Sách Giáo Khoa 247

Giáo Dục Công Dân 11 - Bài 6: Công Nghiệp Hóa, Hiện Đại Hóa Đất Nước | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 6: Công Nghiệp Hóa, Hiện Đại Hóa Đất Nước và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Giáo Dục Công Dân 11 | Giáo Dục Việt Nam

I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một trong những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Học xong bài này, học sinh cần:

– Hiểu được thế nào là công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự cần thiết phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

– Nêu được nội dung cơ bản của công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.

– Nhận rõ trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

– Tin tưởng vào đường lối, chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng và Nhà nước ; quyết tâm học tập, rèn luyện để trở thành người lao động đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

II – NỘI DUNG BÀI HỌC

1. Khái niệm công nghiệp hoá, hiện đại hoá ; tính tất yếu khách quan và tác dụng của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là gì ? Tại sao nước ta phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá ?

a) Khái niệm công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Nhân loại đã trải qua hai cuộc cách mạng kĩ thuật :

– Cuộc cách mạng kĩ thuật lần thứ nhất gắn với quá trình chuyển từ lao động thủ công lên lao động cơ khí, từ đó xuất hiện khái niệm công nghiệp hoá. Công nghiệp hoá là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động dựa trên sự phát triển của công nghiệp cơ khí.

– Cuộc cách mạng kĩ thuật lần thứ hai gắn với quá trình chuyển từ lao động cơ khí lên lao động dựa trên công cụ tự động hoá, sử dụng rộng rãi người máy và những công nghệ hiện đại khác, từ đó xuất hiện khái niệm hiện đại hoá. Hiện đại hoá là quá trình ứng dụng và trang bị những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lí kinh tế – xã hội.

Trong thời đại ngày nay, một nước thực hiện công nghiệp hoá muộn như Việt Nam, muốn rút ngắn khoảng cách lạc hậu so với các nước phát triển, đòi hỏi công nghiệp hoá phải gắn liền với hiện đại hoá.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động kinh tế và quản lí kinh tế – xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

b) Tính tất yếu khách quan và tác dụng của công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước

– Tính tất yếu khách quan của công nghiệp hoá, hiện đại hoá :

+ Do yêu cầu phải xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền công nghiệp lớn hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lí, trình độ xã hội hoá cao, dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ tiên tiến, được hình thành và phân bố có kế hoạch trên toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

+ Do yêu cầu phải rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế, kĩ thuật công nghệ giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới.

Sau hơn 30 năm đổi mới (1986 đến nay), nhất là 10 năm 2001 – 2010, nền kinh tế nước ta đã đạt những thành tựu rất quan trọng, trong đó cơ sở vật chất – kĩ thuật bước đầu được tăng cường. Tuy nhiên, đất nước vẫn đang tồn tại nhiều yếu kém, sự yếu kém này đã và đang là nguyên nhân làm hạn chế chất lượng tăng trưởng, chất lượng cạnh tranh và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi nước ta là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

+ Do yêu cầu phải tạo ra năng suất lao động xã hội cao, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội.

Xã hội sau muốn tiến bộ hơn xã hội trước, thì điều trước hết và chủ yếu là phải làm cho năng suất lao động của xã hội sau cao hơn hẳn năng suất lao động của xã hội trước, mà điều đó chỉ có thể trông chờ ở việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

– Tác dụng to lớn và toàn diện của công nghiệp hoá, hiện đại hoá:

+ Tạo điều kiện để phát triển lực lượng sản xuất và tăng năng suất lao động xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân.

+ Tạo ra lực lượng sản xuất mới làm tiền đề cho việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng cường vai trò của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối quan hệ liên minh giữa công nhân – nông dân – trí thức.

+ Tạo tiền đề hình thành và phát triển nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa – nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ví dụ :

Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại tạo tiền đề cho nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa phát triển theo hướng hiện đại.

+ Tạo cơ sở vật chất – kĩ thuật cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh.

2. Nội dung cơ bản của công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta có những nội dung gì?

a) Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất

Nội dung này thể hiện thông qua việc :

– Thực hiện cơ khí hoá nền sản xuất xã hội, bằng cách chuyển nền kinh tế từ chỗ dựa trên kĩ thuật thủ công sang dựa trên kĩ thuật cơ khí ; chuyển nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp.

– Áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào các ngành của nền kinh tế quốc dân. Thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại thường gắn với "hiện đại hoá", gắn với cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, gắn với bước chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh hậu công nghiệp.

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện bằng cách gắn công nghiệp hoá, hiện đại hoá với phát triển kinh tế tri thức.

b) Xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lí, hiện đại và hiệu quả

Cơ cấu kinh tế là tổng thể hữu cơ giữa cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế, trong đó, cơ cấu ngành kinh tế là quan trọng nhất vì nó là cốt lõi của cơ cấu kinh tế. Thực hiện nội dung này thông qua quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự chuyển đổi từ cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả và bất hợp lí, sang một cơ cấu kinh tế hợp lí, hiện đại và hiệu quả.

Xu hướng của sự chuyển dịch này là đi từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp lên cơ cấu kinh tế nông, công nghiệp và phát triển lên thành cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp và dịch vụ hiện đại.

Đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế tri thức là tiền đề chi phối xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng thời kì ở nước ta.

c) Củng cố và tăng cường địa vị chủ đạo của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và tiến tới xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân

Địa vị chủ đạo của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa quyết định tính chất xã hội chủ nghĩa của lực lượng sản xuất, của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất thông qua công nghiệp hoá, hiện đại hoá càng củng cố và tăng cường địa vị chủ đạo của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Tóm lại, ba nội dung cơ bản nói trên của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thực chất của mối quan hệ này là mối quan hệ biện chứng nhân quả giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.

Cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển Của Lục (thành phố Hạ Long – Quảng Ninh) nằm trên trục giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Ảnh : TTXVN

3. Trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Công dân có trách nhiệm như thế nào đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ?

– Có nhận thức đúng đắn về tính tất yếu khách quan và tác dụng to lớn của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

– Trong sản xuất, kinh doanh cần lựa chọn ngành, mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, nhất là khi nước ta là thành viên của WTO.

– Tiếp thu và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất để tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp, có khả năng chiếm lĩnh thị trường nhằm tối đa hoá lợi nhuận.

– Thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng hiện đại, đáp ứng nguồn lao động có kĩ thuật cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Em thấy mình có trách nhiệm gì đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ?

III – TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. "Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt."(1)

2. "Phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam ; coi phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá."(2)

3. "Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ; kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước."(3)

4. "Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá."(4)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 91.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 91.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 92.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 87.

5. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010 ; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp."(1)

IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Từ khái niệm công nghiệp hoá, hiện đại hoá, em hãy cho biết tại sao ở nước ta công nghiệp hoá phải gắn liền với hiện đại hoá?

2. Trình bày tính tất yếu khách quan của công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.

3. Trình bày tác dụng to lớn và toàn diện của công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

4. Phân tích nội dung cơ bản của công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.

5. Cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội là gì ? Em có nhận xét gì về cơ sở vật chất – kĩ thuật của nước ta hiện nay.

6. Chọn ý kiến đúng trong các ý kiến sau về việc xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta và lí giải ngắn gọn tại sao lại chọn ý kiến đó.

a) Nước ta tự nghiên cứu và xây dựng.

b) Nhận chuyển giao kĩ thuật và công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến.

c) Kết hợp vừa tự nghiên cứu và xây dựng vừa nhận chuyển giao kĩ thuật và công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến.

7. Trình bày xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.31.

8. Tại sao trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải đồng thời với chuyển dịch cơ cấu lao động ? Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động ở nước ta hiện nay ?

9. Là một công dân, trong khi học và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em phải làm gì để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ?

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Giáo Dục Công Dân 11

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

sinh-hoc-8-542

Sinh Học 8

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

giao-duc-the-chat-3-1048

Giáo Dục Thể Chất 3

Sách Lớp 3 Cánh Diều

lich-su-va-dia-li-7-867

Lịch Sử Và Địa Lí 7

Sách Lớp 7 Cánh Diều

tieng-viet-4-tap-mot-369

Tiếng Việt 4 - Tập Một

Sách Lớp 4 NXB Giáo Dục Việt Nam

vo-bai-tap-dao-duc-2-1039

Vở bài tập ĐẠO ĐỨC 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.