(Trang 236)
GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ PHẦN LỊCH SỬ
A
Ấp chiến lược (83): hình thức tập trung dân nông thôn để kiểm soát của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.
B
Bần cùng hóa (15): chính sách cai trị của đế quốc thực dân đối với các nước thuộc địa làm cho công nhân, nông dân và nhân dân lao động nghèo khổ đến cùng cực.
Binh biến (35): cuộc phản kháng lại mệnh lệnh cấp trên của một lực lượng sĩ quan binh sĩ, hay một số đơn vị quân đội mà hình thức cao nhất là nổi dậy chống chính quyền, có thể dẫn tới thay đổi tình hình chính trị trong nước.
Bình dân học vụ (64): phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động theo Sắc lệnh ngày 9-9-1945.
Bình định (83): thực hiện chính sách đàn áp nhằm dập tắt mọi sự chống đối, thực hiện ách thống trị và bóc lột của thực dân và đế quốc.
C
Căn cứ địa (36): khu vực lãnh thổ có đầy đủ các yếu tố "địa lợi, nhân hòa", "tiến có thể đánh, lui có thể giữ", có cơ sở vững chắc về kinh tế và quân sự, được dùng làm nơi xây dựng lực lượng cách mạng (gồm lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang) để từ đó pháp triển rộng ra các nơi khác; là nơi cung cấp về sức mạnh vật chất, quân sự, nguồn cổ vũ về tinh thần, chính trị trong khởi nghĩa và chiến tranh nhân dân.
Chính sách kinh tế mới (8): chính sách do V.I. Lê-nin đề ra đã được Đại hội Đảng cộng sản Nga lần thứ 13 (3 - 1921) thông qua, trở thành chính sách của Nhà nước Xô viết từ năm 1921, thay thế cho "Chính sách cộng sản thời chiến".
Chiến dịch (70): là các trận chiến đấu diễn ra trên một chiến trường và trong một thời gian, tiến hành theo kế hoạch và ý định thống nhất, nhằm thực hiện mục đích chiến lược nhất định.
Chiến lược (71): phương châm và kế hoạch có tính chất toàn cục, xác định mục tiêu chủ yếu và sự sắp xếp lực lượng trong cuộc đấu tranh xã hội- chính trị.
Chiến thuật (83): cách đánh trong từng trận (chiến thuật phục kích, chiến thuật lấy ít đánh nhiều).
Chiến tranh lạnh (41): là chiến tranh không nổ súng nhưng luôn gây ra tình trạng căng thẳng trên thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, để thực hiện chính sách "đối đầu" của các nước đế quốc chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Chính cương (29): là đường lối chính trị chủ yếu của một tổ chức Đảng trong đó nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, hình thức tổ chức, phương pháp hoạt động.
Đ
Đảng Bôn-xê-vích (8): tên gọi của Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1903 tại Đại hội II của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga có sự phân hóa mạnh mẽ: phái đa số theo Lê-nin - phái Bôn-xê-vích (tán đồng chủ nghĩa Mác); phái thiểu số - phái Men-xê-vích (không tán thành chủ nghĩa Mác). Từ đây bắt đầu xuất hiện tên gọi những người Bôn-xê-vích. Năm 1917, phái Bôn-xê-vích trong Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga được gọi là Đảng Công nhân xã hội dân chủ Bôn-xê-vích Nga, gọi tắt là Đảng Bôn-xê-vích.
Đồng minh (15): các lực lượng cùng đứng về một phía để phối hợp hành động vì mục đích chung.
Đội quân tóc dài (82): là tên gọi phong trào đấu tranh của phụ nữ miền Nam chống Mỹ, cứu nước.
H
HDI (102): (viết tắt của Chỉ số phát triển con người), là thước đo tổng hợp phản ảnh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh); tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người).
Hậu phương (70): vùng ở phía sau tiền tuyến, có nhiệm vụ đáp ứng, chi viện cho tiền tuyến.
Hiệp định (66): là những văn bản thỏa thuận, kí kết giữa hai (hoặc nhiều nước) xác định một số vấn đề về mối quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa,... giữa hai hoặc nhiều nước.
(Trang 237)
K
Kinh tế hàng hóa (95): nền kinh tế sản xuất ra các sản phẩm tiêu thụ ở thị trường, xuất hiện từ rất sớm khi thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp.
S
Sách lược (29): những vấn đề về cách thức tổ chức, biện pháp, hình thức, khẩu hiệu và cách đánh trong một thời gian ngắn để thực hiện chiến lược (cách mạng hay quân sự).
T
Tập kích (87): phương pháp chiến đấu bằng cách đánh bất ngờ đột kích mãnh liệt vào lúc quân địch có sơ hở rồi tiến công, đánh úp.
Tổng khởi nghĩa (35): khởi nghĩa đồng loạt ở các địa phương trong cả nước nhằm lật đổ chính quyền của giai cấp thống trị, giành chính quyền về tay nhân dân.
Tổng tiến công (85): chủ động tiến đánh mạnh mẽ quân địch trong cùng một khoảng thời gian, trên tất cả các mặt trận.
Trật tự thế giới (97): được hình thành do sự sắp xếp quyền lực giữa các cường quốc nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống các quan hệ quốc tế. Trật tự thế giới được xác lập có thể gắn liền với chiến tranh thế giới.
Trực thăng vận (83): chiến thuật quân sự của Mỹ được sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, dùng máy bay lên thẳng vận chuyển nhanh chóng các đơn vị chiến đấu đánh bất ngờ đối phương.
Tự lực cánh sinh (68): đường lối cách mạng dựa vào sức mạnh của nhân dân là chính để tiến hành đấu tranh, không ỷ lại vào sự sụp đổ từ bên ngoài.
X
Xô Viết (7): tổ chức tự quản ra đời trong phong trào cách mạng 1905-1907 ở Nga (tiếng Nga có nghĩa là Ủy ban). Đây là tổ chức chính quyền cách mạng, tiền thân của Nhà nước Liên Xô sau này.
GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ PHẦN ĐỊA LÍ
Dân tộc thiểu số (116): những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển (160): những khu vực hệ sinh thái bờ biển và trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn đa dạng sinh học với việc sử dụng bền vững khu vực đó.
Khu bảo tồn thiên nhiên (132): khu vực địa lí được xác lập ranh giới và phân khu chức năng để bảo tồn đa dạng sinh học.
P
Phát triển bền vững (166): sự phát triển nhằm đáp ứng những yêu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ mai sau.
R
Rừng tự nhiên (131): rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung.
Rừng trồng (131): rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khi khai thác rừng trồng.
T
Thâm canh (163): hình thức sản xuất nông nghiệp dựa vào sử dụng máy móc nông nghiệp, tưới tiêu, bón phân, lai tạo giống, kinh nghiệm sản xuất,... để đạt năng suất và sản lượng cao trên đơn vị diện tích có hạn.
Tỉ lệ che phủ rừng (131): tỉ lệ phần trăm giữa diện tích rừng so với tổng diện tích đất tự nhiên trên một phạm vi địa lí nhất định.
Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (154): chi tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh giá trị mới tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trên địa bàn/tỉnh thành phố hoặc vùng trong một thời gian nhất định( 6 tháng, năm).
V
Vùng kinh tế trọng điểm (158): một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, hội tụ các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực - đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước.