VĂN BẢN
Dịch hạch, thổ tả, hàng vạn hàng triệu người chết, nhờ tiến bộ y học, loài người hầu như đã diệt trừ những dịch khủng khiếp ấy. Nhưng vào cuối thế kỉ này lại xuất hiện những ôn dịch khác.
Cả thế giới đang lo âu về nạn AIDS, chưa tìm ra giải pháp, thì nhiều nhà bác học, sau mấy chục năm và hơn năm vạn công trình nghiên cứu đã lớn tiếng báo động:
Ôn dịch thuốc lá đe dọa sức khỏe và tính mạng loài người còn nặng hơn cả AIDS.
Ngày trước Trần Hưng Đạo căn dặn nhà vua:
“Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu”.
Hẳn rằng người hút thuốc lá không lăn đùng ra chết, không say bê bết như người uống rượu.
Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc, thấm vào cơ thể. Nạn nhân đầu tiên là những lông rung của những tế bào niêm mạc(2) ở vòm họng, ở phế quản, ở nang phổi(3) bị chất hắc ín(4) trong khói thuốc lá làm tê liệt. Các lông mao này có chức năng quét dọn bụi bặm và các vi khuẩn(5) theo luồng không khí tràn vào phế quản và phổi; khi các lông mao ngừng hoạt động, bụi và vi khuẩn không được đẩy ra ngoài, tích tụ(6) lại gây ho hen và sau nhiều năm gây viêm phế quản.
Trong khói thuốc lá lại có chất ô-xít các-bon, chất này thấm vào máu, bám chặt các hồng cầu không cho chúng tiếp cận(7) ô xi nữa. Không lạ gì sức khỏe của người nghiện thuốc ngày càng sút kém.
Thấm vào các tế bào, chất hắc ín lại thường gây ra ung thư. Ta đến bệnh viện K sẽ thấy rõ: Bác sĩ viện trưởng cho biết trên 80% ung thư vòm họng và ung thư phổi là đo thuốc lá.
Ta đến Viện Nghiên Cứu các bệnh tim mạch, bác sĩ viện trưởng cho biết: Chất ni-cô-tin(8) của thuốc lá làm các động mạch co thắt lại, gây những bệnh nghiêm trọng như huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim. Có thấy một bệnh nhân bị tắc động mạch chân lên những cơn đau như thế nào, rồi phải cắt dần từng ngón chân đến cả bàn chân; có thấy những người 40 – 50 tuổi đã chết đột xuất vì nhồi máu cơ tim; có thấy những khối ung thư ghê tởm mới nhận ra tác hại ghê gớm của thuốc lá.
Không cần nhắc đến những việc nghiêm trọng như vậy, chỉ riêng bệnh viêm phế quản của hàng triệu người cũng đã làm mất bao nhiêu ngày công lao động và làm tổn hao sức khỏe cộng đồng.
[…] Có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!
Xin đáp lại: Hút thuốc là quyền của anh, nhưng anh không có quyền đầu độc những người ở gần anh. Anh uống rượu say mèm, anh làm anh chịu. Nhưng hút thuốc thì người gần anh cũng hít phải luồng khói độc. Điều này hàng nghìn công trình nghiên cứu đã chứng minh rất rõ.
Vợ con, những người làm việc cùng phòng với người người nghiện thuốc cũng bị nhiễm độc, cũng đau tim mạch, viêm phế quả, cũng bị ung thu. Anh có quyền hút, nhưng có mặt người khác, xin mời anh ra ngoài sân, ngoài hành lang mà hút.
Tội nghiệp thay những cái thai còn nằm trong bụng mẹ, chỉ vì có người hút thuốc ngồi cạnh mẹ mà thai bị nhiễm độc, rồi mẹ đẻ non, con sinh ra đã suy yếu. Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai quả là một tội ác.
Bố và anh hút, chú bác hút không những đầu độc con em mà còn nêu gương xấu…
[…] Tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc ở các thành phố lớn nước ta ngang với tỉ lệ các thành phố Âu – Mĩ. Chỉ có khác là với thanh niên Mĩ, 1 đô la mua một bao thuốc lá là một khoản tiền nhỏ, còn đối với một thiếu niên Việt Nam, muốn có 15.000 đồng mua một bao 555 – vì đã hút là phải hút thuốc sang – chỉ có một cách là trộm cắp. Trộm một lần, quen tay. Từ điếu thuốc sang cốc bia rồi đến ma túy, con đường phạm pháp thực ra đã mở đầu với điếu thuốc.
Người lớn hút thuốc trước mặt trẻ em, lấy điếu thuốc làm một cử chỉ cho biểu tượng(9) quý trọng, chính là đã đẩy con em vào con đường phạm pháp.
[…] Ngày nay, đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổ lên chiến dịch chống thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm(10) (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạt 500 đô la). Khắp nơi, những tài liệu, khẩu hiệu chống thuốc lá dần dần lấn át những quảng cáo của các hãng thuốc lá. Và nhiều nước đã cấm quảng cáo thuốc lá trên báo chí, vô tuyến truyền hình. Chỉ trong vài năm, chiến dịch chống thuốc lá này đã làm giảm hẳn số người hút, và người ta đã thấy triển vọng có thể nêu lên khẩu hiệu cho những năm cuối thế kỉ XX: “Một châu Âu không còn thuốc lá”. Nước ta khác với các nước châu Âu, đang còn trong tình trạng có nhiều bệnh tật do vi trùng, kí sinh trùng gây ra, nay lại theo đòi các nước phát triển, nhiễm thêm các bệnh do thuốc lá; sốt rét, bệnh phong, lao, ỉa chảy chưa thanh toán được, lại ôm thêm ôn dịch thuốc lá này. Nghĩ đến mà kinh! Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này.
(Theo Nguyễn Khắc Viện, trong Từ thuốc lá đến ma túy – Bệnh nghiện,
NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992)
Chú thích:
(1) Ôn dịch: chỉ chung các loại bệnh nguy hiểm, lây lan rộng làm chết người hàng loạt trong một thời gian nhất định. Từ này thường dùng làm tiếng chửi rủa như: Đồ ôn dịch!
(2) Niêm mạc: lớp tế bào ở ngoài cùng có thể tiết chất nhầy trong một số hốc của cơ thể như mũi, miệng, cổ họng,…; lông rung (còn gọi là lông chuyển, lông đập): cấu trúc hình lông trên bề mặt của niêm mạc, có tác dụng loại thải các chất hoặc vật lạ không cần thiết hay có hại đối với cơ thể.
(3) Nang phổi (còn gọi là phế nang): chỉ những túi nhỏ li ti của phổi, bao lấy những nhánh cuối của phế quản. Nang: cái túi bọc, cái bao để đựng; bộ phận có hình dạng giống như cái bao để bọc, để che chở.
(4) Hắc ín: chất lỏng, sánh, màu đen, là sản phẩm phụ khi chưng cất than đá hoặc dầu mỏ, thường dung để làm lớp chống ẩm, chống mối mọt.
(5) Vi khuẩn: sinh vật hết sức nhỏ bé, chỉ có một tế bào, gây bệnh hoặc không gây bệnh, sinh sản chủ yếu bằng lối phân đôi.
(6) Tích tụ: dồn lại và dần tập trung vào một chỗ.
(7) Tiếp cận: đến gần, tiếp xúc với.
(8) Ni-cô-tin: chất độc trong thuốc lá, thuốc lào, có tác dụng gây nghiện.
(9) Biểu tượng: hình ảnh tượng trưng.
(10) Vi phạm: làm trái quy định.
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Phân tích ý nghĩa của việc dùng dấu phẩy trong đầu đề của văn bản: Ôn dịch, thuốc lá. Có thể sửa thành Ôn dịch thuốc lá hoặc Thuốc lá là một loại ôn dịch được không? Vì sao?
2. Vì sao tác giả dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc trước khi phân tích tác hại của thuốc lá? Điều đó có tác dụng gì trong lập luận?
3. Vì sao tác giả đặt giả định “có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!” trước khi nêu lên những tác hại về phương diện xã hội của thuốc lá?
4. Vì sao tác giả đưa ra những số liệu để so sánh tình hình hút thuốc lá ở nước ta với các nước Âu – Mĩ trước khi đưa ra kiến nghị: Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này?
Ghi nhớGiống như ôn dịch, nạn nghiện thuốc lá rất dễ lây lan và gây ra những tổn thất to lớn cho sức khoẻ và tính mạng con người. Song nạn nghiện thuốc lá còn nguy hiểm hơn cả ôn dịch: Nó gặm nhấm sức khoẻ con người nên không dễ kịp thời nhận biết, nó gây tác hại nhiều mặt đối với cuộc sống gia đình và xã hội. Bởi vậy, muốn chống lại nó, cần phải có quyết tâm cao hơn và biện pháp triệt để hơn là phòng chống ôn dịch. |
LUYỆN TẬP
1. Tìm hiểu tình trạng hút thuốc lá ở một số người thân hoặc bạn bè quen biết. Dựa vào cách lập bảng thống kê của bài đọc thêm số 1 để phân loại nguyên nhân.
2. Dùng năm dòng để ghi lại cảm nghĩ của mình sau khi đọc bản tin của báo Sài Gòn tiếp thị trích in ở bài đọc thêm số 2.
ĐỌC THÊM
1. Nguồn gốc sâu xa thúc đẩy tuổi trẻ đến với thuốc lá là các động cơ tâm lí đủ loại mang đặc trưng của lứa tuổi. Kết quả điều tra ở Hà Nội cho biết:
Lứa tuổi (nam) Số đối tượng trả lời – Vui bạn, nể bạn – Bắt chước – Thử, tò mò – Ra vẻ người lớn – Giải buồn – Kích thích, giải trí – Vì lịch sử, xã giao – Không có ý thức … | 11 – 15 140 60 (%) 16 4
5
2 ... | 16 – 20 350 50 (%) 8 6 3 4 3 3 7 ... |
(Đặng Phương Kiệt, trong Từ thuốc lá đến ma túy - Bệnh nghiện, Sđd)
2. Cách đây 2 năm chàng thanh niên Ra-pha-en-đơ Rốt-sin, người được thừa hưởng một trong những gia tài kếch xù nhất thế giới, đã gục chết trên vỉa hè ở Niu Óoc vì “chơi” bạch phiến(a) quá liều, năm đó Ra-pha-en mới 23 tuổi.
Cái chết của chàng tỉ phú(b) trẻ này đã làm không ít bậc cha mẹ tỉ phủ khác lo lắng: làm sao để con cái họ đừng hư đi vì số tài sản không lồ không do chính chúng tạo dựng.
(Báo Sài Gòn tiếp thị, số 15, 2002)
(a) Bạch phiến: he-rô-in
(b) Tỉ phú: người giàu, tiền có hàng tỷ (thường tính đô la Mĩ).