Tiết 1. Một số vấn đề của châu Phi
Thời cổ đại, châu Phi đã từng có nền văn minh sông Nin rực rỡ, do người Ai Cập xây dựng. Hơn 4 thế kỉ bị thực dân châu Âu thống trị (thế kỉ XV - XX), châu Phi bị cướp bóc cả về con người và tài nguyên thiên nhiên. Sự thống trị lâu dài của chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm các nước châu Phi trong nghèo nàn, lạc hậu.
I – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỰ NHIÊN
Hình 6.1. Các cảnh quan và khoáng sản chính ở châu Phi
Dựa vào hình 6.1 và hiểu biết của bản thân, em hãy cho biết đặc điểm khí hậu, cảnh quan của châu Phi.
Phần lớn lãnh thổ châu Phi có khí hậu khô nóng với cảnh quan hoang mạc, bán hoang mạc và xa van. Đây là những khó khăn lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều nước châu Phi.
Khoáng sản và rừng là những tài nguyên đang bị khai thác mạnh. Rừng bị khai phá quá mức để lấy gỗ, chất đốt và mở rộng diện tích canh tác làm cho đất đai của nhiều khu vực bị hoang hoá, nhất là ven các hoang mạc, bán hoang mạc. Việc khai thác khoáng sản nhằm mang lại lợi nhuận cao cho nhiều công ti tư bản nước ngoài đã làm cho nguồn tài nguyên này bị cạn kiệt và môi trường bị tàn phá.
Hình 6.2. Hoang mạc Xa-ha-ra
Khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và áp dụng các biện pháp thuỷ lợi để hạn chế sự khô hạn là những giải pháp cấp bách đối với đa số quốc gia ở châu Phi.
II – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
Dựa vào bảng 6.1, so sánh và nhận xét về các chỉ số dân số của châu Phi so với nhóm nước đang phát triển, nhóm nước phát triển và thế giới.
Do có tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên cao nên dân số châu Phi tăng rất nhanh. Tuổi thọ trung bình của người dân châu Phi thấp.
Châu Phi chỉ chiếm gần 14% dân số thế giới nhưng tập trung hơn 2/3 tổng số người nhiễm HIV của thế giới.
Các cuộc xung đột tại Bờ Biển Ngà (Cốt Đi-voa), Công-gô, Xu-đăng, Xô-ma-li,... đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Bảng 6.1. Một số chỉ số về dân số - năm 2005
Châu lục - nhóm nước | Tỉ suất sinh thô (‰) | Tỉ suất tử thô (‰) | Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) | Tuổi thọ trung bình (tuổi) |
Châu Phi | 38 | 15 | 2,3 | 52 |
Nhóm nước đang phát triển | 24 | 8 | 1,6
| 65 |
Nhóm nước phát triển | 11 | 10 | 0,1 | 76 |
Thế giới | 21 | 9 | 1,2 | 67 |
Trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục chưa được xoá bỏ, xung đột sắc tộc, đói nghèo, bệnh tật đã và đang đe doạ cuộc sống của hàng trăm triệu người châu Phi, là những thách thức lớn đối với châu lục này.
Các nước nghèo ở châu Phi đang nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức về y tế, giáo dục, lương thực trên thế giới thông qua các dự án chống đói nghèo, bệnh tật. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã gửi chuyên gia sang giảng dạy và tư vấn kĩ thuật cho một số nước châu Phi.
Chỉ số HDI của châu Phi* và thế giới - năm 2003 - Đạt trên 0,7 : 3 quốc gia (An-giê-ri, Tuy-ni-di, Cap Ve) - Từ 0,5 đến 0,7 : 13 quốc gia (Ai Cập, Nam Phi, Ga-na,...) - Dưới 0,5 : 28 quốc gia (Bu-run-đi, Ma-la-uy, Cốt Đi-voa,...) - Thế giới : 0,741. |
* Chỉ tính các nước có số liệu thống kê
III – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ
Mặc dù có nguồn tài nguyên khá phong phú, song đa số các nước châu Phi vẫn là những nước nghèo, kinh tế kém phát triển (châu Phi chỉ đóng góp 1,9% GDP toàn cầu - năm 2004). Đó là hậu quả của sự thống trị nhiều thế kỉ qua của chủ nghĩa thực dân. Mặt khác, các cuộc xung đột sắc tộc, sự yếu kém trong quản lí đất nước của nhiều quốc gia châu Phi non trẻ, trình độ dân trí thấp,... cũng hạn chế nhiều đến sự phát triển của châu lục này.
