon), ông đã không ngại hiểm nguy để cứu một thuỷ thủ bị nạn và nhân vụ việc này, ông nhảy xuống biển, tìm cách vượt ngục. Chính quyền xác nhận ông đã chết mất xác. Trên thực tế, Giăng Van-giăng không chết. Ông tìm đến quán trọ của vợ chồng Tê-nác-đi-ê để chuộc lại Cô-dét, nhận làm cha của cô bé. Để tránh sự rình mò của Gia-ve, hai cha con sống một đời sống ẩn dật tại một tu viện nhỏ ở Pa-ri, nơi ông nhận công việc làm vườn với cái tên giả Phô-sơ-lơ-văng (Fouchelevent).

Tháng Sáu năm 1832, một cuộc khởi nghĩa của người lao động nổ ra tại Pa-ri chống lại chính quyền tư sản. Một sinh viên tên là Ăng-giôn-rát (Enjolras) – thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa – đã thuyết phục nhiều bạn bè của mình sát cánh với những con người khốn khổ nhất trong xã hội dựng chiến luỹ để chiến đấu vì lí tưởng cộng hoà. Giăng Van-giăng cũng có mặt trong cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu này. Ông đã tìm cách cứu Ma-ri-uýt (Marius) – người yêu của Cô-dét – và tha mạng cho Gia-ve vốn bị những người khởi nghĩa bắt trước đó. Cách xử sự của ông khiến Gia-ve rơi vào mâu thuẫn, cảm thấy không xử lí được mối quan hệ giữa một bên là ơn cứu mạng của Giăng Van-giăng và một bên là niềm tin vào hệ thống luật pháp cứng rắn mà hắn luôn cố gắng trở thành con người công cụ để thực thi. Không thể giải quyết được xung đột nội tâm, Gia-ve đã tự sát. Giăng Van-giăng sau đó đã tìm cách vun đắp cho tình yêu của Cô-dét và Ma-ri-uýt. Tiểu thuyết kết thúc bằng cái chết trong cô đơn của Giăng Van-giăng.

(Trang 45)

Tiểu thuyết Những người khốn khổ được xây dựng từ nhiều sự kiện và con người có thật trong thời đại của Vích-to Huy-gô. Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết tôn vinh các giá trị nhân đạo, Những người khốn khổ còn thể hiện quan điểm phê phán sắc sảo của Vich-to Huy-gô đối với sự bất công của xã hội tư sản thể hiện qua hệ thống luật pháp và nhà tù. Tiểu thuyết đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, phim truyền hình, phim điện ảnh,...

Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền được rút ra từ chương 4, quyển 8, phần thứ nhất của tiểu thuyết Những người khốn khổ.

Trả lời câu hỏi

1. Có thể chia đoạn trích làm mấy phần? Hãy xác định mối liên hệ giữa các phần ấy.

2. Bạn cảm nhận như thế nào về thái độ và cách ứng xử của Giăng Van-giăng đối với Phăng-tin? Theo bạn, Giăng Van-giăng có thể đã “thì thầm bên tai Phăng-tin" điều gì ngay sau khi chị qua đời?

3. Qua lời của người kể chuyện, nhân vật Gia-ve hiện lên như thế nào? Hãy nhận xét về thái độ của người kể chuyện đối với nhân vật này.

4. Phân tích sự thay đổi trong ngôn ngữ và thái độ của Giăng Van-giăng đối với Gia-ve theo diễn biến của đoạn trích.

5. Quyền năng của người kể chuyện ngôi thứ ba có được thể hiện trong đoạn trích này không? Vì sao? 

6. Trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, nhân vật nào thật sự có uy quyền? Do đâu bạn khẳng định như vậy?

7. Trong đoạn trích này, theo bạn, điều gì mới làm nên uy quyền của một con người?

Kết nối đọc – viết

Bạn có cảm thấy hứng thú khi đọc những tác phẩm tự sự được kể bởi người kể chuyện toàn tri hay không? Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày ý kiến của mình về vấn đề này.

(Trang 46)

VĂN BẢN 2

Dưới bóng hoàng lan

------------

Thạch Lam

------------

• Với cảnh vật xung quanh và với những người thân yêu, kỉ niệm nào mỗi khi nhớ lại, bạn thấy thật ấm áp, dễ chịu? Nếu được yêu cầu kể lại, bạn sẽ kể như thế nào?

• Đã bao giờ bạn có nhu cầu được sống chậm lại để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của những điều vốn rất bình dị hằng ngày?

Chú ý dấu hiệu để nhận biết ngôi của người kể chuyện.

Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người; trên con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán – bên ngoài trời nắng gắt – rồi thong thả đi bên bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà. Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bục cửa.

Thanh bước lên thềm, đặt va-li trên chiếc trường kỉ(1), rồi ngó đầu nhìn vào trong nhà: bóng tối dịu và man mát loáng qua những màu sắc rực rỡ chàng đem ở ngoài trời vào; Thanh chưa nhìn rõ thấy gì cả; một lát, quen bóng tối, chàng mới nhận thấy cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như ngày chàng đi xưa. Sự yên lặng trầm tịch(2) đến nỗi Thanh trở nên nghẹn họng; mãi mãi chàng mới cất được tiếng lêngọi khẽ:

– Bà ơi!

Một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn; Thanh định rõ nhìn: con mèo của bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước. Con vật nép chân vào mình khẽ phe phẩy cái đuôi, rồi hai mắt ngọc thạch(3) xanh giương lên nhìn người. Thanh mỉm cười lại gần vuốt ve con mãn(4):

-----------------------

(1) Trường kỉ: ghế dài, làm bằng gỗ hoặc tre, có thể dùng để ngồi hoặc nằm.

(2) Trầm tịch: im lặng, lặng lẽ, hiu quạnh.

(3) Ngọc thạch: đá ngọc thường được dùng để chế tác đồ trang sức.

(4) Mãn: một cách gọi khác về loài mèo.

(Trang 47)

– Bà mày đâu?

Thanh bước xuống dưới giàn thiên lí. Có tiếng người đi, rồi bà chàng, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.

– Cháu đã về đấy ư?

Bà cụ thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng đưa lên nhìn cháu, âu yếm và mến thương.

– Đi vào trong nhà không nắng cháu.

Thanh đi bên bà, người thẳng mạnh, cạnh bà cụ gầy còng. Tuy vậy chàng cảm thấy chính bà che chở cho chàng cũng như những ngày chàng còn nhỏ.

– Nhà không có ai ư bà?

– Vẫn có thằng Nhân, hôm nay nó đi đong thóc bên kia xóm. Dễ chốc nó về. Con đã ăn cơm chưa?

– Dạ chưa. Con ở tầu về đây ngay. Nhưng con không thấy đói.

Bà nhìn cháu, giục:

– Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?

Thanh cười:

– Có một tí đường đất, cần gì phải xe. Con đi bộ hàng ngày cũng được.

Nhưng Thanh cũng vẫn theo lời bà. Chàng đến bên bể múc nước vào thau rửa mặt. Nước mát rợi và Thanh cúi nhìn bóng chàng lay động trong lòng bể với những mảnh trời xanh tan tác.

Tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng. Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ.

Tâm trạng của Thanh khi trở về với không gian thân thuộc.

Trên trường kỉ, ngọn đèn con và cái điếu cũ kĩ. Con mèo già tròn mình nằm bên cạnh, mắt lim dim trong sự bình yên và nhàn nhã. Thanh trông thấy cảnh ấy đã nhiều lần. Lần nào trở về với bà chàng Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng.

– Ấy, bà làm gì thế? Bà để mặc cháu.

Bà cụ vẫn không thôi phẩy chiếc phất trần lên đầu giường:

– Đã lâu không có ai nằm nên bụi bám đầy khắp cả.

(Trang 48)

Thanh phải để mặc cho bà sửa chiếu và xếp lại gối. Chàng thấy mình bé quá.

– Cháu đi nghỉ chẳng mệt. Để bà hái mấy lá rau nấu canh ăn cho mát.

Bà cụ đi ra. Thanh bỗng thấy mệt mỏi. Chàng lặng nằm xuống giường, ruỗi(1) chân tay, khoan khoái. Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: “cây hoàng lan!"(2), mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Bây giờ cây đã lớn.

Trạng thái tình cảm của Thanh khi nhận ra cây hoàng lan. Chú ý những chi tiết về cây hoàng lan trong toàn câu chuyện.

Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi.

Nghe tiếng bà đi vào. Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Gió quạt đưa nhẹ trên mái tóc chàng. Thanh vẫn nằm yên, nhắm mắt nhưng biết bà ở bên mình. Chàng không dám động đậy, yên lặng chờ cho bà lại đi ra. Bà xuống bếp làm cơm hẳn. Tiếng dép nhỏ dần.

Chàng cảm động gần ứa nước mắt. Bà yêu thương cháu quá, giờ chỉ có mình cháu, với mình bà. Mà bà làm bếp có một mình thôi ư? Không, hình như có tiếng người khác nữa, tiếng trong và mau hơn. Thanh lắng nghe: một tiếng cười sẽ đưa lên. Tiếng ai? Nghe quen quá mà Thanh không nhớ được.

Lưu ý sự đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời độc thoại nội tâm của nhân vật.

Chàng lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao. Bóng cây hoàng lan lay động cả một vùng. Chàng chợt nhớ, chạy vùng xuống nhà ngang(3), gọi vui vẻ:

– Cô Nga...

