(Trang 59)
Tiết 1
1. Đánh giá kỹ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng: Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, đoạn thơ khoảng 60 - 65 tiếng hoặc đọc thuộc lòng một đoạn thơ (bài thơ) đã học.
2. Sắp xếp các tên riêng sau đây theo thứ tự trong bảng chữ cái:
Nga Cường Nghĩa Tùng Kiên
Chiến Nam Thanh Khánh Trung
Tiết 2
1. Đánh giá kỹ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.
2. Đọc và trả lời câu hỏi:
Ngày em vào đội
Chị đã qua tuổi Đoàn
Em hôm nay vào Đội
Màu khăn đỏ dắt em
Bước qua thời thơ dại.
Màu khăn tuổi thiếu niên
Suốt đời tươi thắm mãi
Như lời ru vời vợi
Chẳng bao giờ cách xa.
Này em, mở cửa ra
Một trời xanh vẫn đợi
Cánh buồm là tiếng gọi
Mặt biển và dòng sông.
(Trang 60)
Nắng vườn trưa mênh mông
Bướm bay như lời hát
Con tàu là đất nước
Đưa ta tới bến xa.
Những ngày chị đi qua
Những ngày em đang tới
Khao khát lại bắt đầu
Từ màu khăn đỏ chói.
XUÂN QUỲNH
- Đội: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (gọi tắt).
- Đoàn: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (gọi tắt).
- Lời ru vời vợi: lời ru vang xa, chứa chan tình yêu thương.
- Khao khát: mong muốn tha thiết.
(?)
1) Bài thơ là lời của ai nói với ai, nhân dịp gì?
2) Em hiểu 2 dòng thơ "Màu khăn đỏ dắt em / Bước qua thời thơ dại." như thế nào? Chọn ý đúng:
- Màu đỏ của chiếc khăn quàng sẽ giúp em khôn lớn.
- Chiếc khăn quàng đỏ sẽ giúp em bước qua thời thơ dại.
- Lễ kết nạp Đội đánh dấu bước trưởng thành của em.
3) Tìm những hình ảnh đẹp gợi tả tương lai ở các khổ thơ 3 và 4.
4) Em hiểu 2 dòng thơ cuối bài như thế nào? Chọn ý đúng:
- Chị tin là em đang có những ước mơ đẹp.
- Chị chúc em có những ước mơ đẹp.
- Chị căn dặn em thực hiện những ước mơ đẹp.
5) Em thích hình ảnh so sánh nào trong bài thơ? Vì sao?
(Trang 61)
Tiết 3
1. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.
2. Chọn 1 trong 2 đề sau:
a) Viết đoạn văn kể về một tiết học em thích.
b) Viết đoạn văn kể lại một cuộc nói chuyện điện thoại của em.
Tiết 4
1. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.
2. Nghe - viết
Bà
Bà mình vừa ở quê ra
Bà cho cả bưởi, cả na đi cùng
Áo bà, xe cọ lấm lưng
Bưởi na, bà bế bà bồng trên tay.
Đường ra tỉnh rất là dài
Qua một cái núi với hai cái cầu
Rồi bao nhiêu mái nhà cao
Bao nhiêu phố nữa, với bao nhiêu đường...
Đón bà, nhà rộn mùi hương
Theo bà có cả cây vườn quê xa.
PHAN QUẾ
(Trang 62)
3. Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp:
Từ ngữ: bồng, rộn, núi, cầu, bưởi, đi, bế, cao, xe, đón, áo, lấm.
Nhóm: Sự vật, Hoạt động, Đặc điểm
4. Đặt câu với một từ chỉ sự vật (hoặc chỉ hoạt động, đặc điểm) em vừa tìm được.
Tiết 5
1. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc bài.
2. Nghe và kể lại câu chuyện:
Con yêu mẹ
Theo sách Hạt giống tâm hồn
(Trang 63)
Gợi ý
- Cô con gái 8 tuổi lo lắng về điều gì?