Bảng 6.2. Tốc độ tăng trưởng GDP của một số nước (tính theo giá so sánh)
(Đơn vị : %)
Quốc gia | Năm | 1985 | 1990 | 1995 | 2000 | 2004 |
An-giê-ri | 2,5 | 3,2 | 4,0 | 2,4 | 5,2 | |
Nam Phi | -1,2 | -0,3 | 3,1 | 3,5 | 3,7 | |
Ga-na | 5,1 | 3,3 | 4,5 | 3,7 | 5,2 | |
Công-gô | 2,6 | 3,0 | 0,7 | 8,2 | 4,0 | |
Thế giới | 3,7 | 2,9 | 2,8 | 4,0 | 4,1 |
Dựa vào bảng 6.2, nhận xét tốc độ tăng GDP của một số nước ở châu Phi so với thế giới.
Nền kinh tế của châu Phi đang phát triển theo chiều hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao trong thập niên vừa qua.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Các nước châu Phi cần có giải pháp gì để khắc phục khó khăn trong quá trình khai thác, bảo vệ tự nhiên ?
2. Dựa vào bảng dưới đây, vẽ biểu đồ và nhận xét về sự thay đổi tỉ lệ dân số châu Phi so với các châu lục khác.
Tỉ lệ dân số các châu lục và thế giới qua một số năm
(Đơn vị : %)
Các châu | Năm | 1985 | 2000 | 2005 |
Châu Phi | 11,5 | 12,9 | 13,8 | |
Châu Mĩ Trong đó Mĩ La tinh | 13,4 8,6 | 14,0 8,6 | 13,7 8,6 | |
Châu Á | 60,0 | 60,6 | 60,6 | |
Châu Âu | 14,6 | 12,0 | 11,4 | |
Châu Đại Dương | 0,5 | 0,5 | 0,5 | |
Thế giới | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
3. Hãy phân tích tác động của những vấn đề dân cư và xã hội châu Phi tới sự phát triển kinh tế của châu lục này.
Tiết 2. Một số vấn đề của Mĩ La tinh
Mặc dù đã tuyên bố độc lập từ trên 200 năm nay, song nền kinh tế của hầu hết các nước Mĩ La tinh vẫn đang phụ thuộc vào nước ngoài; đời sống của người dân lao động ít được cải thiện, chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư rất lớn
I – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
Hình 6.3. Các cảnh quan và khoáng sản chính của Mĩ La tinh
Dựa vào hình 6.3, cho biết : Mĩ La tinh có những cảnh quan và tài nguyên khoáng sản gì ?
Mĩ La tinh có nhiều tài nguyên khoáng sản, chủ yếu là quặng kim loại màu, kim loại quý và nhiên liệu. Tài nguyên đất, khí hậu thuận lợi cho phát triển rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả nhiệt đới. Tuy nhiên, việc khai thác những tài nguyên giàu có đó chưa mang lại nhiều lợi ích cho đại bộ phận dân cư Mỹ La tinh.
Bảng 6.3. Tỉ trọng thu nhập của các nhóm dân cư trong GDP của một số nước - năm 2000
Quốc gia | GDP theo giá thực tế (tỉ USD) | Tỉ trọng GDP của 10% dân cư nghèo nhất | Tỉ trọng GDP của 10% dân cư giàu nhất |
Chi-lê | 75,5 | 1,2 | 47,0 |
Ha-mai-ca | 8,0 | 2,7 | 30,3 |
Mê-hi-cô | 581,3 | 1,0 | 43,1 |
Pa-na-ma | 11,6 | 0,7 | 43,3 |
Dựa vào bảng 6.3, nhận xét tỉ trọng thu nhập của các nhóm dân cư ở một số nước Mĩ La tinh.
