Âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã có từ lâu và được xúc tiến mạnh mẽ từ giữa thế kỉ XIX.
Tháng 9 – 1858, quân Pháp nổ súng, chính thức mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngay từ đầu, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi chiếm được thành Gia Định, Pháp lần lượt đánh chiếm ba tỉnh miền Đông (1862), rồi ba tỉnh miền Tây Nam Kì (1867). Đi đến đâu chúng cũng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân ta.
I − LIÊN QUÂN PHÁP – TÂY BAN NHA XÂM LƯỢC VIỆT NAM. CHIẾN SỰ Ở ĐÀ NẴNG NĂM 1858
1. Tình hình Việt Nam đến giữa thế kỉ XIX (trước khi thực dân Pháp xâm lược)
Vào giữa thế kỉ XIX, trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế, văn hoá. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chế độ phong kiến Việt Nam đang có những biểu hiện khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng.
Nông nghiệp sa sút. Nhiều cuộc khẩn hoang được tổ chức khá quy mô, nhưng cuối cùng đất đai khai khẩn được lại rơi vào tay địa chủ, cường hào. Hiện tượng dân lưu tán trở nên phổ biến. Đê điều không được chăm sóc. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra liên miên.
Công thương nghiệp bị đình đốn ; xu hướng độc quyền công thương của Nhà nước đã hạn chế sự phát triển của sản xuất và thương mại. Chính sách “bế quan toả cảng” của nhà Nguyễn khiến cho nước ta bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Quân sự lạc hậu, chính sách đối ngoại có những sai lầm, nhất là việc “cấm đạo”, đuổi giáo sĩ phương Tây, đã gây ra những mâu thuẫn, làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến sau này.
Nhiều cuộc khởi nghĩa chống triều đình đã nổ ra như : khởi nghĩa Phan Bá Vành ở Nam Định, Thái Bình (1821), của Lê Duy Lương ở Ninh Bình (1833), Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833), của Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, Cao Bằng (1833 1835)...
Nêu tình hình Việt Nam giữa thế kỉ XIX, trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
2. Thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược Việt Nam
Người phương Tây, đầu tiên là các lái buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đã biết đến Việt Nam từ thế kỉ XVI. Đến thế kỉ XVII, người Anh đã định chiếm đảo Côn Lôn(1) của Việt Nam, nhưng không thành.
Trong cuộc chạy đua thôn tính phương Đông, tư bản Pháp đã lợi dụng việc truyền đạo Thiên Chúa để chuẩn bị tiến hành cuộc xâm lược.
Thế kỉ XVII, các giáo sĩ Pháp đã tới Việt Nam truyền đạo ; một số giáo sĩ kết hợp truyền giáo với việc dò xét tình hình, vẽ bản đồ, chuẩn bị cho cuộc xâm nhập của tư bản Pháp.
Cuối thế kỉ XVIII, khi phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra, Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực nước ngoài để khôi phục lại quyền lực. Giám mục Bá Đa Lộc (Pi-nhô đờ Bê-hen) đã nắm cơ hội đó, tạo điều kiện cho tư bản Pháp can thiệp vào Việt Nam.
Nhờ sự môi giới của Bá Đa Lộc, Hiệp ước Vécxai (1787) được kí kết. Pháp hứa sẽ đem quân sang giúp Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn ; còn Nguyễn Ánh nhượng cho Pháp cảng Hội An, đảo Côn Lôn và được độc quyền buôn bán ở Việt Nam. Nhưng vì nhiều lí do, bản Hiệp ước này đã không thực hiện được.
(1) Nay thuộc huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đến giữa thế kỉ XIX, nước Pháp phát triển nhanh trên con đường tư bản chủ nghĩa, càng ráo riết tìm cách đánh chiếm Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng với Anh ở khu vực châu Á.
Năm 1857, Na-pô-lê-ông III lập ra Hội đồng Nam Kì để bàn cách can thiệp vào nước ta ; tiếp đó cho sứ thần tới Huế đòi được “tự do buôn bán và truyền đạo”. Cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp tăng viện cho hạm đội Pháp ở Thái Bình Dương để cùng Anh - Mĩ xâm lược Trung Quốc và lệnh cho Phó Đô đốc Ri-gôn đơ Giơ-nui-y chỉ huy hạm đội Pháp đánh Việt Nam ngay sau khi chiếm được Quảng Châu (Trung Quốc).
Những hành động nào chứng tỏ thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược Việt Nam ?
3. Chiến sự ở Đà Nẵng năm 1858
Sau nhiều lần đưa quân tới khiêu khích, chiều 31 - 8 - 1858 liên quân Pháp Tây Ban Nha(1) với khoảng 3 000 binh lính và sĩ quan, bố trí trên 14 chiến thuyền, kéo tới dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng.
Âm mưu của Pháp là chiếm Đà Nẵng làm căn cứ, rồi tấn công ra Huế, nhanh chóng buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng.
Sáng 1 – 9 – 1858, địch gửi tối hậu thư, đòi Trấn thủ thành Đà Nẵng trả lời trong vòng 2 giờ. Nhưng không đợi hết hạn, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã nổ súng rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà.
Hình 49. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858
(1) Tây Ban Nha liên minh với Pháp vì có một số giáo sĩ Tây Ban Nha bị triều đình nhà Nguyễn giam giữ, giết hại.
Quân dân ta anh dũng chống trả quân xâm lược, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng, sau đó lại tích cực thực hiện “vườn không nhà trống” gây cho quân Pháp nhiều khó khăn. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha bị cầm chân suốt 5 tháng (từ cuối tháng 8 - 1858 đến đầu tháng 2 1859) trên bán đảo Sơn Trà. Về sau, quân Tây Ban Nha rút khỏi cuộc xâm lược.
Khí thế kháng chiến sục sôi trong nhân dân cả nước.
Tại Đà Nẵng, nhân dân tổ chức thành đội ngũ, chủ động tìm địch mà đánh. Thực dân Pháp đã phải thừa nhận “dân quân gồm tất cả những ai không đau ốm và không tàn tật”.
Từ Nam Định, Đốc học Phạm Văn Nghị tự chiêu mộ 300 người, chủ yếu là học trò của ông, lập thành cơ ngũ, lên đường vào Nam xin vua được ra chiến trường.
Cuộc kháng chiến của quân dân ta đã bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.
- Tại sao thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm mục tiêu tấn công đầu tiên ?
- Em có nhận xét gì về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta vào năm 1858 ?
II − CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP Ở GIA ĐỊNH VÀ CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM KÌ TỪ NĂM 1859 ĐẾN NĂM 1862
1. Kháng chiến ở Gia Định
Thấy không thể chiếm được Đà Nẵng, Pháp quyết định đưa quân vào Gia Định.
Gia Định và Nam Kì là vựa lúa của Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng. Hệ thống giao thông đường thuỷ ở đây rất thuận lợi. Từ Gia Định có thể sang Cam-pu-chia một cách dễ dàng. Chiếm được Nam Kì, quân Pháp sẽ cắt đứt con đường tiếp tế lương thực của triều đình nhà Nguyễn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm chủ lưu vực sông Mê Công của Pháp.
Ngày 9 - 2 - 1859, hạm đội Pháp tới Vũng Tàu rồi theo sông Cần Giờ lên Sài Gòn. Do vấp phải sức chống cự quyết liệt của quân dân ta nên mãi tới ngày 16 -2 - 1859 quân Pháp mới đến được Gia Định. Ngày 17 - 2, chúng nổ súng đánh thành. Quân đội triều đình tan rã nhanh chóng. Trái lại, các đội dân binh chiến đấu rất dũng cảm, ngày đêm bám sát địch để quấy rối và tiêu diệt chúng. Cuối cùng, quân Pháp phải dùng thuốc nổ phá thành, đốt trụi mọi kho tàng và rút quân xuống các tàu chiến. Kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” bị thất bại, buộc địch phải chuyển sang kế hoạch “chinh phục từng gói nhỏ”.
Từ đầu năm 1860, cục diện chiến trường Nam Kì có sự thay đổi. Nước Pháp đang sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Trung Quốc và I-ta-li-a, phải cho rút toàn bộ số quân ở Đà Nẵng vào Gia Định (23 - 3 - 1860). Vì phải chia xẻ lực lượng cho các chiến trường khác, số quân còn lại ở Gia Định chỉ có khoảng 1 000 tên, lại phải rải ra trên một chiến tuyến dài tới 10 km. Trong khi đó, quân triều đình vẫn đóng trong phòng tuyến Chí Hoà mới được xây dựng, trong tư thế “thủ hiểm”.
Hình 50. Quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định
Từ tháng 3 - 1860, Nguyễn Tri Phương được lệnh từ Đà Nẵng vào Gia Định. Ông đã huy động hàng vạn quân và dân binh xây dựng Đại đồn Chí Hoà, vừa đồ sộ vừa vững chắc, nhưng vì không chủ động tấn công nên gần 1 000 quân Pháp vẫn yên ổn ngay bên cạnh phòng tuyến của quân ta với một lực lượng từ 10000 đến 12000 người.
Không bị động đối phó như quân đội triều đình, hàng nghìn nghĩa dũng do Dương Bình Tâm chỉ huy đã xung phong đánh đồn Chợ Rẫy, vị trí quan trọng nhất trên phòng tuyến của địch (7 - 1860).
Pháp bị sa lầy ở cả hai nơi (Đà Nẵng và Gia Định), rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Lúc này trong triều đình nhà Nguyễn có sự phân hoá, tư tưởng chủ hoà lan ra làm lòng người li tán.
Âm mưu của thực dân Pháp khi tấn công Gia Định là gì ?
2. Kháng chiến lan rộng ra các tỉnh miền Đông Nam Kì. Hiệp ước 5 - 6 - 1862
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến ở Trung Quốc với Điều ước Bắc Kinh (25 - 10 - 1860), quân Pháp liền kéo về Gia Định, tiếp tục mở rộng việc đánh chiếm nước ta.
Ngày 23 - 2 - 1861, quân Pháp mở cuộc tấn công vào Đại đồn Chí Hoà. Quân ta kháng cự quyết liệt, cuối cùng trước hoả lực mạnh của địch, Đại đồn Chí Hoà đã rơi vào tay giặc. Thừa thắng, quân Pháp chiếm luôn Định Tường (12 -4 - 1861), Biên Hoà (18 - 12 - 1861), Vĩnh Long (23 - 3 - 1862).
Khi giặc Pháp từ Gia Định đánh lan ra, cuộc kháng chiến của nhân dân ta càng phát triển mạnh hơn. Các toán nghĩa quân của Trương Định, Trần Thiện Chính, Lê Huy... chiến đấu rất anh dũng, lập nhiều chiến công. Ngày 10 - 12 - 1861, đội quân của Nguyễn Trung Trực đã đánh chìm tàu chiến Ét-pê-răng (Hi vọng) của địch trên sông Vàm Cỏ Đông (đoạn chảy qua thôn Nhật Tảo), làm nức lòng quân dân ta. Giữa lúc phong trào kháng chiến của nhân dân đang ngày một dâng cao, khiến quân giặc vô cùng bối rối thì triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6 -1862).
Hiệp ước có 12 điều khoản, trong đó có những khoản chính như: triều đình nhượng hẳn cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) và đảo Côn Lôn ; bồi thường 20 triệu quan (ước tính bằng 280 vạn lạng bạc) ; triều đình phải mở ba cửa biển : Đà Nẵng, Ba Lạt , Quảng Yên cho thương nhân Pháp và Tây Ban Nha vào tự do buôn bán ; thành Vĩnh Long sẽ được trả lại cho triều đình Huế khi nào triều đình chấm dứt được các hoạt động chống Pháp ở ba tỉnh miền Đông.
- Hiệp ước Nhâm Tuất giữa Pháp và triều đình Huế (5 - 6 - 1862) được kí kết trong hoàn cảnh nào ?
- Nêu nội dung cơ bản của Hiệp ước Nhâm Tuất.
(1) Ba Lạt : cửa sông Hồng đổ ra Biển Đông, ở giữa địa phận hai tỉnh Thái Bình và Nam Định.
III − CUỘC KHÁNG CHIẾN CỦA NHÂN DÂN NAM KÌ SAU HIỆP ƯỚC 1862
1. Nhân dân ba tỉnh miền Đông tiếp tục kháng chiến sau Hiệp ước 1862
Thực hiện những điều đã cam kết với Pháp trong Hiệp ước 1862, triều đình Huế ra lệnh giải tán nghĩa binh chống Pháp ở các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hoà.
Mặc dù vậy, phong trào chống Pháp của nhân dân ba tỉnh miền Đông vẫn tiếp diễn. Các sĩ phu yêu nước vẫn bám đất, bám dân, cổ vũ nghĩa binh đánh Pháp và chống phong kiến đầu hàng. Phong trào “tị địa”(1) diễn ra rất sôi nổi, khiến cho Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức, quản lí những vùng đất chúng mới chiếm được. Các đội nghĩa quân vẫn không chịu hạ vũ khí mà hoạt động ngày càng mạnh mẽ. Cuộc khởi nghĩa Trương Định tiếp tục giành được thắng lợi, gây cho Pháp nhiều khó khăn.
Trương Định là con của Lãnh binh Trương Cầm, quê ở Quảng Ngãi. Ông theo cha vào Nam từ hồi nhỏ. Năm 1850, ông cùng Nguyễn Tri Phương mộ phu đồn điền, khai khẩn
nhiều đất đai, được triều đình phong chức Phó Quản cơ. Năm 1859, khi Pháp đánh Gia Định, Trương Định đã đưa đội quân đồn điền của ông về sát cánh cùng quân triều đình chiến đấu. Tháng 3 - 1860, khi Nguyễn Tri Phương được điều vào Gia Định, ông lại chủ động đem quân phối hợp đánh địch. Tháng 2 - 1861, chiến tuyến Chí Hoà bị vỡ, ông đưa quân về hoạt động ở Tân Hoà (Gò Công), quyết tâm chiến đấu lâu dài.
Hình 51. Trương Định nhận phong soái
Sau Hiệp ước 1862, triều đình hạ lệnh cho Trương Định phải bãi binh, mặt khác điều ông đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang, rồi Phú Yên. Nhưng được sự ủng hộ của nhân dân, ông đã chống lệnh triều đình, quyết tâm ở lại kháng chiến. Phất cao lá cờ “Bình Tây Đại nguyên soái”, hoạt động của nghĩa quân đã củng cố niềm tin của dân chúng, khiến bọn cướp nước và bán nước phải run sợ.
(1) Bỏ đi nơi khác sống, không chịu cộng tác với Pháp.
Nghĩa quân tranh thủ thời gian ra sức xây dựng công sự, rèn đúc vũ khí, liên kết lực lượng, đẩy mạnh đánh địch ở nhiều nơi.
Hình 52. Lược đồ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kì
Biết được căn cứ trung tâm của phong trào là Tân Hoà, ngày 28 - 2 - 1863 giặc Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ này. Nghĩa quân anh dũng chiến đấu suốt 3 ngày đêm, sau đó rút lui để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ mới ở Tân Phước. Ngày 20 -8 - 1864, nhờ có tay sai dẫn đường, thực dân Pháp đã tìm ra nơi ở của Trương Định. Chúng mở cuộc tập kích bất ngờ vào căn cứ Tân Phước. Nghĩa quân chống trả quyết liệt. Trương Định trúng đạn và bị thương nặng. Ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết. Năm đó ông 44 tuổi.
Em có suy nghĩ gì về hành động của Trương Định sau Hiệp ước 1862 ?
2. Thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kì
Sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì, thực dân Pháp bắt tay ngay vào việc tổ chức bộ máy cai trị và chuẩn bị mở rộng phạm vi chiếm đóng.
Năm 1863, thực dân Pháp dùng vũ lực áp đặt nền bảo hộ lên đất Cam-pu-chia. Sau đó, chúng vu cáo triều đình Huế vi phạm các điều đã cam kết trong Hiệp ước 1862, yêu cầu triều đình giao nốt cho chúng quyền kiểm soát cả ba tỉnh miền Tây Nam Kì. Trước yêu cầu này, triều đình vô cùng lúng túng.
Lợi dụng sự bạc nhược của triều đình Huế, ngày 20 - 6 - 1867, quân Pháp kéo đến trước thành Vĩnh Long, ép Phan Thanh Giản (lúc đó đang giữ chức Kinh lược sứ của triều đình) phải nộp thành không điều kiện. Chúng còn khuyên ông viết thư cho quan quân hai tỉnh An Giang và Hà Tiên hạ vũ khí nộp thành.
Trong vòng 5 ngày (từ 20 đến 24 -6 - 1867), thực dân Pháp đã chiếm gọn ba tỉnh miền Tây Nam Kì (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) mà không tốn một viên đạn.
Ba tỉnh miền Tây Nam Kì đã rơi vào tay Pháp như thế nào ?
3. Nhân dân ba tỉnh miền Tây chống Pháp
Sau khi ba tỉnh miền Tây Nam Kì rơi vào tay Pháp, phong trào kháng chiến trong nhân dân vẫn tiếp tục dâng cao. Một số văn thân, sĩ phu yêu nước bất hợp tác với giặc, tìm cách vượt biển ra vùng Bình Thuận (Nam Trung Kì) nhằm mưu cuộc kháng chiến lâu dài. Một số khác ở lại bám đất, bám dân, tiếp tục tiến hành cuộc vũ trang chống Pháp.
Con trai Trương Định là Trương Quyền đưa một bộ phận nghĩa binh lên Tây Ninh lập căn cứ mới. Ông còn liên lạc với Pu-côm-bộ (người Cam-pu-chia) để tổ chức chống Pháp.
Năm 1867, tại vùng dọc theo sông Cửu Long có căn cứ Ba Tri (Bến Tre) do hai anh em Phan Tôn, Phan Liêm (con của Phan Thanh Giản) lãnh đạo. Nguyễn Trung Trực lập căn cứ ở Hòn Chông (Rạch Giá). Khi bị giặc bắt đem đi hành hình, ông đã khảng khái nói : “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Nguyễn Hữu Huân bị đi đày ngoài hải đảo, khi được tha về lại tiếp tục chống Pháp ở Tân An, Mĩ Tho đến năm 1875.
Hình 53. Nguyễn Hữu Huân (1813-1875)
Những toán quân của Thân Văn Nhíp ở Mĩ Tho ; anh em Đỗ Thừa Long, Đỗ Thừa Tự ở Tân An ; Phan Tòng ở Ba Tri ; Lê Công Thành, Phan Văn Đạt, Phạm Văn Đồng, Âu Dương Lân ở Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ hoạt động mạnh mẽ.
Trong điều kiện khó khăn hơn nhiều so với thời kì thực dân Pháp mới xâm chiếm Nam Kì, phong trào kháng chiến ở ba tỉnh miền Tây vẫn diễn ra sôi nổi, bền bỉ. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng ngày một chênh lệch không có lợi cho ta, vũ khí thì thô sơ, cuối cùng phong trào đều bị đàn áp và thất bại.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Kì nói chung, của nhân dân ba tỉnh miền Tây nói riêng, là những biểu hiện cụ thể, sinh động lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta.
Nêu những đặc điểm của cuộc kháng chiến chống Pháp ở ba tỉnh miền Tây Nam Kì sau năm 1867.
Câu hỏi và bài tập
1. Quan sát lược đồ (hình 52), xác định địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định và tường thuật ngắn gọn diễn biến của cuộc khởi nghĩa này.
2. Thông qua bài học, hãy nêu nhận xét về tinh thần chống Pháp của vua quan triều đình nhà Nguyễn.