MỤC TIÊU
- Nêu được một số biểu hiện của yêu lao động.
- Biết vì sao phải yêu lao động.
- Tích cực, tự giác tham gia hoạt động lao động phù hợp với khả năng của bản thân.
- Quý trọng người yêu lao động, không đồng tình với những biểu hiện lười lao động.
KHỞI ĐỘNG
- Kể những việc em đã làm được khi ở nhà, ở trường.
- Khi làm những việc đó, em cảm thấy như thế nào?
KHÁM PHÁ
1. Tìm hiểu một số biểu hiện của yêu lao động
Quan sát tranh và trả lời câu hỏi:
- Em hãy nêu biểu hiện của yêu lao động qua các bức tranh trên.
- Hãy nêu thêm các biểu hiện khác của yêu lao động mà em biết.
2. Khám phá vì sao phải yêu lao động
Đọc truyện và trả lời câu hỏi:
Những giọt mồ hôi trên trán mẹ
Cô bé bận lắm, ngoài học trên lớp, cô bé còn ôn bài và sinh hoạt ở các câu lạc bộ. Để cô bé có nhiều thời gian, mẹ thường phải thức dậy từ sáng sớm để chạy đua với mặt trời và thức rất khuya để làm việc nhà. Ấy thế mà chưa bao giờ mẹ than vãn mệt mỏi với cô bé cả. Nhìn khuôn mặt mẹ lúc nào cũng chỉ thấy cố gắng và cố gắng.
Cô bé thương mẹ lắm! Cô bé thường xuyên giúp mẹ làm việc nhà. Quần áo mẹ phơi khô mà chưa kịp gấp, cô bé không ngần ngại gấp gọn gàng, rồi còn cất vào tủ của mỗi người nữa. Thấy những ngăn kệ phủ bụi mẹ chưa kịp lau, cô bé đã làm giúp mẹ mỗi chiều. Nhìn cô bé chăm chỉ, mẹ rất vui.
Một hôm, cô bé có một người bạn đến chơi. Ngoài tiếp bạn rất chu đáo, cô bé vẫn không quên tranh thủ làm việc nhà. Thấy vậy, người bạn rất ngạc nhiên và hỏi:
- Sao cậu phải làm nhiều như thế? Ở nhà tớ, mẹ tớ là người làm hết những việc này đấy.
Ngước mắt nhìn người bạn mới, cô bé mỉm cười trả lời:
- Vì nhìn những giọt mồ hôi trên trán mẹ nên tớ làm đấy!
(Theo Ba Lê, Thói quen nhỏ, hạnh phúc to,
NXB Dân Trí, 2020)
- Cô bé đã thể hiện tình yêu lao động như thế nào? Những việc làm của cô bé đã đem lại điều gì?
- Theo em, vì sao phải yêu lao động?
LUYỆN TẬP
1. Nhận xét các ý kiến dưới đây:
a. Lười lao động là đáng chê cười.
b. Chỉ người nghèo mới phải lao động.
c. Lao động đem lại cho con người niềm vui.
d. Cần quý trọng những người yêu lao động.
e. Trẻ em có bổn phận làm những việc phù hợp với khả năng.
2. Em đồng tình hoặc không đồng tình với bạn nào dưới đây? Vì sao?
a. Hằng ngày, sau khi đi học về, Long thường giúp bố mẹ nhặt rau, quét nhà.
b. Mỗi lần bố nhờ việc gì, Kiên thường làm một cách qua loa, cẩu thả.
c. Mai luôn tích cực tham gia các buổi lao động vệ sinh trường, lớp.
d. Tuấn thường chọn việc nhẹ để làm còn việc nào khó thì để chị gái làm.
e. Mỗi khi đến phiên trực nhật lớp, Nam lại nhờ các bạn làm hộ.
g. Hương hay lấy lí do bận học bài để không phải làm việc nhà.
3. Em sẽ khuyên bạn điều gì?
a. Huy là học sinh giỏi nhưng rất ít khi tham gia các hoạt động ở trường. Mỗi khi được phân công việc gì, bạn thường từ chối với lí do: "Mình đến trường là để học tập chứ không phải để làm những việc khác".
b. Trong buổi sinh hoạt lớp, cô giáo khen Hùng tích cực lao động giữ gìn sạch, đẹp trường, lớp. Khuê không đồng tình vì cho rằng học giỏi mới đáng được khen.
c. Quỳnh không bao giờ giúp bố mẹ làm việc nhà.
d. Lớp Hường sắp tham gia Hội chợ Xuân do nhà trường tổ chức. Hường được phân công mang cờ, hoa để trang trí gian hàng của lớp nhưng bạn từ chối.
4. Xử lí tình huống
a. Tổ của Lan tổ chức bình bầu một bạn tiêu biểu trong học tập và trong các hoạt động tập thể. Lan bầu cho Kiên vì Kiên vừa học giỏi vừa tích cực tham gia các hoạt động tập thể, nhất là trong lao động. Nhưng một số bạn lại bầu cho Hoa vì cho rằng mặc dù Hoa không chăm chỉ lao động nhưng lại học giỏi hơn Kiên.
Nếu là thành viên trong tổ của Lan, em sẽ làm gì?
b. Em chưa lau dọn xong nhà cửa thì bạn hàng xóm sang rủ chơi cầu lông. Em sẽ làm gì?
c. Ngọc đang chơi thì thấy ông nội chăm sóc cây trong vườn. Nếu là Ngọc, em sẽ làm gì?
VẬN DỤNG
1. Hãy sưu tầm và kể cho các bạn nghe về một tấm gương yêu lao động mà em biết. Em học tập được điều gì từ tấm gương đó?
2. Chia sẻ cảm xúc của em sau khi đã làm xong một công việc (ở trường, ở nhà, ở nơi công cộng,...)
3. Em hãy tự giác tự hiện các công việc ở nhà, ở trường phù hợp với khả năng của bản thân và đánh dấu vào bảng theo gợi ý dưới đây: