Sách Giáo Khoa 247

Giáo Dục Công Dân 11 - Bài 12: Chính Sách Tài Nguyên Và Bảo Vệ Môi Trường | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 12: Chính Sách Tài Nguyên Và Bảo Vệ Môi Trường và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Giáo Dục Công Dân 11 | Giáo Dục Việt Nam

I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Tài nguyên, môi trường có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của mỗi người và sự phát triển của mỗi quốc gia. Trên thế giới, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Cứu lấy Trái Đất là mệnh lệnh hành động chung của loài người.

Học xong bài này, học sinh cần:

– Nêu được tình hình tài nguyên, môi trường ; phương hướng cơ bản nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường.

– Hiểu được trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.

– Biết tham gia và tuyên truyền thực hiện chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với khả năng của bản thân.

– Tôn trọng, tin tưởng vào chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường ; có hành vi đúng đắn trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường phù hợp với điều kiện, khả năng của mình.

II – NỘI DUNG BÀI HỌC

Bảo vệ tài nguyên, môi trường là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là một trong những nội dung cơ bản trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, là cơ sở quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững ở nước ta.

1. Tình hình tài nguyên, môi trường ở nước ta hiện nay

Hiện nay, tình hình tài nguyên và môi trường ở nước ta như thế nào ?

Do đặc điểm khí hậu và địa hình nên nguồn tài nguyên thiên nhiên nước ta rất đa dạng, khoáng sản khá phong phú (dầu mỏ, sắt, bô xít, crôm, thiếc, than...) ; đất đai màu mỡ ; rừng có nhiều loài quý hiếm (động vật có : voi, tê giác, bò rừng, hổ, báo, hươu sao, vượn... ; thực vật có : đinh, lim, sến, táu, cẩm lai, giáng hương, lát hoa...) ; biển rộng lớn, phong cảnh đẹp, có nhiều hải sản quý ; không khí, ánh sáng và nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.

Cảnh rừng bị tàn phá

Ảnh : TTXVN

Như vậy, có thể nói, nước ta có nguồn tài nguyên phong phú, nếu được khai thác, sử dụng hợp lí, có hiệu quả, chúng ta sẽ tạo ra được sự phát triển bền vững. Nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là :

Về tài nguyên : khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt, diện tích rừng đang bị thu hẹp, nhiều loài động, thực vật quý hiếm đã bị xoá sổ hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chất lượng đất suy giảm, đất canh tác bị thu hẹp dần, tài nguyên biển ở vùng gần bờ cũng suy giảm đáng kể.

Về môi trường : ô nhiễm nước, không khí và đất đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều vấn đề vệ sinh môi trường đã phát sinh ở cả thành thị và nông thôn. Môi trường biển bắt đầu bị ô nhiễm, trước hết là do khai thác dầu. Các sự cố môi trường như bão, lụt, hạn hán ngày càng tăng lên.

Hậu quả trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chính. Việc nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường cho toàn dân chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được mọi nguồn lực tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường. Hiện nay, ở nước ta vẫn còn tình trạng : khai thác, sử dụng tài nguyên bừa bãi ; nạn chặt phá rừng, săn bắt thú quý hiếm chưa được ngăn chặn ; ý thức bảo vệ môi trường kém. Hơn nữa, do dân số nước ta tăng nhanh và tập trung quá đông vào các đô thị lớn nên tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước ngày càng trầm trọng. Điều quan trọng là tình trạng trên đang trực tiếp ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khoẻ của con người.

Để giải quyết những vấn đề trên, Đảng và Nhà nước ta đề ra mục tiêu bảo vệ tài nguyên, môi trường như thế nào ?

2. Mục tiêu, phương hướng cơ bản của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường

Mục tiêu của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường là : sử dụng hợp lí tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Em suy nghĩ như thế nào về vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong điều kiện nước ta còn nghèo, đang thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước?

Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần phải thực hiện tốt những phương hướng cơ bản sau :

– Tăng cường công tác quản lí của Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ; ban hành các chính sách về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường ; mọi tài nguyên đưa vào sử dụng đều phải nộp thuế hoặc trả tiền thuê.

– Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường cho mọi người dân. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tiếp nhận được các thông tin về môi trường, xây dựng nếp sống vệ sinh, tiết kiệm, đẩy mạnh các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường.

– Coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế, khu vực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tham gia các chương trình hợp tác để giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường chung với các quốc gia có liên quan.

– Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Nhà nước áp dụng những biện pháp hiệu quả để tăng tỉ lệ che phủ rừng, bảo vệ động, thực vật, nhất là những động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, bảo vệ đa dạng sinh học, chống ô nhiễm đất, nước, không khí.

– Khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trước mắt, chúng ta cần chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi gây lãng phí tài nguyên rừng, suy thoái đất và ô nhiễm môi trường.

– Áp dụng công nghệ hiện đại để khai thác tài nguyên và xử lí chất thải, rác, bụi, tiếng ồn, nhất là ở các thành phố lớn.

Thực hiện những phương hướng cơ bản trên, nước ta sẽ kết hợp chặt chẽ, hợp lí và hài hoà giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ tài nguyên và môi trường.

3. Trách nhiệm của công dân đối với chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường

Bảo vệ tài nguyên, môi trường là yêu cầu bức thiết của toàn nhân loại nói chung và của Việt Nam nói riêng ; có ý nghĩa đối với cả hiện tại và tương lai ; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Vì vậy, mỗi chúng ta đều phải :

– Chấp hành chính sách và pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường.

– Tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường ở địa phương và ở nơi mình hoạt động như : tham gia trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mở rộng diện tích rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, giữ gìn, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, tham gia vệ sinh môi trường, thực hiện các quy định về vệ sinh công cộng, phê phán việc săn bắt, tiêu diệt động vật quý hiếm.

– Vận động mọi người cùng thực hiện, đồng thời chống các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường.

III – TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X

"Ngăn chặn các hành vi huỷ hoại và gây ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng xuống cấp môi trường ở các khu vực sông, đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, nơi đông dân cư và có nhiều hoạt động kinh tế. Từng bước sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch."(1)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđdtr. 94.

2. Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014)

Giải thích từ ngữ (theo Điều 3)

– Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.

– Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường ; ứng phó sự cố môi trường ; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường ; khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.

– Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

– Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

– Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

3. Tuyên ngôn RIO về môi trường và phát triển (Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển họp tại Ri-ô đơ Gia-nê-rô từ 3-14/6/1992):

Điều 2 : "Theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của Luật pháp Quốc tế, các quốc gia có toàn quyền khai thác các tài nguyên riêng của họ phù hợp với đường lối môi trường và phát triển của chính mình. Họ có nghĩa vụ sao cho những hoạt động trong giới hạn chủ quyền hoặc dưới sự kiểm tra của họ không gây ra những tổn thất cho môi trường của các quốc gia khác trong các lãnh phận quốc tế".

IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu tình hình môi trường ở nước ta hiện nay và nhận xét.

2. Nêu mục tiêu, phương hướng cơ bản nhằm sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường.

3. Giả sử có một đàn voi rừng trong quá trình di chuyển chỗ ở đã tàn phá nhiều vườn tược, hoa màu, nguy hiểm hơn chúng đã giẫm chết và làm trọng thương nhiều người.

Theo em, tình huống trên nên xử lí như thế nào ?

4. Trách nhiệm của em đối với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường như thế nào ?

5. Hãy kể về hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường mà em biết hoặc trực tiếp tham gia và cho biết ý nghĩa của hoạt động đó đối với bản thân.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Giáo Dục Công Dân 11

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

ngu-van-6-tap-1-126

Ngữ Văn 6 - Tập 1

Môn học lớp 6

lich-su-va-dia-li-5-phan-dia-li-236

Lịch Sử và Địa Lí 5 (Phần Địa Lí)

Sách Lớp 5 NXB Giáo Dục Việt Nam

tieng-anh-4-tap-hai-1085

Tiếng Anh 4 - Tập Hai

Sách Lớp 4 NXB Giáo Dục Việt Nam

hoat-dong-trai-nghiem-7-888

Hoạt Động Trải Nghiệm 7

Sách Lớp 7 Chân Trời Sáng Tạo

tieng-viet-5-tap-1-1624

Tiếng Việt 5 - Tập 1

NXB Kết nối tri thức - Tiếng Việt 5 (Tập 1)

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.