ĐỌC
Khởi động
Câu 1: Em biết gì về loài cây trong tranh?
Câu 2: Dựa vào tên bài đọc và tranh minh hoạ, em thử đoán xem loài cây này có gì đặc biệt.
Đọc văn bản
CÂY XẤU HỔ
Bỗng dưng, gió ào ào nổi lên. Có tiếng động gì lạ lắm. Những chiếc lá khô lạt xạt lướt trên cỏ. Cây xấu hổ co rúm mình lại.
Nó bỗng thấy xung quanh xôn xao. Nó hé mắt nhìn: không có gì lạ cả. Bấy giờ, nó mới mở bừng những con mắt lá. Quả nhiên, không có gì lạ thật.
Nhưng những cây cỏ xung quanh vẫn cứ xôn xao. Thì ra, vừa có một con chim xanh biếc, toàn thân lóng lánh như tự toả sáng không biết từ đâu bay tới. Chim đậu một thoáng trên cành thanh mai rồi lại vội bay đi. Các cây cỏ xuýt xoa: biết bao nhiêu con chim đã bay qua đây, chưa có con nào đẹp đến thế.
Càng nghe bạn bè trầm trồ, cây xấu hổ càng tiếc. Không biết bao giờ con chim xanh ấy quay trở lại?
(Theo Trần Hoài Dương)
Từ ngữ
- Lạt xạt: tiếng va chạm của lá khô.
- Xôn xao: nhiều âm thanh, tiếng nói nhỏ phát ra cùng một lúc.
- Xuýt xoa: cách thể hiện cảm xúc (thường là khen, đôi khi là tiếc) qua lời nói.
- Thanh mai: cây bụi thấp, quả mọng nước, trông như quả dâu.
Trả lời câu hỏi
Câu 1: Nghe tiếng động lạ, cây xấu hổ đã làm gì?
Câu 2: Cây cỏ xung quanh xôn xao về chuyện gì?
Câu 3: Cây xấu hổ nuối tiếc điều gì?
Câu 4: Câu văn nào cho biết cây xấu hổ rất mong con chim xanh quay trở lại?
Luyện tập theo văn bản đọc
Câu 1: Những từ ngữ nào dưới đây chỉ đặc điểm?
đẹp lóng lánh bay đi trở lại xanh biếc
Câu 2: Nói tiếp lời của cây xấu hổ:
Mình rất tiếc (...).
VIẾT
Câu 1: Viết chữ hoa: C
Câu 2: Viết ứng dụng: Có công mài sắt, có ngày nên kim.
NÓI VÀ NGHE
Câu 1: Dựa vào câu hỏi gợi ý, đoán nội dung của từng tranh.
Chú đỗ con
(Theo Nhật Linh)
1. Cuộc gặp gỡ của đỗ con và cô mưa mùa xuân diễn ra thế nào?
2. Cuộc gặp gỡ của đỗ con và chị gió xuân diễn ra thế nào?
3. Cuộc gặp gỡ của đỗ con và bác mặt trời diễn ra thế nào?
4. Cuối cùng, đỗ con làm gì?
Câu 2: Nghe kể câu chuyện.
Câu 3: Chọn kể 1 – 2 đoạn của câu chuyện theo tranh.
Vận dụng
Nói với người thân về hành trình hạt đỗ con trở thành cây đỗ.