- Người mẹ trách con trai như thế nào?
- Điều gì đã làm người mẹ cảm động và ân hận?
- Người mẹ đã làm gì với từ giấy dán tường có bức vẽ của con?
Tiết 6
(Bài luyện đọc hiểu)
Đọc và làm bài tập:
Ba anh em
Xưa, có ba anh em sống với nhau rất hoà thuận. Đến khi họ có gia đình riêng thì tình cảm anh em không còn được như trước nữa.
Cha mẹ già lần lượt qua đời. Mấy anh em chia của cải cha mẹ để lại làm ba phần đều nhau. Chỉ con một cây cổ thụ trong vườn, cành lá xum xuê. Một người em nhất quyết đòi chia nốt. Mấy anh em gọi thợ về chặt cây để xẻ thành ván rồi chia.
Đến hôm định hạ cây xuống, ba anh em ra vườn thì thấy cây cổ thụ đã khô héo tự bao giờ. Người anh cả bèn ôm cây mà khóc. Hai người em thấy vậy, bảo:
(Trang 64)
-Một thân cây khô héo đáng giá bao nhiêu mà anh phải thương tiếc thế?
Người anh đáp:
-Anh không khóc vì tiếc cây. Nhưng anh buồn vì cỏ cây biết sắp phải chia lìa còn khô héo, huống chi anh em ta là ruột thịt. Anh nhìn cây, nghĩ đến tình anh em nên mới khóc.
Nghe anh nói, hai người em cùng oà khóc. Từ đó, gia đình ba anh em lại sống với nhau êm ấm như xưa. Cây cổ thụ đã khô héo cũng xanh tươi trở lại.
Truyện dân gian Trung Quốc
- Cổ thụ: cây to, lâu năm.
- Xẻ: cưa gỗ ra thành những tấm mỏng theo chiều dọc.
- Ván: tấm gỗ phẳng và mỏng.
- Hạ cây: chặt cây.
(?)
1. Chọn câu trả lời đúng:
a) Đoạn 1 câu chuyện cho biết ba anh em sống với nhau thế nào?
- Trước kia hoà thuận, về sau không được như trước nữa.
- Trước sau đều không hoà thuận với nhau.
- Trước sau đều hoà thuận, không có gì thay đổi.
b) Vì sao ba anh em định chặt cây cổ thụ để chia nhau?
- Vì cây cổ thụ đã khô héo.
- Vì cả ba anh em đều cần có gỗ.
- Vì một người em nhất quyết đòi chia.
c) Chuyện gì xảy ra khi mấy anh em chuẩn bị hạ cây cổ thụ?
- Cây cổ thụ xum xuê khác thường.
- Cây cổ thụ bỗng nhiên khô héo.
- Cây cổ thụ xanh tươi hơn trước.
d) Vì sao người anh cả ôm cây mà khóc?
- Vì ông nhìn cây mà buồn về chuyện anh em không hoà thuận.
- Vì ông không muốn chia cái cây cho hai người em.
- Vì ông không muốn chia của cải cha mẹ để lại.
(Trang 65)
e) Chi tiết cây cổ thụ xanh tươi trở lại thể hiện điều gì?
- Cây cổ thụ vui vì nó đã khỏi bệnh.
- Cây cổ thụ vui vì nó mọc cành lá xum xuê.
- Cây cổ thụ vui vì ba anh em lại hoà thuận như xưa.
2. Tìm trong bài đọc:
- Một từ có nghĩa giống từ hoà thuận.
- Một từ có nghĩa trái ngược với từ khô héo.
3. Đặt câu với một từ em vừa tìm được.
Tiết 7
(Bài luyện viết)
Chọn 1 trong 2 đề sau:
1. Viết đoạn văn kể về một sự việc (hoặc hoạt động) mà em được chứng kiến hoặc tham gia ở trường.
2. Viết đoạn văn kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em với một người thân trong gia đình.