Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại với đặc trưng là làm xuất hiện và bùng nổ công nghệ cao đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, chuyển dần nền kinh tế thế giới sang một giai đoạn phát triển mới, được gọi là nền kinh tế tri thức. Trong đó, tri thức, thông tin trở thành yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển sản xuất ; khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
I – CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại được tiến hành vào cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI. Đặc trưng của cuộc cách mạng này là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng công nghệ cao. Đây là các công nghệ dựa vào những thành tựu khoa học mới, với hàm lượng tri thức cao. Các công nghệ này đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, bốn công nghệ trụ cột tạo ra nhiều thành tựu nhất.
Từ một mạng máy tính nội bộ xuất hiện đầu tiên năm 1969 ở Hoa Kì, đến năm 1989, mạng Internet đã phát triển khắp nơi trên thế giới.
Bảng 2.1. Số người sử dụng Internet trên thế giới
(Đơn vị : triệu người)
Năm | 1993 | 2000 | 2006 |
Số người | 1 | 540 | 1100 |
Nhận xét số người sử dụng Internet năm 2006 so với các năm 1993, 2000 và so với dân số toàn thế giới năm 2006 (khoảng 6500 triệu người).
II – TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Hãy nêu các ví dụ cụ thể để làm rõ tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đến sự phát triển kinh tế - xã hội thế giới.
III – NỀN KINH TẾ TRI THỨC
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại tác động ngày càng sâu sắc, làm cho kinh tế thế giới chuyển dần từ nền kinh tế công nghiệp sang một loại hình kinh tế mới dựa trên tri thức, kĩ thuật, công nghệ cao, được gọi là nền kinh tế tri thức
Bảng 2.2. So sánh khái quát một số yếu tố của các nền kinh tế
Yếu tố | Nền kinh tế | Nông nghiệp | Công nghiệp | Tri thức |
Cơ cấu kinh tế | Nông nghiệp là chủ yếu | Công nghiệp và dịch vụ là chủ yếu | Dịch vụ là chủ yếu, trong đó các ngành cần nhiều tri thức (ngân hàng, tài chính, bảo hiểm...) chiếm ưu thế tuyệt đối | |
Công nghệ chủ yếu để thúc đẩy phát triển | Sử dụng súc vật, cơ giới hoá đơn giản | Cơ giới hoá, hoá học hoá, điện khí hoá, chuyên môn hoá | Công nghệ cao, điện tử hoá, tin học hoá, siêu xa lộ thông tin,... | |
Cơ cấu lao động | Nông dân là chủ yếu | Công nhân là chủ yếu | Công nhân trí thức là chủ yếu | |
Tỉ lệ đóng góp của khoa học công nghệ cho tăng trưởng kinh tế | <10% | >30% | > 80% | |
Tầm quan trọng của giáo dục | Nhỏ | Lớn | Rất lớn | |
Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông | Không lớn | Lớn | Quyết định |
Dựa vào bảng 2.2, cho biết nền kinh tế tri thức khác với nền kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp ở những điểm chủ yếu nào?
Nền kinh tế tri thức bắt đầu được hình thành ở Bắc Mĩ và một số nước Tây Âu,... Ở các nước này, những ngành kinh tế chủ yếu dựa vào công nghệ thông tin chiếm khoảng 45 - 50% GDP. Ước tính vào khoảng năm 2030, nền kinh tế của các nước phát triển đều trở thành nền kinh tế tri thức.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Nêu đặc trưng và tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đến nền kinh tế thế giới.
2. Trình bày những hiểu biết của cá nhân về các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại nổi bật của nhân loại trong thế kỉ XX.
3. Phân tích vai trò to lớn của khoa học và công nghệ hiện đại trong nền kinh tế tri thức.