Người thiếu nữ đương nhặt rau nghe tiếng gọi vội ngửng đầu: một nụ cười, đôi mắt trong sáng lên; rồi tiếng nhẹ nhàng:

– Anh Thanh! Anh đã về đấy à?

Thanh đứng tựa bên cột, chưa trả lời. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng.

------------------------

(1) Ruỗi: duỗi thẳng ra.

(2) Hoàng lan: cây to cùng họ với na, có hoa thơm, màu vàng lục.

(3) Nhà ngang: nhà nhỏ, vuông góc với nhà chính, là nơi nấu nướng và ăn uống thường ngày của gia đình (kiểu kiến trúc nhà ở truyền thống của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ).

(Trang 49)

Cô Nga, cô bé hàng xóm vẫn sang chơi với chàng trong vườn, và mỗi lần về, chàng lại gặp ở nhà như một người thân mật.

Một lát cô Nga nói:

– Anh Thanh độ này khác hẳn trước. Anh chóng nhớn(1)  quá.

–  Tôi vẫn thế đấy chứ.

Bà cụ cúi trên rổ rau, không nhìn cháu đáp:

– Cô trông em có phải gầy đi không. Không bằng độ còn ở nhà. Nga ngưng nhìn Thanh, cười:

– Đấy em có nói sai đâu. Anh trông lại đen đi nữa.

Lá rau tươi xanh ngắt bên bàn tay trắng hồng nhỏ nhắn. Thanh cũng ngồi ghé xuống. Thế là lại như lúc còn ở nhà, ngày ngày chàng cũng vẫn với Nga xuống bếp xem bà làm cơm. Câu chuyện vẫn vui và vẫn đậm, có lúc chàng lầm tưởng Nga chính là em gái ruột của mình.

 *  *  *

Lúc Nhân bưng cơm đặt lên bàn, bà cụ bảo cô thiếu nữ:

– Ở đây ăn cơm một thể, cháu ạ.

Thanh nhìn lên

– Ăn cho vui, cô Nga.

– Xin phép cụ và anh thôi, em vừa mới ăn cơm xong ở nhà. Em đứng đây cũng được chứ gì.

Thanh ra vẻ không bằng lòng:

– Không, cô phải ngồi ăn cơ. Cô làm khách mãi.

Nga sợ, vén áo ngồi bên cạnh bà cụ, nhưng nàng chỉ ăn nhỏ nhỏ, cầm chừng và buông đũa luôn để xới cơm cho Thanh. Bữa cơm vui quá. Thanh ăn rất ngon miệng, lòng thư thái và sung sướng. Thỉnh thoảng chàng nhìn đôi môi thắm của Nga, hai má hồng. Và nụ cười tươi nở, nàng nhìn lại Thanh, một chút thôi, nhưng biết bao nhiêu âu yếm.

Ngoài vườn, trời vẫn nắng. Giàn thiên lí pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp hoa lí non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó. Hai bàn chân nhỏ, lấm tấm cát, để dấu tự ngoài ao trở về... Chàng đột nhiên mỉm cười, rồi hỏi:

– Cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không?

----------------------------

(1)  Nhớn: lớn.

(Trang 50)

Nga cũng cười hơi thẹn:

– Vẫn nhặt đấy. Nhưng không có ai tranh nữa.

Nàng nhìn Thanh, mắt như tụ lại những hình ảnh tự bao giờ, và sẽ vuốt mấy sợi tóc mai ra một bên. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng.

Bà cụ thì mải nhìn cháu. Bác Nhân khoanh tay đứng dựa bên cột nghe; bác cũng vui mừng vì thấy cậu về, vẫn khoẻ mạnh và xinh trai như ngày trước. Còn cô Nga vẫn tuổi đẹp và vui vẻ như thế. Có cô nhà cũng đỡ vắng, và bà cậu cũng đỡ buồn; hàng ngày cô chạy sang chơi giúp đỡ bà cụ giã cối trầu và nói chuyện đến người đi vắng ở trên tỉnh đã lâu không về thăm nhà.

Bữa ăn xong. Thanh với Nga đã trở lại thân mật như khi còn nhỏ. Thanh dắt nàng đi xem vườn; cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người. Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan. Nhưng hoa lan chưa rụng vẫn còn tươi xanh ở trên cành. Nga bảo Thanh:

– Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá.

Thanh chẳng biết nói gì; chàng vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Nắng soi vào vai hai người, nhưng dưới chân đất vẫn mát như xưa.

– Bao giờ anh lên tỉnh?

Biểu hiện tình cảm của Nga và Thanh (qua lời nói, tâm trạng).

– Ngày mai thôi. Kì này được nghỉ ít. Nhưng mai kia, tôi sẽ về ở đây lâu hơn.

Lòng Thanh dịu lại. Nga đến bên bể múc nước rửa hoa, rồi xếp bầy trên quả(1) trầu. Bà cụ nhìn cô, âu yếm:

– Hoa hãy còn non lắm, sao hái sớm thế, con?

Nga thưa:

– “Anh con hái đấy ạ” và nàng nhìn Thanh mỉm cười.

Ý nghĩa lời đối thoại giữa bà cụ và Nga về chuyện hái hoa hoàng lan.

Đêm ấy, một bà, một cháu với một cô láng giềng chuyện trò dưới bóng đèn mãi tới khuya, khi trăng lên. Qua vườn, Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió ngát. Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình. Nga cũng đứng yên lặng. Lâu lâu, Nga rút tay sẽ nói:

– Thôi em về.

--------------------------

(1) Quả: dụng cụ làm bằng gỗ hoặc đan bằng tre, hình tròn, có nắp, dùng đựng đồ khô, bên ngoài phết sơn ta (một loại sơn chế biến từ nhựa của cây sơn).

(Trang 51)

Thanh đi trở vào rất thong thả. Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải. Chàng đến trường kỉ ngồi ở bên đèn.

* * *

Sáng hôm sau, Thanh đã phải lên tỉnh. Chiếc va-li chàng nặng những thức quà bà chàng đã ban cho. Thanh cầm mũ đứng nghe lời khuyên bảo ân cần của bà dưới giàn hoa lí. Chàng vẫn bé quá và lại đi xa.

Tới cổng Thanh còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Bác Nhân nhanh nhảu cầm đỡ va-li cho chàng Thanh dặn khẽ:

– Bảo tôi có nhời(1) chào cô Nga nhé.

Rồi chàng bước ra đi nửa buồn mà lại nửa vui. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương.

Chi tiết nào ở phần kết giúp bạn dự đoán sự tiến triển tình cảm giữa Thanh và Nga?

(Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, Hà Nội, 1988, tr. 123 – 128)

Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hồi nhỏ, ông từng sống tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông viết văn, làm báo và là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn – một tổ chức văn học đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam thập niên 30 – 40 của thế kỉ XX.

Tác phẩm của Thạch Lam thuộc nhiều thể loại, tiêu biểu có: Gió đầu mùa (tập truyện ngắn, 1937), Nắng trong vườn (tập truyện ngắn, 1938), Ngày mới (truyện dài, 1939), Theo giòng (bình luận văn học, 1941), Sợi tóc (tập truyện ngắn, 1942), Hà Nội băm sáu phố phường (tập tuỳ bút, 1943),... Ngòi bút của Thạch Lam thường hướng về cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện, ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân; thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc. Truyện của ông có cốt truyện đơn giản, lời văn trong sáng, giản dị, giàu chất thơ. 

-----------------------------

(1) Nhời: lời.

(Trang 52)

Trả lời câu hỏi

 1. Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy? Ngôi kể ấy có nhất quán từ đầu đến cuối câu chuyện không?

 2. Hình ảnh thiên nhiên, con người, cảnh sinh hoạt,... hiện ra qua đôi mắt của nhân vật nào? Việc chọn điểm nhìn như vậy có ý nghĩa gì?

3. Lời đối thoại giữa bà và Thanh trong phần đầu của tác phẩm chủ yếu xoay quanh những chuyện gì? Tình cảm của các nhân vật bộc lộ như thế nào qua những lời đối thoại đó?

4. Phân tích những biểu hiện tình cảm giữa Nga và Thanh được khắc hoạ trong tác phẩm.

5. Trong Dưới bóng hoàng lan, nghệ thuật viết truyện của Thạch Lam biểu hiện rõ nhất qua cốt truyện, nhân vật hay lời kể? Hãy phân tích một trong ba yếu tố đó.

6. Theo bạn, nhan đề Dưới bóng hoàng lan có ý nghĩa gì?

7. Cảnh nào được miêu tả trong truyện gợi cho bạn nghĩ đến một bức tranh đẹp? Nếu cần chọn một cảnh để vẽ minh hoạ, bạn sẽ chọn cảnh nào? Vì sao?

8. Nhà thơ Thế Lữ cảm nhận: Dưới bóng hoàng lan là tác phẩm “nhân từ như một lời yên ủi(1))" (Thạch Lam – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr. 147). Từ gợi ý đó, bạn hãy phân tích tình cảm của tác giả đối với con người và cuộc sống được thể hiện qua tác phẩm.

Kết nối đọc – viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích tâm trạng nhân vật Thanh ở đoạn văn cuối của phần kết truyện.

-----------------------------

(1) Yên ủi: như an ủi

(Trang 53)

VĂN BẢN 3

Một chuyện đùa nho nhỏ

-------------------------------------

An-tôn Sê-khốp (Anton Chekhov)

-------------------------------------

Đôi khi hồi ức về một kỉ niệm nhỏ bé trong quá khứ lại khiến ta phải suy ngẫm nhiều về cuộc sống của mình trong hiện tại và tương lai. Hãy kể lại kỉ niệm ấy với bạn bè.

Một buổi trưa mùa đông trong sáng... Trời giá lạnh, rét cóng. Na-đi-a (Nadia)(1) khoác tay tôi. Những hạt bụi tuyết nhỏ trắng xoá bám lên mấy món tóc xoắn vòng rủ hai bên thái dương, nàng lên hàng lông tơ mịn phía trên môi. Nàng và tôi đứng trên một ngọn đồi cao. Từ chỗ chúng tôi đứng, sườn đồi đổ dài thoai thoải xuống lấp loáng dưới ánh nắng, như một tấm gương. Bên cạnh chúng tôi là một chiếc xe trượt tuyết nhỏ bọc một lớp dạ màu đỏ tươi.
Lưu ý về ngôi kể. Lời kể xuất phát chủ yếu từ điểm nhìn “lúc đó” hay “bây giờ”?

– Chúng ta cùng trượt xuống dưới đi, Na-đe-giơ-đa Pê-tơ-rốp-na (Nadezhda Petrovna)(2)!- Tôi van nài nàng.

– Một lần thôi! Tôi cam đoan với cô là chúng ta sẽ chẳng hề gì đâu.

Nhưng Na-đi-a sợ. Cả khoảng không gian từ đôi giày cao su nhỏ nhắn của nàng đến chân quả đồi phủ băng này đối với nàng thật ghê sợ, tưởng như là một vực sâu vô tận. Đứng đây, nàng chỉ mới đưa mắt nhìn xuống dưới, hay tôi chỉ mới gợi ý bảo nàng ngồi vào xe trượt tuyết là nàng đã sợ hết hồn không thở được nữa. Huống hồ nếu nàng liều mạng lao xuống cái vực sâu kia thì không biết rồi ra sao! Nàng sẽ chết mất, sẽ phát điên mất.

– Ta trượt đi cô! – Tôi cố nài. – Việc gì mà sợ! Cô phải biết sợ thế là nhát gan, xoàng lắm cô ạ!

Lưu ý sự đồng cảm của người kể chuyện với Na-đi-a.

-----------------------

(1), (2) Na-đi-a, Na-đe-giơ-đa Pê-tơ-rốp-na: hai cách gọi tên nhân vật nữ chính trong truyện, phân biệt với nhau về mức độ quan hệ và sắc thái cảm xúc. Na-đe-giơ-đa Pê-tơ-rốp-na là cách gọi tên đầy đủ, trang trọng; Na-đi-a là cách gọi tên thân mật, âu yếm. Trong tiếng Nga, từ na-đe-giơ-đa còn có nghĩa là niềm hi vọng.

(Trang 54)

Cuối cùng, Na-đi-a cũng ưng thuận, nhưng qua nét mặt nàng, tôi biết rằng nàng liều mạng mà nghe lời tôi. Tôi đỡ nàng ngồi vào xe trượt; nàng run rẩy, gương mặt nàng tái nhợt. Tôi vòng tay qua giữ lấy Na-đi-a và cùng nhau lao xuống.

Chiếc xe lao đi vun vút như một viên đạn. Làn không khí bị xé ra quật vào mặt, gào rít bên tai dữ tợn đâm vào da buốt nhói, gió như muốn giật phăng đầu ra khỏi vai. Gió ép mạnh, đến nghẹt thở. Tưởng chừng như có một con quỷ nào đang giơ tay nắm lấy chúng tôi và vừa rú lên vừa kéo xuống địa ngục. Mọi vật chung quanh nhập lại thành một vệt dài vun vút lao về phía sau... Chỉ một giây lát nữa thôi có lẽ chúng tôi sẽ chết!

– Na-đi-a, anh yêu em! – Tôi thì thào nói.

Chiếc xe trượt dần dần chạy chậm lại, tiếng gió gào và tiếng càng xe trượt lúc này đã không rít lên ghê sợ, ngực đã thấy dễ thở, và thế là chúng tôi đã xuống đến chân đồi. Na-đi-a sợ tưởng chết đi được, gương mặt tái nhợt, nàng thở không ra hơi... Tôi đỡ nàng đứng dậy.

– Các vàng tôi cũng không trượt lần nữa đâu! – Nàng nói và đưa cặp mắt mở to đầy sợ hãi, nhìn tôi. – Các vàng tôi cũng chịu! Chỉ thiếu chút nữa là tôi chết!

Một lát sau, nàng dần dần hết sợ và bắt đầu nhìn vào mắt tôi với vẻ dò xét: có phải tôi đã nói bốn tiếng ấy, hay chỉ là trong tiếng gió gào rít nàng nghe thấy như vậy? Còn tôi, tôi đứng bên cạnh nàng [...] chăm chú nhìn chiếc găng tay của mình.

Nàng khoác tay tôi và chúng tôi cùng nhau dạo chơi hồi lâu bên đồi tuyết. Hình như điều bí ẩn làm nàng thấy trong lòng băn khoăn. Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không? Có hay không? Đó là một câu hỏi của lòng tự trọng của danh dự, của cuộc đời và niềm hạnh phúc – một câu hỏi rất hệ trọng, hệ trọng nhất trên đời này. Na-đi-a chăm chăm nhìn tôi bằng cặp mắt buồn rầu nôn nóng bồn chồn. Nàng chậm rãi do dự trả lời những câu hỏi của tôi như chờ mong tôi sẽ tự nói ra cái điều bí ẩn ấy. “Ôi, gương mặt đáng yêu của nàng mới ngộ nghĩnh làm sao!”. Tôi thấy rõ ràng đang tự day dứt với mình, nàng cần nói một điều gì, cần hỏi một điều gì, nhưng nàng không tìm được lời, nàng cảm thấy rụt rè kinh sợ, một niềm vui nào đang ngăn trở nàng nói...

Lưu ý câu văn hé lộ ý đùa cợt của nhân vật "tôi".

– Này anh... – Nàng nói, mắt không nhìn tôi.

– Cái gì vậy? – Tôi hỏi.

– Chúng ta cùng nhau... lao dốc lần nữa đi.

Chúng tôi lần theo những bậc thang trèo lên đồi. Tôi lại đỡ Na-đi-a lên xe, mặt nàng tái nhợt, và toàn thân run run. Chúng tôi lại lao xe về phía vực thẳm khủng khiếp và gió lại gào, tiếng xe lại rít lên. Và cũng đúng vào lúc chiếc xe lao nhanh nhất, tiếng gió gào rít ghê gớm nhất, tôi lại nói:

– Na-đi-a , anh yêu em!

(Trang 54)

Khi chiếc xe dừng lại, Na-đi-a vội đưa mắt nhìn quanh quả đồi mà chúng tôi vừa trượt xuống rồi nhìn đăm đăm vào mặt tôi, lắng nghe giọng nói thờ ơ lãnh đạm của tôi và toàn thân nàng, cả từ cái mũ, cái bao tay và dáng người nàng nữa, đều toát lên một vẻ hồ nghi khó hiểu. Trên gương mặt nàng như hiện lên các câu hỏi:

“Điều gì đã xảy ra? Ai nói những lời ấy? Anh ấy hay là chỉ do ta nghe được?”.

Điều bí ẩn ấy làm nàng không yên lòng chút nào, nàng không chịu được nữa. Cô bé đáng thương ấy không trả lời nổi những câu hỏi, nét mặt rầu rĩ như muốn khóc.

– Chúng ta về nhà thôi nhé? – Tôi hỏi.

– Không, không... tôi thích... trượt xe thế này, – nàng nói, mặt ửng đỏ lên. – Hay là chúng ta cùng nhau trượt lần nữa đi?

Na-đi-a nói rằng nàng “thích” cái trò trượt này, thế mà khi ngồi lên xe, nàng vẫn run, gương mặt nàng vẫn tái nhợt, hơi thở vẫn ngắt quãng vì sợ hãi như những lần trước.

Lần thứ ba chúng tôi trượt xuống. Tôi thấy nàng đăm đăm nhìn lên mặt tôi, theo dõi đôi môi tôi. Nhưng tôi lấy chiếc khăn tay che miệng đi rồi khẽ đằng hắng lên mấy tiếng và khi xe lao xuống lưng chừng đồi, tôi còn kịp nói:

– Na-đi-a, anh yêu em!

Điều bí ẩn vẫn là điều bí ẩn! Na-đi-a im lặng nàng đang nghĩ ngợi điều gì... Tôi tiễn nàng từ sân trượt về nhà. Nàng cố đi chậm lại, chờ xem tôi có nói với nàng những lời ấy không. Tôi cảm thấy tâm hồn nàng đang đau khổ, nàng đang cố dằn lòng để khỏi phải thốt lên:

Không, gió không thể nói được những lời ấy! Mà mình cũng không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy!

Vì sao Na-đi-a không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy”?

Sáng hôm sau, tôi nhận được một mảnh giấy của nàng: “Nếu hôm nay anh có đi trượt tuyết, đến rủ tôi cùng đi nhé! N.”.

Từ hôm đó, ngày nào tôi và Na-đi-a cũng lên đồi và mỗi lần lao xe từ trên đồi xuống tôi lại thì thào nhắc lại những lời đó:

– Na-đi-a, anh yêu em!

Chẳng bao lâu sau, Na-đi-a quen nghe những lời ấy [...]. Nàng không thể sống thiếu những lời đó nữa. Thực ra, lao xe từ trên đồi xuống vẫn đáng sợ như xưa, nhưng giờ đây chính cái nguy hiểm, cái kinh sợ đó lại đem đến một cái gì đặc biệt đắm say cho những lời yêu đương ấy, những lời vẫn là điều bí ẩn và dằn vặt lòng người như trước... Kẻ bị nghi ngờ vẫn là gió và tôi... Ai, gió hay là tôi, đã thổ lộ với nàng những lời yêu đương ấy, nàng không biết được. Nhưng với nàng giờ đây, ai nói, có lẽ, cũng như nhau cả thôi: “Uống rượu từ bình nào chả thế, cốt sao say là được”(1).

-----------------------------

(1) Uống rượu từ bình nào chả thế, cốt sao say là được: tục ngữ Nga.

(Trang 56)

Có lần vào một buổi trưa, tôi đến sân trượt một mình; đi lẫn trong đám đông. Tôi bỗng thấy Na-đi-a đang đi về phía đồi và đưa mắt tìm tôi... Rồi nàng chậm chạp bước theo bậc thang lên đỉnh đồi... Trượt xe một mình thật ghê sợ biết bao, ôi, thật đáng ghê sợ! Mặt nàng tái nhợt, trắng như tuyết, toàn thân run rẩy, nàng bước đi hệt như đến nơi chịu án tử hình, nhưng nàng vẫn xăm xăm đi, đầu không ngoái lại.

Lưu ý “độ vênh” giữa suy đoán của người kể chuyện với hành động tiếp theo của Na-đi-a.


Chắc là cuối cùng nàng quyết định thử xem có còn nghe thấy những lời ngọt ngào say đắm ấy nữa không, khi không có tôi bên cạnh? Tôi nhìn thấy nàng tái nhợt, miệng há ra vì sợ hãi; ngồi lên xe, nhắm mắt lại và, sau khi vĩnh biệt Trái Đất, bắt đầu lao xuống chân đồi... Tiếng càng trượt xe rít lên... Na-đi-a có nghe thấy những lời đó nữa không, tôi không biết... Tôi chỉ thấy nàng bước ra khỏi xe một cách mệt nhọc, gần như kiệt sức. Qua nét mặt nàng có thể thấy rằng chính nàng cũng không biết nàng có nghe được những lời đó hay không. Nỗi sợ hãi khi xe lao xuống đồi đã làm nàng không còn khả năng nghe được, phân biệt được các âm thanh, không còn khả năng hiểu nữa...

Thế rồi những ngày xuân tháng Ba đã tới... Mặt trời như trở nên dịu dàng hơn. Quả đồi tuyết của chúng tôi bắt đầu sẫm lại, dần dần mất đi cái vẻ óng ánh của nó, và cuối cùng thì tan đi. Chúng tôi thôi không trượt xe nữa. Na-đi-a đáng thương cũng không còn nơi nào để nghe những lời đó nữa, và cũng không có ai nói những lời đó nữa, bởi vì gió thì không còn thổi nữa, mà tôi thì sửa soạn đi Pê-téc-bua (Petersburg) – đi rất lâu, có lẽ là suốt đời.

Lưu ý hình ảnh “hàng rào cao có đỉnh nhọn” ngăn cách hai nhân vật và hành động “ghé nhìn qua khe hở" của nhân vật “tôi”.

Thế nào đó, khoảng hai ngày trước khi đi, vào một buổi chiều tà, tôi ngồi trong khu vườn nhỏ ngăn cách với sân nhà Na-đi-a bởi một hàng rào cao có đỉnh nhọn... Trời hãy còn lạnh. Tuyết hãy còn đọng lại dưới đống phân ủ hoai mục(1), cây cối hãy còn trơ trụi, nhưng hương vị mùa xuân đã đến, từng đàn quạ bay về tổ trú đêm, rộn lên quàng quạc. Tôi đến bên hàng rào và ghé nhìn qua khe hở. Tôi thấy Na-đi-a bước ra thềm và đưa mắt nhìn lên trời buồn bã.. Làn gió xuân nhẹ thổi qua khuôn mặt nhợt nhạt rầu rĩ của nàng... Làn gió xuân gợi lại cho nàng cái tiếng gió rít trên đồi tuyết, khi nàng nghe thấy bốn tiếng ấy, và gương mặt nàng trở nên buồn bã lạ thường, nước mắt lặng lẽ chảy trên má... Nàng đáng thương đưa hai tay mình về phía trước như muốn cầu xin làn gió đem

------------------------------

(1) Tháng Ba ở nước Nga, người ta đánh đống phân ủ đã hoai mục qua đông để chuẩn bị bón cho cây trồng lúc sang xuân.

(Trang 57)

đến cho nàng những lời yêu đương đó một lần nữa. Và tôi, chờ khi có làn gió đến, thì thào nói:

– Na-đi-a, anh yêu em!

Trời, điều gì đã xảy ra với nàng lúc ấy! Na-đi-a khẽ kêu lên và khuôn mặt nàng bỗng chan hoà một nụ cười rạng rỡ. Na-đi-a đưa hai tay lên đón lấy gió, trông nàng lúc ấy thật là mừng rỡ, đẹp xinh và hạnh phúc.

Còn tôi trở vào nhà thu xếp đồ đạc...

Chuyện ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ Na-đi-a đã có chồng, gia đình gả nàng cho một viên thư kí hội đồng giám hộ quý tộc hay nàng tự nguyện lấy - cũng thế cả thôi. Nàng đã có ba con. Chút kỉ niệm cùng nhau trượt tuyết khi gió đem tới cho nàng bốn tiếng “Na-đi-a, anh yêu em!” không sao quên được. Đối với nàng, điều ấy đã trở thành kỉ niệm hạnh phúc nhất, xúc động nhất, đẹp đẽ nhất trong đời...

Xác định tâm trạng của nhân vật “tôi” khi chuyển về thời điểm kể “bây giờ".

Còn tôi, bây giờ đã đứng tuổi, tôi không hiểu nổi vì lẽ gì đã nói những lời đó, sao tôi lại đùa như thế...

1899

(An-tôn Sê-khốp, Truyện ngắn Sê-khốp, Phan Hồng Giang dịch(1), NXB Cầu Vồng, Mát-xcơ-va (Moskva), 1988, tr. 29 – 34)

An-tôn Sê-khốp (1860 – 1904) sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán nhỏ tại thị trấn Ta-gan-rốc (Taganrog), miền nam nước Nga. Ông bắt đầu sáng tác truyện ngắn và kịch ngay khi theo học ngành Y tại Trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va từ năm 1879. Đến khoảng những năm 1890, Sê-khốp đã được thừa nhận là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Nga. Năm 1904, nhà văn qua đời vì bệnh lao phổi tại một khu điều dưỡng ở nước Đức.

An-tôn Sê-khốp

---------------------

(1) Về văn bản dịch này, người biên soạn sách giáo khoa cùng dịch giả Phan Hồng Giang có tinh chỉnh lại nhan đề và một số câu chữ cho sát hơn với nguyên tác.

(Trang 58)

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 10 - Tập Một

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Cơ Bản Tập 1.

Ngữ Văn 10 - Tập Hai

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Cơ Bản Tập 2. Tổng 35 tuần.

Ngữ Văn 10 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 1. Tổng 18 tuần

Ngữ Văn 10 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 2. Tổng 35 tuần.

Đại Số 10

Sách Toán Đại Số Lớp 10 (Thường/Cơ bản). Tổng 6 chương và 30 bài.

Đại Số 10 (Nâng Cao)

Sách Toán Đại Số Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 6 chương, 34 bài.

Hình Học 10

Sách Toán Hình Học Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 3 chương, 10 bài.

Hình Học 10 (Nâng Cao)

Sách Toán Hình Học Lớp 10 (Nâng Cao). Tổng 3 chươn, 20 bài.

Hoá Học 10

Sách Hoá Học Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 7 chương, 41 bài.

Hoá Học 10 (Nâng Cao)

Sách Hoá Học Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 7 chương, 53 bài.

Vật Lí 10

Sách Vật Lí Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 7 chương, 41 bài

Vật Lí 10 (Nâng Cao)

Sách Vật Lí Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 8 chương, 60 bài.

Gợi ý cho bạn

mi-thuat-8-ban-1-926

Mĩ Thuật 8 (Bản 1)

Sách Lớp 8 Chân Trời Sáng Tạo

ngu-van-9-tap-mot-435

Ngữ Văn 9 - Tập Một

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

ngu-van-11-nang-cao-tap-mot-1151

Ngữ Văn 11 (Nâng Cao) - Tập Một

Ngữ Văn Lớp 11 (Tập 1) Chương Trình Nâng Cao

tieng-viet-3-tap-hai-1042

Tiếng Việt 3 - Tập Hai

Sách Lớp 3 Cánh Diều

vo-bai-tap-am-nhac-2-1037

Vở bài tập ÂM NHẠC 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.