Phần lịch sử thế giới cận đại, từ Cách mạng Hà Lan đến Cách mạng tháng Mười Nga gồm một số vấn đề cơ bản sau đây :
- Sự thắng lợi của cách mạng tư sản ; sự xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản.
- Sự ra đời và phát triển của phong trào công nhân quốc tế.
- Sự xâm lược thuộc địa của chủ nghĩa tư bản và phong trào đấu tranh của các dân tộc chống chủ nghĩa thực dân.
- Mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa dẫn tới chiến tranh thế giới.
1. Những kiến thức cơ bản
Sự kiện lịch sử của thời kì này rất nhiều, vì vậy cần ghi nhớ một số sự kiện cơ bản theo các nhóm :
- Kiến thức cơ bản của một bài với một số sự kiện chủ yếu. Ví dụ: “Những sự kiện cơ bản của cuộc Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII” (nêu rõ sự phát triển đi lên của cách mạng, sự thể hiện vai trò của quần chúng nhân dân và ý nghĩa của cuộc cách mạng).
- Kiến thức cơ bản về một vấn đề lịch sử mà nội dung được trình bày qua một số bài. Ví dụ : “Các cuộc cách mạng tư sản thế kỉ XVI - thế kỉ XIX” (nêu rõ : nguyên nhân bùng nổ, động lực, lãnh đạo, hình thức, diễn biến, kết quả, ý nghĩa lịch sử, hạn chế).
Lập bảng hệ thống về các sự kiện chính của lịch sử thế giới cận đại (theo mẫu gợi ý) :
Thời gian | Sự kiện - nội dung cơ bản | Kết quả, ý nghĩa |
2. Nhận thức đúng những vấn đề chủ yếu
Học tập lịch sử thế giới cận đại không chỉ nắm các sự kiện cơ bản mà phải nhận thức đúng những vấn đề chủ yếu.
Thứ nhất, cần hiểu rõ về bản chất các cuộc cách mạng tư sản. Dù hình thức, diễn biến và kết quả đạt được khác nhau, song đều có nguyên nhân sâu xa và cơ bản giống nhau, cùng nhằm một mục tiêu chung (giải quyết mâu thuẫn giữa quan hệ phong kiến lỗi thời với lực lượng sản xuất mới - tư bản chủ nghĩa). Thắng lợi của cách mạng tư sản ở những mức độ khác nhau đều tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
Thứ hai, những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX là thời kì phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản. Đây là thời kì chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn tự do cạnh tranh chuyển dần sang giai đoạn độc quyền, tức chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc có những đặc trưng riêng, song không thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản mà chỉ làm cho các mâu thuẫn vốn có và mới nảy sinh thêm trầm trọng.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và tư sản - hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa – ngày càng sâu sắc, dẫn đến cuộc đấu tranh của vô sản chống tư sản ngày càng mạnh mẽ. Phong trào đấu tranh này phát triển từ “tự phát” đến “tự giác” và là cơ sở cho sự ra đời của học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, mà Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen là những người sáng lập. Chủ nghĩa Mác đã đưa phong trào đấu tranh của công nhân từng bước đi đến thắng lợi, dù phải trải qua những bước thăng trầm, những thất bại.
Thứ tư, chủ nghĩa tư bản phát triển gắn liền với cuộc xâm chiếm các nước nhỏ yếu ở châu Á, châu Phi và khu vực Mĩ Latinh... làm thuộc địa. Việc chiếm hữu thuộc địa của các nước tư bản thực dân dẫn tới mâu thuẫn giữa các nước đế quốc, đòi chia lại thuộc địa và là nguyên nhân chủ yếu gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Ngay từ đầu, nhân dân các nước bị xâm lược đã đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và sau đó chống thế lực phong kiến tay sai.
3. Bài tập thực hành
Trong quá trình học tập, đặc biệt khi ôn tập, cần tiến hành những bài tập trắc nghiệm khách quan, bài tập tự luận, bài tập thực hành nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức cơ bản đã học.
Câu hỏi và bài tập
1. Nội dung cơ bản của lịch sử thế giới cận đại bao gồm những vấn đề nào ?
2. Nêu những điểm chung và riêng của Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII, Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ và Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII (có thể lập bảng so sánh, hệ thống kiến thức...).
3. Nếu một số luận điểm cơ bản trong tư tưởng của Mác, Ăng-ghen và Lê-nin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
4. Lập bảng thống kê những diễn biến chính của Chiến tranh thế giới thứ nhất.
5. Trình bày diễn biến chính của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước châu Á.