Ở hầu hết các nước Mỹ La tinh, dân cư còn nghèo đói, thu nhập giữa người giàu và người nghèo có sự chênh lệch rất lớn. Cho tới đầu thế kỉ XXI, số dân sống dưới mức nghèo khổ của Mĩ La tinh còn khá đông dao động từ 37% đến 62%. Các cuộc cải cách ruộng đất không triệt để đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại chiếm giữ phần lớn đất canh tác. Dân nghèo không có ruộng kéo ra thành phố tìm việc làm, dẫn đến hiện tượng đô thị hoá tự phát. Dân cư đô thị của Mĩ La tinh chiếm tới 75% dân số và 1/3 trong số đó sống trong điều kiện khó khăn.
Tình trạng trên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết các vấn đề xã hội và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia Mi La tinh.
II – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ
Hình 6.4. Tốc độ tăng GDP của Mĩ La tinh
Dựa vào hình 6.4, hãy nhận xét tốc độ tăng GDP của Mĩ La tinh trong giai doan 1985 - 2004.
Đa số các nước Mỹ La tinh có tốc độ phát triển kinh tế không đều. Tình hình chính trị không ổn định đã tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế và các nhà đầu tư, khiến cho đầu tư từ nước ngoài vào khu vực này giảm mạnh. Cuối thập niên 90, nguồn FDI vào Mỹ La tinh đạt 70 80 tỉ USD/năm, đến năm 2003 giảm xuống còn 31 tỉ USD, năm 2004 tăng lên được 40 tỉ USD. Trên 50% nguồn đầu tư là từ Hoa Kì và Tây Ban Nha.
Giành được độc lập sớm song các nước Mỹ La tinh đã duy trì cơ cấu xã hội phong kiến trong thời gian dài, các thế lực bảo thủ của Thiên chúa giáo tiếp tục cản trở sự phát triển xã hội. Do chưa xây dựng được đường lối phát triển kinh tế xã hội độc lập, tự chủ, nên kinh tế các nước Mỹ La tinh phát triển chậm, thiếu ổn định, phụ thuộc vào các công ti tư bản nước ngoài nhất là Hoa Kì.
Những năm gần đây, nhiều quốc gia Mỹ La tinh đã tập trung củng cố bộ máy nhà nước, phát triển giáo dục, cải cách kinh tế, quốc hữu hoá một số ngành kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá đất nước, tăng cường và mở rộng buôn bán với nước ngoài nên tình hình kinh tế từng bước được cải thiện. Biểu hiện rõ nhất là xuất khẩu tăng nhanh, khoảng 10% năm 2003 và 21% năm 2004. Nhiều nước đã khống chế được lạm phát. Tuy nhiên, quá trình cải cách kinh tế đang gặp phải sự phản ứng của các thế lực bị mất quyền lợi từ nguồn tài nguyên giàu có ở các quốc gia này.
Bảng 6.4. GDP và nợ nước ngoài của một số quốc gia Mĩ La tinh - năm 2004
(Đơn vị : tỉ USD)
Quốc gia | GDP | Tổng số nợ | Quốc gia | GDP | Tổng số nợ |
Ac-hen-ti-na | 151,5 | 158,0 | Mê-hi-cô | 676,5 | 149,9 |
Bra-xin | 605,0 | 220,0 | Pa-na-ma | 13,8 | 8,8 |
Chi-lê | 94,1 | 44,6 | Pa-ra-goay | 7,1 | 3,2 |
Ê-cu-a-đo | 30,3 | 16,8 | Pê-ru | 68,6 | 29,8 |
Ha-mai-ca | 8,0 | 6,0 | Vê-nê-xu-ê-la | 109,3 | 33,3 |
Dựa vào bảng 6.4, cho biết đến năm 2004, những quốc gia nào ở Mĩ La tinh có tỉ lệ nợ nước ngoài cao (so với GDP).
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Vì sao các nước Mĩ La tinh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế nhưng tỉ lệ người nghèo ở khu vực này vẫn cao ?
2. Thu thập thông tin về xuất khẩu nông sản của các nước Mĩ La tinh.
3. Những nguyên nhân nào làm cho kinh tế các nước Mĩ La tinh phát triển không ổn định ?
Tiết 3. Một số vấn đề của khu vực Tây Nam Á và khu vực Trung Á
Vị trí địa lí mang tính chiến lược, nguồn tài nguyên đầu mỏ giàu có, sự tồn tại các vấn đề dân tộc mang tính lịch sử, các tôn giáo với những tín ngưỡng khác biệt và các phần tử cực đoan trong các tôn giáo, sự can thiệp vụ lợi của các thế lực bên ngoài... đang là những nguyên nhân chính gây nên sự tranh chấp, xung đột kéo dài tại khu vực Tây Nam Á và khu vực Trung Á.
I – ĐẶC ĐIỂM CỦA KHU VỰC TÂY NAM Á VÀ KHU VỰC TRUNG Á
1. Tây Nam Á
Hình 6.5. Khu vực Tây Nam Á
Tây Nam Á là khu vực rộng lớn nằm ở phía tây nam châu Á, nơi tiếp giáp giữa châu Á với châu u và châu Phi, bao gồm bán đảo A-ráp, cao nguyên I-ran và một số vùng đất tiếp giáp với Địa Trung Hải, biển Ca-xpi và Biển Đen, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với diện tích khoảng 7 triệu km2, số dân hơn 313 triệu người (năm 2005).
Dựa vào hình 6.5 và bản đồ Địa lí tự nhiên châu Á, hãy cho biết tự nhiên của khu vực Tây Nam Á có các đặc điểm gì nổi bật ?
Tây Nam Á có dầu mỏ, khí tự nhiên ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng vịnh Péc-xich.
Từ thời cổ đại, ở Tây Nam Á đã xuất hiện nhiều quốc gia có nền văn minh rực rỡ. Đây cũng là nơi xuất hiện nhiều tôn giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ngày nay phần lớn dân cư trong khu vực theo đạo Hồi, một phần nhỏ theo các tôn giáo khác.
Là tôn giáo có ảnh hưởng sâu, rộng trong khu vực nhưng hiện nay đạo Hồi bị chia rẽ bởi nhiều giáo phái khác nhau. Những phần tử cực đoan của các tôn giáo, giáo phái đang góp phần gây ra sự mất ổn định trong khu vực.
Hình 6.6. Vườn treo Ba-bi-lon - (tranh vẽ)
2. Trung Á
Hình 6.7. Khu vực Trung Á
Quan sát hình 6.7, hãy cho biết Trung Á có những quốc gia nào ? Vị trí địa lí, lãnh thổ của khu vực có đặc điểm gì ?
Trung Á có diện tích khoảng 5,6 triệu km2, là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên : dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá (có ở hầu hết các nước), tiềm năng thuỷ điện (Cư-rơ-gư-xtan, Tát-gi-ki-xtan), sắt (Ca-dắc-xtan), đồng (Mông Cổ), ngoài ra Trung Á còn có vàng, kim loại hiếm, U-ra-ni-um, muối mỏ,...
Khí hậu khô hạn, nếu giải quyết được vấn đề nước tưới thì có thể phát triển trồng bông và một số cây công nghiệp khác. Các thảo nguyên thuận lợi cho việc chăn thả gia súc.
Về xã hội, Trung Á là khu vực có mật độ dân số thấp, đa dân tộc, tỉ lệ dân theo đạo Hồi cao (trừ Mông Cổ).
Trung Á từng có "Con đường tơ lụa" đi qua, nên được tiếp thu nhiều giá trị văn hoá của cả phương Đông và phương Tây.
Những năm gần đây, Trung Á cũng là khu vực thiếu ổn định của thế giới.
II – NHÀ NƯỚC I-XRA-EN VÀ NHÀ NƯỚC PA-LE-XTIN
1. Nhà nước I-xra-en
Hình 6.8. I-xra-en và Pa-le-xtin (năm 2006)
Nhà nước I-xra-en được thành lập năm 1948 (theo Nghị quyết số 181 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khoá 2 năm 1947) với diên tích 14 100 km2. Hiện nay I-xra-en có diện tích là 21059 km2 gấp 1,5 lần so với năm 1948, bao gồm vùng đồng bằng hẹp ven Địa Trung Hải, vùng núi Giu-đa ở trung tâm, một phần thung lũng Gioóc-đan ở đông bắc và sa mạc Nê-gep ở phía nam.
I-xra-en có khí hậu cận nhiệt địa trung hải, lượng mưa ít. Tài nguyên hạn chế, chỉ có, phốt phát, brôm, đồng, manhê, đất sét...
Dân số I-xra-en có hơn 7 triệu người (năm 2005) trong đó phần lớn theo đạo Do Thái (80%).
I-xra-en thuộc nhóm nước phát triển (cơ cấu GDP khu vực I : 2%, khu vực II : 17%, khu vực III : 81%), khoa học kĩ thuật và trình độ quản lí kinh tế tiên tiến. Thu nhập bình quân đầu người vào loại cao trên thế giới (17287 USD/người, năm 2004).
Kim cương đã chế tác, thiết bị công nghệ cao, vũ khí, phần mềm máy tính, hoá chất, dệt may là các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn. I-xra-en nhập khẩu ngũ cốc, dầu thô...
I-xra-en gặp nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế xã hội vì chi phí cao cho các cuộc xung đột, chiến tranh với các nước Ả rập...
Sự mở rộng lãnh thổ của I-xra-en có ảnh hưởng thế nào tới mối quan hệ với các quốc gia láng giềng, và từ đó có ảnh hưởng gì tới sự phát triển kinh tế xã hội của I-xra-en cũng như sự ổn định của khu vực Tây Nam Á ?
2. Nhà nước Pa-le-xtin
Nhà nước Pa-le-xtin thành lập ngày 15 - 11 - 1988, được Liên hợp quốc công nhận năm 1989, có vị trí nằm kề các nước Gioóc-đa-ni, Ai Cập và I-xra-en. Bao gồm các bộ phận tách rời : bờ Tây sông Gioóc-đan, dải Ga-da và một phần Đông Giê-ru-xa-lem. Theo Nghị quyết số 181 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khoả 2 năm 1947, Pa-le-xtin có lãnh thổ rộng 11000 km2, nhưng hiện nay diện tích chỉ có ước chừng 6260 km2.
Dân số Pa-le-xtin khoảng 3,8 triệu người, đa số theo đạo Hồi.
Pa-le-xtin có nền kinh tế kém phát triển (cơ cấu GDP khu vực I : 33%, khu vựu II : 25%, khu vực III : 42%). Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là dầu ô-liu, cam, quýt, rau, thịt bò... Sản phẩm công nghiệp có xi măng, hàng dệt may, hàng mĩ nghệ...
Hơn nửa thế kỉ đấu tranh giải phóng dân tộc, sau khi đất nước được thành lập lại xung đột triền miên với I-xra-en, kinh tế Pa-le-xtin liên tục bị khủng hoảng ; khoảng 60% số dân sống nghèo khổ, Liên hợp quốc thường xuyên phải trợ giúp.
Tại sao giữa I-xra-en và Pa-le-xtin lại có mâu thuẫn kéo dài, dẫn tới xung đột ?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Tìm trong bảng sau các quốc gia lớn nhất, nhỏ nhất (về diện tích, dân số) ở từng khu vực và xác định vị trí địa lí, lãnh thổ trên bản đồ (hoặc At lat Địa lí thế giới)
Diện tích, dân số các quốc gia ở khu vực Tây Nam Á và khu vực Trung Á - năm 2005
STT | Tên nước | Diện tích (km2) | Dân số (triệu người) | STT | Tên nước | Diện tích (km2) | Dân số (triệu người) |
Khu vực Tây Nam Á | 7009101 | 313,3 | 14 | Li-băng | 10399 | 3,8 | |
1 | Ác-mê-ni-a | 29801 | 3,0 | 15 | Ô-man | 212460 | 2,4 |
2 | A-déc-bai-gian | 86599 | 8,4 | 16 | Lãnh thổ Pa-le-xtin | 6260 | 3,8 |
3 | A-rập Xê-ut | 2149690 | 24,6 | 17 | Sip | 9249 | 1,0 |
4 | Áp-ga-ni-xtan | 652089 | 29,9 | 18 | Thổ Nhĩ Kì | 774819 | 72,9 |
5 | Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất | 83600 | 4,6 | 19 | Xi-ri | 185180 | 18,4 |
6 | Ba-ranh | 689 | 0,7 | 20 | Y-ê-men | 527969 | 20,7 |
7 | Ca-ta | 11000 | 0,8 | Khu vực Trung Á | 5560900 | 61,3 | |
8 | Cô-oét | 17819 | 2,6 | 1 | Ca-dắc-xtan
| 2717301 | 15,1 |
9 | Gru-di-a | 69699 | 4,5 | 2 | Cu-ro-gu-xtan | 198500 | 5,2 |
10 | Gioóc-đa-ni | 89210 | 5,8 | 3 | Mông Cổ | 1566499 | 2,6 |
11 | l-ran | 1633189 | 69,5 | 4 | Tát gi-ki-xtan | 143100 | 6,8 |
12 | I-rắc | 438321 | 28,8 | 5 | Tuốc-mê-ni-xtan | 488101 | 5,2 |
13 | I-xra-en | 21059 | 7,1 | 6 | U-dơ-bê-ki-xtan | 447399 | 26,4 |
2. Quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin có ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển kinh tế xã hội của cả hai quốc gia ? Để cùng phát triển, hai nước cần phải làm gì ?
Tiết 4. Thực hành: Phân tích một số vấn đề của khu vực Tây Nam Á và khu vực Trung Á
BÀI TẬP 1. VAI TRÒ CUNG CẤP DẦU MỎ
1. Dựa vào bảng số liệu sau :
Bảng 6.5. Lượng dầu thô khai thác và tiêu dùng ở một số khu vực của thế giới - năm 2003
(Đơn vị : nghìn thùng*/ngày)
STT | Khu vực | Lượng dầu thô khai thác | Lượng dầu thô tiêu dùng |
1 | Đông Á | 3414,8 | 14520,5 |
2 | Tây Nam Á | 21356,6 | 6117,2 |
3 | Trung Á | 1172,8 | 503,0 |
4 | Đông Nam Á | 2584,4 | 3749,7 |
5 | Đông Âu | 8413,2 | 4573,9 |
6 | Tây Âu | 161,2 | 6882,2 |
7 | Bắc Mĩ | 7986,4 | 22226,8 |
a) Vẽ biểu đồ thể hiện lượng dầu thô khai thác và tiêu dùng của một số khu vực trên thế giới, năm 2003.
b) Tính lượng dầu chênh lệch giữa khai thác và tiêu dùng của các khu vực trên.
c) Nhận xét về khả năng cung cấp dầu mỏ cho thế giới của khu vực Tây Nam Á.
BÀI TẬP 2. XUNG ĐỘT SẮC TỘC, XUNG ĐỘT TÔN GIÁO VÀ NẠN KHỦNG BỐ
Dựa vào kiến thức bài học, hiểu biết của bản thân và thông tin dưới đây, hãy nhận xét chung về tình hình chính trị, xã hội ở Tây Nam Á và Trung Á.
1. Năm mươi bảy năm đã trôi qua kể từ khi Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 2 thông qua Nghị quyết 181 về vấn đề Pa-le-xtin và I-xra-en, xong vấn đề này vẫn chưa được giải quyết và các quyền cơ bản của nhân dân Pa-le-xtin vẫn chưa được thực hiện.* 2. Theo thống kê, năm 2006 được coi là một năm đẫm máu ở Áp-ga-ni-xtan với hơn 100 vụ đánh bom liều chết và bạo lực khủng bố làm 3700 người chết, trong đó có hơn 1000 thường dân vô tội, nhiều gấp bốn lần năm 2005** 3. Cư-rơ-gư-xtan chưa giải quyết được các mâu thuẫn giữa cộng đồng các dân tộc ở miền nam nghèo đói, chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan với các dân tộc miền bắc nói tiếng Nga có mức sống cao hơn. Cuộc chính biến 24/3/2005 cũng được bắt đầu từ nguyên nhân này. *** 4. Tại U-dơ-bê-ki-xtan, các lực lượng Hồi giáo li khai và cực đoan hoạt động mạnh, chính quyền đã cố trấn áp, kiểm soát an ninh, nhưng vẫn xảy ra các vụ đánh bom khủng bố, biểu tình, bạo loạn. Do phải lo củng cố quyền lực, đối phó với khủng bố nên chính quyền chưa tập trung nhiều cho phát triển kinh tế. *** |
Hình 6.9. Nạn nhân của xung đột bạo lực ở Tây Nam Á
Nguồn :
* Trang http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns041202102250.
** Trang http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=6&news_ID=15153973.
*** Trang http://www.mofa.gov.vn/vi/cnvakv/ của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam.